Pháp luật
Lý giải những bí mật trong thế giới của 'dân chơi đá'
08:54, 16/10/2017 (GMT+7)
Trong gần 10 năm sử dụng các loại ma túy, hai gã tay chơi đất Hà Thành không có thứ gì là không thử qua. “Ke”, “kẹo” hay “đá” chỉ là những chuyện bình thường "cơm bữa"… Nhưng đọng lại trong kí ức của họ là những lần “ngáo đá” kinh hoàng.
Rít một hơi thuốc, nhả khói đầy điệu nghệ bên mâm rượu, không ai nghĩ đằng sau vẻ ngoài lành lành, to béo của Hùng và Tấn là hai tay chơi “số má”, có “thâm niên” “chơi đá” đã gần 10 năm. Với hai gã tay chơi này, “ke”, “đá” chỉ là câu chuyện như mớ rau thường ngày, vui cũng hút mà khi chán cũng làm vài vài khói cho tỉnh.
Ảnh minh họa |
Sau những lời tếu táo vui đùa, hai gã tay chơi bắt đầu kể lại quãng đường gần 10 năm làm bạn với ma túy đặc biệt là “đá”. Theo hai gã, lý do đẩy hai người về với “đá” là do bản thân đã sử dụng các loại ma túy nên loại nào cũng muốn thử qua xem cảm giác "phê" như nào.
Khi “đá” trộn lẫn phèn chua
Hùng chia sẻ, gã và Tấn “chơi đá” từ những ngày đầu món hàng này du nhập về Việt Nam. Nhớ lại ngày ấy, hàng còn tốt, hít vài hơi là cả hai đã “phê pha”, lâng lâng suốt 2-3 ngày chứ không như bây giờ, hàng “lởm” nhiều, hít đến cả chục hơi mới bắt đầu có cảm giác. Ban đầu, có khi một tuần Hùng và Tấn mới chơi 1 hoặc 2 lần nhưng hiện tại, nhịp độ sử dụng ngày càng tăng mỗi ngày một lần thì cả hai mới đỡ cảm giác “thèm thuốc”.
Theo lời Hùng, “đá” ở Hà Nội đang bán chất lượng ngày càng kém. Một liều đá ở bên Lào có giá gần 800 nghìn đồng nhưng ở Hà Nội đắt nhất chỉ có hơn 400 nghìn đồng. “Đá” tại Hà Nội chủ yếu là từ Trung Quốc tuồn về, loại hàng này thường có giá rẻ nhưng chất lượng rất kém. “Đá” có hai dạng là đá khô và đá ướt. Đá khô thì giá đắt hơn, chơi phê hơn, còn đá ướt thì giá rẻ chất lượng kém.
Sau vài chầu rượu, Tấn bắt đầu quen dần và bắt đầu tiếp lời Hùng: “Đá ướt rất khó phân biệt, có khi còn bị trộn cả phèn vào cũng nên vì hai thứ ấy chả khác nhau là mấy. Mà cũng chả phải đùa đâu, chuyện thật đấy!”.
Theo Tấn, chất lượng đá phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu và kỹ thuật của người “xào nấu”. Đa số nguyên liệu chế biến đá đều là các bã thuốc sau khi chưng cất. Nếu người làm “xào chuẩn, máy ngon” thì đá có chất lượng tốt, nếu pha tạp thì dân chơi dung liên tục 3-4 năm là dễ “về với ông bà”.
Lấy bộ "đồ nghề" được dấu trong tủ Hùng và Tấn bắt đầu "chơi đá". Sau vài khói, 2 gã bắt đầu phê pha, liên tục “chém gió” về những cuộc ăn chơi trong gần 10 năm của mình. Nhả một hơi khói dài vào không khí, Tấn nói tiếp, chơi “đá, “ke” hay “kẹo” không phải cứ thế mà chơi. Chơi môn nào thì phải chọn đúng nhạc, đúng dòng, không lẫn lộn được. Nhạc của “ke” đúng “ke”, nhạc của “kẹo” thì phải dùng lúc chơi “kẹo”, tương tự chơi “đá” cũng như vậy.
"Dòng “đá” nhạc nhẹ hơn nhạc của “kẹo” còn “ke” thì nhẹ bẫng. Hàng nào càng nhẹ thì nhạc cũng phải nhẹ theo", Hùng đệm lời.
“Ke”, “kẹo” hay heroin chả còn thứ gì mà hai gã không chơi, không thử. Tuy nhiên, chỉ có chơi “ke” là không dám chơi nhiều. Chơi “ke” thì dễ “sập hầm”, nhanh chết. Hơn nữa “ke” ở Việt Nam thì chán.
Những ảo giác đáng sợ
Được hỏi về cảm giác khi “đập đá” trong gần 10 năm say món hàng này, Hùng cho biết, cảm giác thì muôn hình vạn trạng, không ai giống ai.
Hùng chia sẻ, lần đầu tiên gã “bập” vào món hàng này tại một nhà nghỉ gần bến xe. Khi ấy gã “non tay”, không già đời như bây giờ, lần đầu chơi không ngờ gã lại gặp xui xẻo từ chính nhà nghỉ này.
“Chơi đá là phải cần chỗ yên tĩnh để phê. Hồi đó ngu chả biết gì, rít được mấy hơi là nằm thẳng cẳng trên giường. Cái nhà nghỉ ấy người ra vào nườm nượp, mình phê thuốc nằm trên tầng 5, tiếng người gọi nhau, tiếng guốc lên xuống cầu thang vang lên nhức tận óc. Phê thuốc mà cứ nằm co ro như con nhái sắp chết, chỉ nằm ôm đầu....”, Hùng bồi hồi kể lại. Sau lần chơi ấy, tiếng guốc trở thành ám ảnh kinh hoàng của gã, giờ chỉ cần đi đến đám đông, nghe tiếng dép, guốc đi lại loẹt quẹt là gã lại chếnh choáng, rởn gai ốc khắp người.
“Kinh hoàng hơn, trong một lần “chơi đá” trong nhà nghỉ, cũng chỉ vì ám ảnh tiếng guốc, dép mình đã chạy về nhà đóng kín cửa tay lăm lăm con dao vì trong đầu nghĩ rằng có bọn đòi nợ đến tìm”, Hùng nhớ lại.
Khác với Hùng, Tấn lại tự nhận mình phê đá theo kiểu “phổ thông” hơn, chỉ muốn nằm một chỗ đung đưa theo nhạc. Phổ thông theo lời gã là kiếm gái để “xả đá” sau mỗi lần chơi đồ.
Theo lời kể của Hùng, mỗi lần đi “xả đá” của Tấn kéo dài 1-2 ngày là chuyện bình thường. Trong những ngày ấy nếu Tấn không tự gọi điện liên lạc thì chả ai có thể tìm kiếm hay liên lạc với gã. Theo Tấn, nằm một chỗ, kiếm gái xả “đá” hay đung đưa theo nhạc khi phê pha là những biểu hiện quá bình thường.
Kinh hãi hơn là trường hợp như một người bạn của Hùng, chỉ vì bạn bè nhắn tin trêu đùa vợ mà mỗi khi chơi đá là bạn của Hùng lại trở thành một “con thú hoang” bất chấp tất cả để đánh đập, luôn mồm lải nhải cho rằng vợ mình ngoại tình, dù cho khi tỉnh tay chơi này rất yêu chiều vợ. Mỗi lần chơi đá vào là vợ gã lại lĩnh một trận đòn “thừa sống, thiếu chết”, không ít lần phải nhập viện cấp cứu. Nhiều lần sau khi gã tỉnh lại, gã đều ân hận và hứa từ bỏ, nhưng rồi lời nói vẫn chỉ là lời nói, gã hứa càng nhiều thì số lần thất hứa cũng tăng lên tương tự....
Giải thích về hiện tượng các dân chơi “ngáo đá”, Hùng cho rằng, “đá” khác với heroin. Nếu heroin các dân chơi chỉ cần “bú” 2 hơi là đã đủ phê thì dùng “đá” lại không giống như vậy. “Đá” làm người ta lên từ từ chơi nửa ngày mới có cảm giác lâng lâng.Vì vậy, nhiều người chơi cũng hít liên tục, khi hít đến tầm đủ phê tức là đã quá liều khiến người ta không cảm giác và kiểm soát được hành động.
Hầu như ai chơi đá đều rất dễ bị nóng giận, cục xúc. Nếu chơi một mình thì ít gặp phải nhưng khi có người bên cạnh, nói vài câu không vừa ý là dễ đánh chửi, thậm chí giết người…
Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Nguồn: Tiengchuong.vn