Pháp luật
Đổi mới trong công tác tiếp dân, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ánh trong CAND
(Congannghean.vn)-Ngày 3/7/2015, Bộ trưởng Bộ Công an có Thông tư số 30/2015/TT-BCA quy định về công tác tiếp dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong CAND. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 19/8/2015, thay thế Thông tư số 50/2011/TT-BCA ngày 11/7/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về công tác tiếp dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong CAND.
Theo quy định mới, từ ngày 19/8/2015, tại các địa điểm tiếp dân của ngành CAND, có thể tiếp nhận đơn, thông tin, tài liệu, chứng cứ do người khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh, kể cả những vấn đề phức tạp, có nhiều người tham gia. Việc tiếp đại diện các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam đến địa điểm tiếp dân của cơ quan Công an để khiếu nại, tố cáo hoặc kiến nghị, phản ánh thì do văn bản quy phạm khác quy định. Mục đích của việc tiếp công dân là giải quyết các vấn đề phản ánh có liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của Công an các đơn vị, địa phương; trên nguyên tắc đảm bảo công khai, dân chủ, kịp thời, thủ tục đơn giản, giữ bí mật và an toàn cho người tố cáo, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và không phân biệt đối xử khi tiếp dân.
Từ 19/8/2015, mỗi tuần, Công an xã phải tiếp dân ít nhất một ngày tại đơn vị (Trong ảnh: Ban Công an xã Đồng Thành, huyện Yên Thành làm việc với người dân trên địa bàn) |
Về địa điểm tiếp dân, Bộ Công an bố trí 2 địa điểm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, được trang bị cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác phục vụ công tác tiếp dân. Trong trường hợp khiếu nại, tố cáo phức tạp, gây mất ANTT thì phải cử lực lượng phối hợp đảm bảo ANTT. Công tác tiếp dân tại các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, Công an các tỉnh đến các đơn vị trực thuộc, Công an cấp huyện, thành, thị và cấp xã, phường phải bố trí lực lượng Công an chính quy và đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện cần thiết phục vụ việc tiếp dân.
Cán bộ tiếp dân phải có phẩm chất đạo đức tốt, nắm vững chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có kiến thức, năng lực chuyên môn phù hợp, khả năng vận động, thuyết phục người dân; thái độ, tác phong đúng mực, ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao và chấp hành nghiêm điều lệnh CAND. Địa điểm tiếp dân phải được bố trí vị trí thuận tiện để công dân đến trình bày thuận lợi, nội quy tiếp dân được niêm yết công khai và có tủ sách pháp luật để công dân tham khảo khi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Về hình thức tiếp công dân, Bộ trưởng Bộ Công an và Thủ trưởng các Tổng cục, Giám đốc Công an, Cảnh sát PC&CC cấp tỉnh định kỳ tiếp công dân ít nhất mỗi tháng một ngày, các ngày khác giao cho Chánh Thanh tra tổ chức thực hiện. Trưởng Công an cấp huyện định kỳ tiếp công dân mỗi tháng ít nhất hai ngày và Trưởng Công an cấp phường, xã định kỳ tiếp công dân mỗi tuần ít nhất một ngày tại địa điểm tiếp công dân của đơn vị. Đối với những trường hợp đột xuất, thủ trưởng các đơn vị phải tiếp công dân nếu xảy ra các vụ việc phức tạp, có nhiều người tham gia và liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan.
Đối với cán bộ tiếp công dân, khi công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì phải có trách nhiệm đón tiếp, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 9 Luật Tiếp công dân. Đồng thời, giải thích quyền, nghĩa vụ của công dân khi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và yêu cầu công dân cung cấp các thông tin, tài liệu, bằng chứng cho cơ quan Công an theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh việc tiếp nhận thông tin, cán bộ tiếp công dân còn có trách nhiệm nắm bắt lại thông tin phản ánh một cách đầy đủ, chính xác, yêu cầu người phản ánh ký xác nhận hoặc điểm chỉ, sau đó tùy theo từng nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để xử lý theo quy định của pháp luật.
Khi tiếp nhận đơn và các thông tin, tài liệu, bằng chứng có liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp thì cán bộ tiếp công dân phải kiểm tra tính hợp lệ của các thông tin, tài liệu, bằng chứng và lập giấy biên nhận về việc tiếp nhận, có chữ ký của cán bộ và công dân. Những tài liệu này phải được ghi vào sổ tiếp công dân và cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu trên máy tính. Khi có nhiều người cùng đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng một nội dung thì cán bộ tiếp công dân yêu cầu cử đại diện để trình bày với cán bộ tiếp công dân.
Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phức tạp, gây mất ANTT thì cán bộ tiếp công dân phải nhanh chóng nắm bắt tình hình, nội dung cơ bản của vụ việc, các thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan. Đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phức tạp đã qua nhiều lần, nhiều cấp giải quyết nhưng công dân vẫn không đồng ý thì cán bộ tiếp công dân báo cáo thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý để đề nghị Công an đơn vị, địa phương có thẩm quyền giải quyết cử cán bộ phối hợp tiếp hoặc vận động, thuyết phục, có biện pháp để công dân về đơn vị, địa phương giải quyết theo quy định của pháp luật.
Thiên Thảo