Pháp luật
CSGT gặp khó vì quy định lập biên bản xử phạt vi phạm phải có 02 người làm chứng
16:18, 10/04/2019 (GMT+7)
Thông tin trên được Thiếu tướng Lê Xuân Đức-Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông chia sẻ tại Hội nghị sơ kết đánh giá 2 năm triển khai thực hiện Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, diễn ra sáng 10-4.
Theo đánh giá của Thiếu tướng Lê Xuân Đức, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị định số 46 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, liên ngành Công an, Giao thông đã đạt được những kết quả tích cực. Đồng thời, nghị định xử phạt này cũng đã tác động trực tiếp tới người dân, giúp người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, số vụ TNGT cũng giảm cả 3 tiêu chí.
Các đại biểu tham dự hội nghị sáng 10-4. |
Tuy nhiên, thực tế văn bản xử lý vi phạm hành chính liên quan đến Nghị định 46 khi thực hiện, vẫn còn cái chưa hợp lý, gây khó với lực lượng CAND. Ví như khi Luật quy định khi lập biên bản xử phạt phải có 02 người làm chứng, điều này là rất khó khăn. “Nếu sự việc xảy ra buổi tối, và rất nhanh thì lấy đâu người làm chứng”, Phó Cục Trưởng cho hay và nhấn mạnh thêm: Cùng đó là ý thức thượng tôn pháp luật, văn bản chồng chéo, gây khó khăn cho người thi hành công vụ.
Như hành vi sử dụng tay để rút điện thoại khi tham gia giao thông, hay hành vi vượt đèn vàng, đều là những hành vi xảy ra trong thời gian ngắn, xử phạt rất khó khăn, trìu tượng. Cũng bởi những tồn tại này mà mỗi ngày lực lượng CSGT nhận được hơn chục trường hợp khiếu nại về công tác xử phạt hành chính trên đường.
Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo Tổng Cục đường bộ Việt Nam cũng cho hay, trong hai năm thực hiện Nghị định 46/2016/NĐ-CP, lực lượng Thanh tra giao thông đã tổ chức 15.250 cuộc thanh tra, phát hiện 246.144 vụ vi phạm; xử phạt 278.702 vụ với 513 tỷ, tạm giữ 1.420 ô tô. Trong đó đã phát hiện xử lý, cưỡng chế 4.765 xe vi phạm về kích thước thành thùng hàng, ngoài ra có 3.450 xe đã đươc các chủ phương tiện tự giác chấp hành, khắc phục vi phạm.
Bên cạnh đó, công an các đơn vị, địa phương cũng đã triển khai quyết liệt công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm; tổ chức nhiều đợt cao điểm... Kết qủa, trong lĩnh vực đường bộ, lực lượng công an đã kiểm tra, lập biên bản gần 8 triệu trường hợp vi phạm, tước GPLX 589.738 trường hợp; tạm giữ 939.116 trường hợp. Với lĩnh vực đường sắt đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính gần 3000 trường hợp.
Nguồn: Phạm Huyền/CAND