Pháp luật
Gia tăng tình trạng mua bán, vận chuyển động vật, gia cầm trái phép
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, mặc dù các lực lượng chức năng đã vào cuộc đấu tranh, phát hiện nhiều vụ mua bán, vận chuyển động vật, gia cầm, sản phẩm gia cầm, động vật không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, với lợi nhuận trước mắt, các đối tượng hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, có tổ chức, với thủ đoạn tinh vi từ khâu vận chuyển đến tiêu thụ, khiến việc phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn.
Công an huyện Anh Sơn kiểm tra tang vật vụ vận chuyển trái phép động vật hoang dã |
Diễn biến phức tạp
Ngày 25/10/2018, Công an huyện Anh Sơn đã triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển động vật hoang dã quý hiếm, thu giữ 41 kg cá thể tê tê và rùa. Sau một thời gian điều tra, xác minh, các trinh sát Công an huyện xác định được đối tượng Lương Văn Kèo (SN 1986) trú tại bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn thường vận chuyển động vật hoang dã quý hiếm được mua ở khu vực biên giới Việt - Lào thuộc địa phận huyện Kỳ Sơn như tê tê, rùa, khỉ… rồi vận chuyển theo đơn đặt hàng đi huyện Diễn Châu để tiêu thụ.
Theo đó, vào khoảng 1 giờ ngày 25/10, các trinh sát phát hiện Kèo điều khiển xe môtô nhãn hiệu Sirius BKS 37F1-761.82 xuất phát từ huyện Kỳ Sơn chạy theo tuyến Quốc lộ 7A. Khi Kèo di chuyển về địa phận xã Phúc Sơn, bằng việc sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Anh Sơn đã buộc Kèo phải dừng xe. Đúng lúc này, các tổ công tác đồng loạt khép chặt vòng vây, khống chế, bắt thành công đối tượng. Thu giữ trên xe 1 bao tải bên trong chứa 5 cá thể tê tê có khối lượng 25 kg, 24 cá thể rùa gồm rùa mỏ vẹt và rùa đuôi chuột có tổng khối lượng 16 kg.
Tại cơ quan Công an, trước những chứng cứ không thể chối cãi, đối tượng Lương Văn Kèo đã phải cúi đầu thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Kèo còn khai, số tê tê và rùa trên sẽ được bán với giá khoảng 200 triệu đồng.
Vào khoảng 12 giờ 30 phút ngày 26/11/2018, Tổ tuần tra, kiểm soát của Đại đội Cảnh sát Cơ động, Phòng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh đang làm nhiệm vụ trên đường Phong Đình Cảng thuộc phường Trường Thi, TP Vinh thì phát hiện và bắt quả tang đối tượng Lương Văn Lĩnh (SN 1970) trú tại xóm 3, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc về hành vi vận chuyển động vật hoang dã. Thu giữ trên xe môtô BKS 37K1-675.12 nhãn hiệu Honda 1 bao bì xác rắn màu trắng, bên trong có 4 chiếc lồng bằng kim loại, mỗi lồng chứa 1 cá thể dúi và 1 chiếc lồng bên trong chứa 6 cá thể dúi; 1 bao bì xác rắn bên trong có chứa 5 cá thể khỉ đã chết cùng 2 cá thể chồn đã chết và 1 thùng bìa cáttông bên trong có 1 túi vải màu đen chứa 1 cá thể khỉ.
Theo lời khai của Lĩnh, số động vật hoang dã trên Lĩnh chở thuê cho một người tên Phương trú tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh với số tiền 100.000 đồng.
Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Nghệ An, tính từ ngày 1/1 - 30/10/2018, lực lượng Công an toàn tỉnh đã phát hiện 602 vụ, 648 đối tượng có hành vi, vi phạm trong lĩnh vực đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Trong đó, phát hiện 256 vụ, 259 đối tượng vi phạm vận chuyển trái phép động vật, gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật, gia cầm, thủy hải sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không qua kiểm dịch, hàng không đảm bảo chất lượng và các điều kiện theo quy định. Tang vật thu giữ gồm: 44.992,9 tấn sản phẩm động vật, 984 con gia súc, 128.951 con gia cầm, 9.500 quả trứng, 2 tấn nhộng tằm, 15.920 tấn cá, 3,6 tấn sứa biển cùng nhiều mặt hàng khác không đảm bảo các quy định của pháp luật về ATVSTP.
Khó phát hiện
Thực tế, trong thời gian gần đây, việc mua bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không qua kiểm dịch, hàng không đảm bảo chất lượng và các điều kiện theo quy định tiếp tục diễn biến khá phức tạp. Gần đây, xuất hiện các mặt hàng là sản phẩm động vật, gia cầm, thủy, hải sản không qua kiểm dịch, không đảm bảo ATVSTP nhập từ Trung Quốc về Nghệ An rồi vận chuyển vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ.
Các đối tượng vi phạm hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, có tổ chức, với thủ đoạn tinh vi từ khâu vận chuyển đến tiêu thụ. Nếu trước đây đối tượng thường dùng các phương tiện xe ôtô tải để vận chuyển gia súc, gia cầm nhập lậu, thì nay xé lẻ chia thành các thùng cất giấu cẩn thận trong khoang chứa hàng của xe khách để vận chuyển. Khi vận chuyển hàng bằng xe ôtô chở khách một số chủ nhà xe còn chế tạo thêm các hầm bí mật, ẩn giấu sau thùng xăng, trên nóc xe… dùng phấn rôm của trẻ em rắc lên để khử mùi, thậm chí hàn kín lại. Vì vậy, quá trình kiểm tra rất khó phát hiện. Nếu vận chuyển là hàng quý hiếm với số lượng ít, chúng thường đựng trong bao bì, cặp số, vận chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng. Nếu vận chuyển với số lượng lớn, bọn tội phạm thường chia ra nhiều cung đoạn, sử dụng các phương tiện khác nhau.
Tại các điểm tập kết hàng, các đối tượng sử dụng xe máy để chở hàng, sau đó cử người đi trước dò đường, nếu không có nghi vấn thì chủ hàng sẽ điện thoại để báo hiệu cho các xe môtô chở hàng đến một địa điểm vắng để tập kết hàng. Trên các tuyến, xe ôtô chở hàng đều có “vệ tinh” dò đường và liên tục được thay đổi biển số, trong đó có cả biển số xe của cơ quan Nhà nước để qua mắt cơ quan chức năng. Xe ôtô sử dụng để vận chuyển động vật hoang dã thường là loại xe tốt, chất lượng cao và được hoán cải để tăng tốc độ…
Trong quá trình vận chuyển, đối tượng thường có thái độ liều lĩnh, manh động, điều khiển xe chạy với tốc độ cao, nếu gặp lực lượng chức năng kiểm tra, bị khống chế đối tượng dừng xe nhưng khoá cửa, không xuống xe, không hợp tác. Hoặc, các đối tượng khai nhận chở thuê cho khách, nên chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính. Còn một số đối tượng khi bị phát hiện “bỏ của chạy lấy người”, thậm chí lao thẳng xe vào vật cản, vào lực lượng truy bắt…
Khi trên đường bộ kiểm tra gắt, đối tượng chuyển hướng sang đường thuỷ, được nguỵ trang, che chắn rất tinh vi và cũng chia nhỏ để vận chuyển. Vì thế, để phát hiện, bắt giữ một vụ vận chuyển gia súc, gia cầm, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATVSTP là rất khó khăn. Bên cạnh đó, các ngành chức năng mới chú trọng kiểm tra, xử lý ở khâu lưu thông, còn khâu giết mổ, tiêu thụ chưa được quan tâm nhiều, nên sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, thuỷ, hải sản đông lạnh... vẫn có “đất” để tiêu thụ. Một nguyên nhân nữa là do chế tài xử lý các vụ việc vi phạm chưa đủ mạnh (chủ yếu mới dừng ở mức xử lý hành chính), nên tác dụng giáo dục, răn đe còn chưa cao.
Trước tình trạng trên, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tuần tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm và thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm không đảm bảo ATVSTP vào địa bàn. Thành lập lực lượng liên ngành kiểm tra quyết liệt tại các chợ, trung tâm thương mại, bến tàu, bến xe trên địa bàn để chủ động ngăn chặn hành vi mua bán, vận chuyển trái phép động vật, gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật, gia cầm, thủy, hải sản nhập lậu trên những phương tiện vận tải hành khách. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại cộng đồng dân cư để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển các mặt hàng vi phạm ATVSTP.
Cao Loan