Pháp luật

Để bạo lực học đường không còn là vấn nạn nhức nhối (Bài 1)

07:46, 04/04/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Cần phải khẳng định rằng, bạo lực ở lứa tuổi học đường không phải là vấn đề mới nhưng chưa bao giờ nhức nhối như trong thời gian vừa qua. Liên tiếp những vụ việc học sinh đánh nhau xảy ra trong thời gian gần đây một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về vấn nạn này. Sau mỗi vụ việc xảy ra, ngành Giáo dục lại ráo riết tìm giải pháp để xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, làm thế nào để ngăn chặn triệt để tình trạng bạo lực học đường hiện nay vẫn là “bài toán” khó chưa được giải đáp. 
 
Bài 1: Thực trạng và nguyên nhân 
 
Khi học sinh hành xử theo kiểu “côn đồ”
 
Ngày 29/3, trên mạng xã hội lan truyền clip một nhóm 5 nữ sinh lớp 9, Trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên tham gia đánh dã man em N.T.H.Y., học sinh của Trường khiến em này phải điều trị tại Bệnh viện Tâm thần kinh Hưng Yên trong tình trạng tinh thần bị hoảng loạn. Theo đó, nhóm nữ sinh đã lột quần áo và liên tiếp đấm đá vào vùng mặt em Y.. Điều đáng nói, sự việc xảy ra ngay tại lớp học và diễn ra trong thời gian dài nhưng không có bất cứ sự can ngăn nào từ các học sinh cùng lớp hay giáo viên. 
Trường THCS Diễn Hùng, huyện Diễn Châu - nơi có học sinh tham gia đánh bạn
Trường THCS Diễn Hùng, huyện Diễn Châu - nơi có học sinh tham gia đánh bạn
Ngay sau khi cip được tung lên mạng, ngành Giáo dục và các cơ quan chức năng đã vào cuộc tiến hành điều tra, làm rõ. Qua đó xác định, vụ việc nữ sinh Y. bị đánh hội đồng xảy ra từ ngày 22/3 và được nhiều học sinh khác quay lại. Tuy nhiên, giáo viên chủ nhiệm đã yêu cầu các em xóa clip để tránh phát tán rộng rãi trên mạng xã hội. Theo các học sinh cùng lớp, đây không phải là lần đầu tiên H.Y. bị đánh mà trước đó em đã bị đánh rất nhiều nhưng lần này là nặng nhất. Được biết, hoàn cảnh gia đình của H.Y. rất khó khăn, ở lớp em là 1 học sinh hiền lành, nhút nhát và có phần chậm chạp nên hay bị các bạn trêu chọc. Tuy nhiên, chưa bao giờ Y. dám đứng lên phản kháng những hành động bất công mà các bạn “dành” cho mình. 
 
Trong khi dư luận xã hội chưa hết bàng hoàng, phẫn nộ trước cách hành xử “côn đồ” của nhóm nữ sinh Trường THCS Phù Ủng thì mới đây, vào sáng 1/4, trên mạng xã hội lại tiếp tục xuất hiện video clip dài 2 phút 30 giây nói về việc 1 học sinh nữ tại Nghệ An bị đánh hội đồng. Theo đó, do nghi ngờ H.T.P.Th., học sinh lớp 7B, trường THCS Diễn Hùng, huyện Diễn Châu tung tin đồn thất thất thiệt về mình, chiều 31/3, T.T.H.Tr. (học cùng trường) và 5 nữ sinh của Trường THCS Diễn Kim đã hẹn Th. ra bãi biển “nói chuyện”. Tại đây, nhóm của Tr. bắt Th. phải quỳ gối, sau đó bị túm tóc và tát vào mặt. Mặc dù bị đánh nhưng Th. cũng không thể phản kháng mà chỉ biết khóc lóc và nói lời xin lỗi. Chỉ sau ít giờ đăng tải, đoạn video clip nói trên đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và nhận được hàng trăm lượt bình luận. Đa số ý kiến bày tỏ sự bức xúc bởi vụ việc bạo lực học đường ở tỉnh Hưng Yên chỉ mới xảy ra cách đây hơn 1 tuần, ngành Giáo dục và các cơ quan chức năng đang tích cực vào cuộc điều tra để xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật thì lại tiếp tục xảy ra vụ việc đau lòng như thế.
 
Đâu là nguyên nhân?
 
2 vụ việc nữ sinh bị đánh hội đồng tại Hưng Yên và Nghệ An chỉ là số ít trong rất nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra trong thời gian qua. Thực tế cho thấy, những vụ việc như thế đã để lại hậu quả rất nặng nề. Những học sinh là nạn nhân không chỉ phải chịu tổn thương về thể xác mà quan trọng hơn cả là những di chứng về mặt tinh thần. Nhiều em sau khi bị bạn đánh đập, hành hung phải nhập viện trong tinh thần hoảng loạn, bất ổn và phải điều trị thời gian dài. Thậm chí, đối với một số trường hợp, đó còn là nỗi ám ảnh trong suốt quãng đời học sinh, làm cho các em cảm thấy sợ hãi mỗi khi đến trường, đến lớp. Và lâu dần, các em sẽ không còn cảm nhận được tình thương, niềm vui mỗi khi được gặp thầy cô, bè bạn...
Nữ sinh Trường THCS Diễn Hùng bị nhóm nữ sinh bắt quỳ gối xin lỗi và  túm tóc, tát vào mặt  (Ảnh cắt từ video clip)
Nữ sinh Trường THCS Diễn Hùng bị nhóm nữ sinh bắt quỳ gối xin lỗi và túm tóc, tát vào mặt (Ảnh cắt từ video clip)
 
Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho tình trạng bạo lực học đường gia tăng và trở thành căn bệnh “mãn tính” trong xã hội ngày nay. Trước hết, về nguyên nhân chủ quan, nó xuất phát từ chính tâm lý của lứa tuổi mới lớn. Ở lứa tuổi này, hầu hết các em đều thích thể hiện, chứng tỏ giá trị của bản thân nên rất dễ bị kích động, lôi kéo tham gia vào những vụ việc mang tính chất tập thể. Trong khi đó, vai trò quản lý con cái của các bậc cha mẹ và vai trò giáo dục về mặt đạo đức của nhà trường vẫn còn rất nhiều hạn chế.
 
Trong nhiều gia đình, phụ huynh chỉ mải mê kiếm tiền, họ nghĩ đơn giản rằng, chỉ cần chu cấp đầy đủ cho con cái được ăn học đến nơi đến chốn thì ắt hẳn con sẽ khôn lớn trưởng thành mà không cần sự tác động, uốn nắn từ gia đình. Còn tại các trường học, việc đưa vào giảng dạy các môn học liên quan đến tâm sinh lý hay những chính sách pháp luật cho học sinh, mặc dù đã được thực hiện nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Thậm chí ở nhiều nơi còn thực hiện theo kiểu hình thức, chạy theo phong trào chứ không hoàn toàn chú tâm đến chất lượng. Điều này giải thích vì sao ngày càng có nhiều học sinh, nhất là học sinh nữ hành xử theo kiểu “côn đồ” và vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật.
 
Bên cạnh nguyên nhân chủ quan nói trên, để xảy ra những vụ việc bạo lực học đường đau lòng như trong thời gian qua, không thể không nhắc đến những yếu tố mang tính khách quan đang tồn tại trong xã hội ngày nay. Đó là sự tác động của công nghệ thông tin khi mà internet, mạng xã hội lên ngôi. Thường trực mỗi ngày, được tếp xúc với phim ảnh, những trò chơi mang tính bạo lực khiến các em nảy sinh tâm lý thích thú, tò mò và muốn làm theo. Vì thế, khi xảy ra mâu thuẫn nhỏ với bạn bè, ngay lập tức các em sẽ biến những thứ mà bản thân mình tiếp nhận từ thế giới công nghệ thành những hành động ngoài đời một cách rất bản năng, không hề có sự kiểm soát.
 
Sự đam mê đối với công nghệ thông tin cũng dễ dàng làm cho học sinh sống ảo theo thế giới đó. Các em trở nên thờ ơ, vô cảm khi bạn bè mình bị bạo hành, thậm chí trong hầu hết vụ việc, rất nhiều học sinh hả hê, reo hò, cổ vũ và quay lại video clip rồi tung lên mạng như một cách khoe chiến tích của bạn bè mình. Và điều đau lòng hơn cả là không chỉ dừng lại ở học sinh mà cá biệt đối với một số giáo viên - những người được xem là đại diện cho chuẩn mực đạo đức, cho những điều tốt đẹp, cao quý nhất trong xã hội dường như cũng ngày càng trở nên vô cảm đối với những hành động bản năng của các em, trong đó vụ việc ở Trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên là một ví dụ điển hình...
 
(Còn nữa)

Ngọc Anh

Các tin khác