Pháp luật
Những kẻ cơ hội lạc lõng trong niềm vui chung của dân tộc
(Congannghean.vn)-Trong thời điểm người dân cả nước đang hân hoan đón một mùa Xuân mới, long trọng kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc thì có những đối tượng vẫn cố tình xuyên tạc, bịa đặt sự thật. Mục đích của bọn chúng không có gì khác, là ngoan cố phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.
Những giá trị của Tết cổ truyền dân tộc được gìn giữ qua nhiều thế hệ |
Xuyên tạc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
Những ngày này, trong khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang náo nức phấn khởi kỷ niệm 50 năm thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 thì đâu đó cũng rộ lên những luận điệu lạc lõng, trái chiều của một số nhân vật bịa đặt những giá trị khách quan của lịch sử về cuộc tổng tiến công. Trong đó, không thiếu những ngôn từ được chúng bôi đen: Là 1 cuộc chiến sai lầm về chiến lược của "Bên thắng cuộc". Và rằng: Một sự kiện tang tóc trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt. Và nó đã 50 năm rồi...”.
Có thể thấy rằng, các quan điểm sai trái mà họ nêu ra trong sự kiện này tập trung vào một số nội dung chính, cứ lặp đi lặp lại mỗi khi toàn dân ta kỷ niệm các chiến thắng lớn của 2 cuộc kháng chiến trường kỳ: Đây là một “cuộc chiến vô nghĩa”, đây là sai lầm về chiến lược của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam… Cần phải khẳng định mạnh mẽ rằng, từ trước đến nay, đã có rất nhiều tài liệu, các cuộc hội thảo trong và ngoài nước phủ định hoàn toàn các quan điểm xuyên tạc, sai trái này. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công chiến lược Xuân Mậu Thân 1968 là sự kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó nổi bật là sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ. Cuộc Tổng tiến công với sự tham gia tích cực, mạnh mẽ của người dân cả nước từ Bắc vào Nam, bởi họ hiểu, đây chính là cuộc đấu tranh để bảo vệ cho bản thân, cho gia đình mình, và cao hơn là khát vọng cháy bỏng được nung nấu qua bao thế kỷ: Độc lập dân tộc.
Trơ trẽn và nực cười hơn, các đối tượng xấu còn cho rằng “Đó là cuộc chiến vô nghĩa”. Chúng cố tình không thừa nhận một thực tế khách quan rằng, cuộc chiến chống giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai là cuộc chiến tranh nhân dân, dựa vào dân mà chiến đấu. Chính nhân dân là người quyết định lịch sử, tham gia tích cực vào hàng trăm chiến thắng lớn nhỏ trên khắp mặt trận. Tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc còn được cụ thể hóa bằng mục tiêu cao nhất mà hàng triệu người dân Việt Nam mong ngóng, hy vọng. Để có chiến thắng đó, quân và dân ta đã phải hy sinh máu xương để thực hiện khát vọng hòa bình và độc lập. Cuộc kháng chiến ấy, chỉ thực hiện mục tiêu lớn nhất, được hun đúc qua bao thế hệ, đó là độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Với những đòn đánh quyết liệt trên khắp các mặt trận, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta cách đây 50 năm đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.
Bên cạnh đó, những kẻ cơ hội đã “cố tình gắp lửa bỏ tay người” khi cho rằng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một thất bại không đáng có, và rằng, nó thể hiện sự non kém trong đường lối chiến lược kháng chiến. Chắc hẳn các đối tượng đang ngoan cố xuyên tạc mà không biết một sự thật hiển hiện rằng, chính cuộc Tổng tiến công đã thay đổi hoàn toàn thế và lực của địch trong cuộc kháng chiến. Nó đã gây cú sốc lớn, làm đảo lộn thế bố trí, phá vỡ kế hoạch tác chiến của Mỹ; làm rung chuyển không chỉ toàn bộ chiến trường miền Nam, mà còn gây chấn động Nhà Trắng, Lầu Năm Góc. Bài học về chọn thời điểm tổ chức cuộc Tổng tiến công, về chiến thuật của quân và dân ta ở khắp các mặt trận vẫn còn vẹn nguyên giá trị cho đến ngày nay, không chỉ đúng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà còn được áp dụng với nhiều quốc gia khác.
Và những luận điệu cũ
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 chỉ là một trong các nội dung mà các đối tượng tập trung xuyên tạc. Đã thành “thông lệ”, cứ đến Tết cổ truyền của dân tộc, những kẻ cơ hội lại tuyên truyền kích động các luận điệu hòng lừa gạt những người nhẹ dạ cả tin. Trong khi nhà nhà, người người nô nức hân hoan với bao khát vọng thì chúng lại thể hiện rõ thái độ “cố đấm ăn xôi”. Với chúng, chẳng có nội dung nào chúng từ bỏ, từ việc thăm, chúc Tết của các đồng chí lãnh đạo, đến việc tham gia Tết trồng cây. Thậm chí, chúng còn cố tình ghép ảnh, những câu nói của một số người nổi tiếng, các chuyên gia trong những thời điểm khác nhau để vu khống, đặt điều.
Đất nước ta đang bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, vị thế của Việt Nam đã có sự biến chuyển vượt bậc. Trong đó, sự tham gia tích cực của người dân là nhân tố quyết định. Đảng, Chính phủ ta đang nỗ lực vì mục tiêu, cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân. Cứ đến ngày Tết dân tộc, lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương đều tập trung chăm lo, hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những gia đình neo đơn. Tất cả vì mục tiêu mọi người, mọi nhà được đón cái Tết no đủ nhất, đón mùa Xuân với hy vọng mới trong tương lai.
Tết cổ truyền không đơn thuần chỉ là Tết. Đó là dịp sum vầy của gia đình, dòng tộc, một năm nhìn lại để cùng nhau động viên, cố gắng hơn nữa trong thời gian tới. Tết năm nào cũng gắn với kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi vậy, giá trị của Tết dân tộc với người dân Việt Nam còn là để đón chờ một mùa Xuân mới với những hy vọng mới cho dân tộc.
Trước niềm vui chung của dân tộc, sẽ thật đáng thương cho những kẻ cố tình lạc lõng, chọn cho mình quan điểm lệch lạc để bám víu. Chúng bám vào “tình thương nửa vời” của các đối tượng từ bên ngoài, nhận sự hỗ trợ nhỏ giọt dựa trên các nội dung xuyên tạc, chỉ mong một ngày được hỗ trợ sang trời Tây để thay đổi vận mệnh. Nhưng chúng không biết rằng, dù ở đâu thì bản chất chống phá ấy, sẽ không một quốc gia nào dung nạp. Sau khi được tài trợ một vài lần, cứ nghĩ là “ăn bở” mà không phải lao động, các đối tượng cơ hội tự biến mình trở nên lạc lõng.
Người xưa từng nói “kẻ nào dùng súng lục bắn vào quá khứ, thì tương lai sẽ bắn lại bằng đại bác”. Và một lời khuyên chân thành cho các đối tượng đang bấu víu vào con đường sống lệch lạc: Hãy thừa nhận tính chất khách quan của lịch sử. Sự ảo tưởng ngây thơ về viễn cảnh xa xôi, rồi cũng mang lại cái kết đắng!
Trần Lâm