Pháp luật
'Điểm đen' của những vụ cháy chung cư cao tầng
[links()]Theo quy chuẩn xây dựng về an toàn cháy đối với công trình cao tầng, việc bảo vệ người trên các đường thoát nạn phải được đảm bảo bằng tổ hợp các giải pháp quy hoạch không gian, tiện nghi, kết cấu, kỹ thuật công trình và tổ chức.
Trong đó, buồng thang bộ thoát nạn là điểm an toàn không nhiễm khói, đảm bảo an toàn cho người di chuyển trên đường thoát nạn. Thế nhưng thực tế trong các vụ cháy chung cư cao tầng gây hậu quả chết người xảy ra thời gian qua, điều đau lòng là hầu hết các nạn nhân lại bị chết ngạt vì khói khi tìm đường đến lối thoát nạn ở buồng thang bộ.
Vì đâu đường thoát nạn lẽ ra là an toàn nhất lại biến thành "điểm đen" gây chết người trong các sự cố cháy chung cư cao tầng như vậy?
Những vụ cháy không có lối thoát
Những ngày qua, dư luận nhân dân vẫn chưa hết bàng hoàng, lo lắng về vụ cháy tại chung cư Carina, quận 8 (TP Hồ Chí Minh) làm 13 người chết, hàng chục người bị thương.
Sau vụ cháy đã lộ ra hàng loại vi phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy tại chung cư này, như hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động hoàn toàn tê liệt; đèn khẩn cấp, dẫn lối thoát hiểm không hoạt động.
Đặc biệt, cửa chống cháy, ngăn khói tại buồng thang thoát hiểm đã bị mở và chặn gạch khiến lượng khói dày đặc từ tầng hầm (do cháy 150 xe máy và 13 ô tô) theo lối thoát hiểm bốc lên các tầng trên, khiến các nạn nhân ngạt khói và tử vong.
Còn tại địa bàn Hà Nội, cũng có không ít vụ cháy tại chung cư cao tầng khiến các nạn nhân bị ngạt khói khi tìm đến đường thoát nạn như vậy. Điển hình như vụ cháy tại tòa nhà SJC 18 tầng tại quận Thanh Xuân xảy ra ngày 10-3-2010 khiến 2 người tử vong. Nguyên nhân vụ cháy được xác định xuất phát từ cục than tổ ong còn cháy dở được ném vào thùng rác trong buồng chứa rác ở tầng 1.
Lực lượng Cảnh sát PCCC giải cứu nạn nhân vụ cháy chung cư Carina. Ảnh: Nông Huyền Sơn. |
Do hệ thống dẫn rác của toàn bộ tòa nhà được làm bằng nhựa compozit và sợi amiang nên lửa bén cháy, lan lên các tầng trên. Cộng với các nắp cửa tại các buồng đổ rác cũng cùng chất liệu với ống dẫn rác nên bị nhiệt tác động, khiến khói đen lan ra các tầng trên cao, nhiễm vào các buồng thang thoát hiểm được thiết kế đối diện với đường ống dẫn rác, bịt lối thoát nạn của người dân.
Hậu quả khiến trường hợp hai mẹ con sống tại căn hộ tầng 18 khi chạy từ căn hộ ra cầu thang thoát nạn bị nhiễm khói độc đã tử vong.
Trước đó là sự cố chập điện tại tủ kỹ thuật điện dưới tầng hầm chung cư 34 tầng khu đô thị Xa La (Hà Đông). Do tủ điện và trạm bơm ở tầng hầm không được đặt trong hệ thống ngăn cháy lan nên đã bén sang hộp kỹ thuật lan lên các tầng trên.
Với một loạt các lỗi về PCCC đã tồn tại trước đó như thiếu hệ thống hút khói tòa nhà, thiếu hệ thống tăng áp cầu thang thoát nạn, hệ thống báo cháy các tầng, lối thoát nạn không đảm bảo an toàn, chưa có giải pháp ngăn việc thoát nạn từ tầng nổi xuống tầng hầm, các trục kỹ thuật của tòa nhà chưa được bịt kín theo quy định... dẫn đến khói cuộn lên các tầng nhà, vào thang bộ thoát hiểm khiến 10 người bị thương do nhiễm khói độc.
Còn như vụ hỏa hoạn tại chung cư ở Linh Đàm (quận Hoàng Mai), cháy bắt nguồn từ hộp kỹ thuật tầng 17, sau đó cháy dọc theo đường dây điện, bốc lên các tầng cao hơn khiến nhiều người bị mắc kẹt khi bị khói bao phủ đường thoát nạn, phải chờ Cảnh sát PCCC đến giải cứu.
Mới đây nhất, ngày 25-3-2018, chỉ 2 ngày sau vụ cháy chung cư Carina, cư dân chung cư CT5A khu đô thị Văn Khê (quận Hà Đông, Hà Nội) bị một phen hú hồn khi hỏa hoạn xảy ra tại một căn hộ ở tầng 21 nhưng hệ thống báo cháy tòa nhà không hề hoạt động buộc người dân phải tri hô để cùng nhau thoát hiểm.
Theo lãnh đạo Cảnh sát PCCC Hà Nội thì hầu hết các hệ thống an toàn PCCC, cửa ngăn khói, lối thoát nạn của chung cư này đều không đảm bảo theo quy định. Cũng may vụ cháy mới chỉ xảy ra ở phạm vi nhỏ và khói chưa tràn vào hệ thống thang thoát nạn của tòa nhà. Nếu xảy ra cháy ở các tầng thấp gây khói thì với hệ thống cửa ngăn khói, lối thoát nạn không đảm bảo như vậy thì hậu quả sẽ khôn lường.
"Điểm đen" thang bộ thoát hiểm
Thực tế qua kiểm tra của lực lượng Cảnh sát PCCC đã phát hiện rất nhiều vi phạm về an toàn cháy tại các chung cư cao tầng, như hệ thống báo cháy tự động, chữa cháy tự động trong phòng và hành lang; hệ thống chữa cháy vách tường, bình chữa cháy trang bị từng tầng, hệ thống chuông báo cháy, loa thông báo, đèn chỉ dẫn thoát hiểm khi có cháy.v.v...
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới những vi phạm phổ biến tại khu vực cầu thang bộ thoát hiểm, một trong những vị trí trọng yếu nhất về thoát nạn khi có sự cố cháy xảy ra.
Thống kê những vụ cháy tại chung cư cao tầng trên cho thấy, những nguy cơ cháy ảnh hưởng đến thoát hiểm của người dân ở các chung cư cao tầng thường xảy ra ở những vị trí gồm khu vực tầng hầm, ống đổ rác và hệ thống cáp công nghệ (bao gồm ống kỹ thuật và buồng kỹ thuật).
Đây là các khu vực dễ hút khói lên các tầng trên, cộng với hệ thống thang bộ thoát nạn không đảm bảo an toàn đúng quy định nên khi bị nhiễm khói đã bịt lối thoát hiểm của người dân sống tại các tầng cao, gây nên những hậu quả hết sức đau lòng.
Vậy nguyên nhân vì đâu lối thoát nạn an toàn nhất lại trở thành "điểm đen" ở chung cư cao tầng như vậy?
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06: 2010/BXD) do Bộ Xây dựng ban hành, các loại buồng thang bộ không nhiễm khói tại nhà cao tầng bao gồm 3 loại: N1, N2 và N3. Theo đó, buồng thang bộ N1 có lối vào buồng thang từ mỗi tầng đi qua khoảng thông thoáng bên ngoài nhà theo một lối đi hở (khoảng thông thoáng này thường ở dạng logia hoặc ban công). Lối đi qua khoảng thông thoáng này không được nhiễm khói.
Tại tầng 1 của buồng thang bộ không nhiễm khói loại N1 phải có lối thoát trực tiếp ngay ra ngoài trời. Buồng thang N2 có áp suất không khí dương (áp suất không khí trong buồng thang cao hơn bên ngoài buồng thang) trong buồng thang khi có cháy.
Và buồng thang N3 có lối vào buồng thang từ mỗi tầng đi qua khoang đệm có áp suất không khí dương (áp suất không khí dương trong khoang đệm là thường xuyên hoặc khi có cháy).
Cũng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, đối với các nhà có chiều cao lớn hơn 28m (tương đương nhà trên 10 tầng không tính tầng hầm), phải bố trí các buồng thang bộ không nhiễm khói loại N1, và bố trí không quá 50% buồng thang bộ loại N2 và N3 có áp suất không khí dương khi cháy.
Quy chuẩn là như vậy, song thực tế rất ít công trình chung cư cao trên 28m có đủ 3 loại buồng thang không nhiễm khói trên, trong đó buồng thang N1 hầu như bị "cắt" do tốn diện tích, ảnh hưởng đến mỹ quan tòa nhà.
Đối với các chủ đầu tư kinh doanh chung cư cao tầng thì "bớt" buồng thang N1 sẽ tương đương với tăng diện tích bố trí căn hộ, tiết kiệm chi phí và gia tăng lợi ích kinh doanh.
Đối với buồng thang N2 và N3, theo quy chuẩn phải có áp suất dương, nhưng thực tế cũng để tiết kiệm chi phí, nhiều chủ đầu tư đã không trang bị hệ thống quạt tăng áp (thường được bố trí trên đỉnh tòa nhà) để tạo áp suất dương cho buồng thang thoát nạn này.
Ngoài ra, theo phân tích của một chuyên gia về PCCC, nếu theo đúng quy chuẩn xây dựng, tất cả các cầu thang bộ của chung cư cao tầng không được phép thông xuống tầng hầm. Thang bộ chỉ thông xuống tầng 1 và ra sảnh, cầu thang xuống tầng hầm phải có lối đi riêng, không chung với thang bộ.
Tuy nhiên thực tế để tiết kiệm chi phí và diện tích, hiện nay nhiều chung cư cao tầng thường thiết kế thang bộ và thang xuống tầng hầm cùng chung một trục. Do đó, giải pháp về an toàn cháy là lối xuống tầng hầm phải có có buồng đệm ngăn khói và ngăn cháy theo bậc chịu lửa.
Hồi tháng 3-2010, một vụ hỏa hoạn cũng xảy ra tại tòa nhà 18 tầng SJC 34 (Lê Văn Lương, Hà Nội) làm chết 2 mẹ con và 1 người khác bị thương nặng. Ảnh: Bee. |
Muốn vào tầng hầm, bắt buộc phải đi qua buồng đệm có 2 lớp cửa chống cháy tự động đóng và chỉ mở theo 1 chiều từ dưới hầm mới lên được. Trong vụ cháy chung cư Carina, do cửa chống cháy, chống khói từ tầng hầm lên cầu thang bộ thoát hiểm đã bị mở và chặn gạch nên khói đã xông lên các tầng trên, bịt đường thoát nạn của người dân khi chạy theo thang bộ từ các tầng trên cao xuống mặt đất.
Như vậy, nguyên nhân nhiễm khói vào buồng thang bộ thoát nạn ở chung cư cao tầng trong các vụ cháy đã xảy ra, ngoài vi phạm của chủ đầu tư, còn có lỗi từ ý thức của người dân trong sử dụng thang bộ. Để tiện lợi trong việc đi lại, nhiều người đã chặn các cánh cửa chống cháy, chống khói của thang bộ, gây nguy hiểm cho chính mạng sống của mình khi có sự cố.
Cháy chung cư - cần giữ bình tĩnh để xử lý và thoát hiểm
Theo Cảnh sát PCCC, trong các vụ cháy chung cư cao tầng, nguyên nhân tử vong của các nạn nhân hầu hết do ngạt khói trong lúc hoảng loạn khi tìm đường thoát hiểm chứ đa phần các trường hợp là lửa chưa cháy tới nơi.
Chính vì vậy, trường hợp người bố dùng điện thoại hướng dẫn con trai thoát hiểm trong vụ cháy chung cư Carina vừa qua là bài học điển hình nhất về sự bình tĩnh xử lý tình huống đối với người dân đang sinh sống tại các khu chung cư cao tầng.
Khi có cháy, người dân cần bình tĩnh quan sát điểm cháy, dùng khăn ướt bịt mũi, miệng và tìm lối đi tới thang bộ thoát hiểm gần nhất, nếu có khói cần bò thấp dưới mặt đất vì khói thường bốc trên cao.
Trường hợp không nhìn thấy đường do khói dày đặc, hoặc buồng thang thoát hiểm đã bị nhiễm khói thì phương án tốt nhất là ở trong phòng và bịt kín các khe cửa bằng khăn, giẻ tẩm nước để khói không lọt vào phòng, chờ cứu hộ. Nếu khu vực ban công không có khói thì tập trung tại khu vực này và ra tín hiệu để lực lượng cứu hộ biết.
Cũng theo khuyến cáo của Cảnh sát PCCC, sau các vụ cháy chung cư đã xảy ra, rất nhiều hộ dân đã mua sắm các trang thiết bị PCCC cho gia đình, như mặt nạ chống khói, thang dây, dây cứu người thả chậm, bình chữa cháy. Tuy nhiên, cần lưu ý sử dụng các trang thiết bị này đúng cách. Đối với mặt nạ chống khói, nếu không có bình dưỡng khí đi kèm thì với màng lọc bằng than hoạt tính, tác dụng chống khói của mặt nạ chỉ trong ít phút.
Ở nước ngoài, cầu thang thoát hiểm được lắp bên ngoài tòa nhà. Ảnh internet |
Nếu sử dụng thang dây ở các tầng cao mà không có bảo hiểm cũng hết sức nguy hiểm, như trường hợp nữ nạn nhân đã bị tuột tay rơi từ tầng 18 khi dùng thang dây để thoát xuống các tầng phía dưới trong vụ cháy chung cư Carina. Đối với dây cứu người thả chậm, phải tìm vị trí móc dây có kết cấu công trình đảm bảo an toàn.
Trường hợp sử dụng bình chữa cháy tại chỗ, trên thị trường hiện nay phổ biến 2 loại bình chữa cháy gồm bình bột và bình khí CO2. Đối với loại bình bột chữa cháy có tác dụng chữa cháy trong môi trường phòng kín, dùng để chữa cháy các thiết bị điện khi chưa ngắt điện và chữa cháy cấp bách như cháy xe máy, ô tô...
Tuy nhiên, khi chữa cháy trong phòng bằng bình bột, cần lưu ý chữa cháy khi không có người trong phòng để tránh trường hợp bị ngạt do bột gây ra.
Dùng bình bột chữa cháy ngoài trời sẽ ít tác dụng vì bột không bám dính vật cháy, sau khi phun hết bột dễ cháy trở lại. Nếu là cháy do điện thì không được phun nước trừ trường hợp đã cắt điện. Đối với bình chữa cháy bằng khí CO2, cần chú ý nhiệt độ bảo quản theo đúng quy định bởi ở nhiệt độ cao, bình khí CO2 dễ phát nổ.
Nguồn: ANTG/Báo CAND