Pháp luật

Làm sao để biết di động đang bị theo dõi?

16:15, 25/06/2014 (GMT+7)
Theo Đại tá Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng PC50 Công an TP Hà Nội, phần mềm gián điệp trên điện thoại thường chạy ẩn, có dung lượng nhỏ nên chỉ có thể phát hiện nếu sử dụng thiết bị chuyên dụng để kiểm tra hoặc khi người dùng thấy điện thoại sụt pin nhanh, chế độ tự bật - tắt, chế độ định vị của điện thoại có biểu hiện khác...
 
Ngày 24/6, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50, Công an TP Hà Nội) cho biết, hiện hai vụ việc liên quan đến Công ty TNHH công nghệ Việt Hồng (Công ty Việt Hồng) và đối tượng Lê Văn Tám (41 tuổi), trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân về hành vi phát tán virus, chương trình tin học có tính năng gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số... đã chuyển cho Phòng Cảnh sát hình sự (PC45, Công an TP Hà Nội) để xử lý theo thẩm quyền. Cơ quan chức năng phát hiện 14.140 tài khoản thuê bao di động bị cài đặt phần mềm gián điệp Ptracker của Công ty Việt Hồng.
 
Việc kinh doanh bất hợp pháp này đã giúp các đối tượng thu lợi hàng trăm triệu đồng, song nguy hiểm là thông tin cá nhân của hàng chục nghìn khách hàng sử dụng điện thoại di động đã bị đánh cắp có thể bị sử dụng vào mục đích xấu.
 
Bí mật thông tin bị đánh cắp
 
“Bạn không thể kiểm soát được mối quan hệ của người thân trước một xã hội đầy những cạm bẫy? Bạn đã từng thuê thám tử và gặp không ít những phiền hà từ họ... Với thao tác đơn giản, chi phí thấp... bạn có thể kiểm soát tất cả những gì bạn muốn. Bạn chỉ cần cài đặt phần mềm Ptracker của Việt Hồng là bạn có thể xác định được vị trí con cái, vợ chồng, người thân… để biết họ đã và đang đi đâu, đang làm gì? điện thoại, nhắn tin với ai? nội dung gì...”. Đây là trích dẫn từ một phần nội dung quảng cáo của Công ty Việt Hồng  được tung công khai trên mạng Internet trong thời gian qua. Hoạt động bất hợp pháp của công ty này chỉ bị phát hiện vào ngày 13/5, khi Phòng PC50 Công an Hà Nội phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành thanh kiểm tra.
 
Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện Công ty Việt Hồng có kinh doanh phần mềm Ptracker. Người sử dụng Ptracker có thể xem tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc thoại, ghi âm môi trường xung quanh, định vị vị trí điện thoại, quay phim, chụp ảnh, bật (tắt) 3G/GPRS của điện thoại bị giám sát... Đáng chú ý, toàn bộ dữ liệu lấy được từ điện thoại bị giám sát, sau đó sẽ gửi về máy chủ của Công ty Việt Hồng. Nhân viên kỹ thuật của công ty hoàn toàn có thể xem, xóa, khai thác nội dung dữ liệu đó mà không cần tới tài khoản, mật khẩu của người đã mua phần mềm Ptracker (những dữ liệu này được lưu lại và tải lên máy chủ chỉ sau đó 3-5 phút).
 
Sau 24 giờ nếu người dùng muốn tiếp tục sử dụng phần mềm Ptracker của Công ty Việt Hồng thì phải chuyển tiền vào 1 trong 3 tài khoản của Nguyễn Việt Hùng - Phó Giám đốc Công ty Việt Hồng tại ngân hàng hoặc nạp mã số thẻ cào điện thoại vào Internet-Banking. Tùy theo nhu cầu, người sử dụng phần mềm chuyển tiền theo các gói như 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng hoặc gói vĩnh viễn với mức “phí” thấp nhất là 400.000 đồng/tháng.
 
Phần mềm Ptracker của Công ty Việt Hồng và nhiều phần mềm gián điệp khác được quảng cáo trên các trang mạng xã hội
Phần mềm Ptracker của Công ty Việt Hồng và nhiều phần mềm gián điệp khác được quảng cáo trên các trang mạng xã hội
 
Lực lượng liên ngành cũng đã phát hiện, bắt quả tang Lê Viết Tám (41 tuổi), một “đại lý” kinh doanh phần mềm gián điệp trên điện thoại Mspy có các tính năng giống như phần mềm Ptracker khi đang thực hiện hành vi giao dịch mua bán, cài đặt phần mềm giám sát này cho khách hàng.
 
Lê Viết Tám khai nhận, do có nhu cầu giám sát điện thoại của vợ vào khoảng tháng 1/2012, anh ta lên mạng tìm kiếm phần mềm có tính năng giám sát và tình cờ phát hiện trang web nước ngoài có cung cấp phần mềm giám sát điện thoại di động. Thấy phần mềm độc đáo nên đã nảy sinh ý định kinh doanh phần mềm Mspy. Vào tháng 3/2012, Tám liên hệ qua email với người quản trị trang web đặt ở Mỹ để làm đại lý cung cấp phần mềm mspy này với giá 2 triệu đồng/tháng. Phần mềm có tính năng có thể lấy được các thông tin trên điện thoại bị giám sát như tin nhắn đi - đến, cuộc gọi đi - đến, định vị vị trí cụ thể GPS, viber, ảnh trong điện thoại, lịch sử truy cập web, khôi phục dữ liệu điện thoại, danh bạ... Mặc dù không hề biết ngoại ngữ nhưng để dễ dàng liên hệ, Tám học một số từ tiếng Anh thông dụng.
 
Để giới thiệu sản phẩm, Tám lập website, lên trang mạng cá nhân quảng cáo, cung cấp phần mềm theo dõi. PC50 xác định, Tám chào hàng các gói sản phẩm như, Basic: giá 90.000 đồng sử dụng trong 1 tháng; 250.000 đồng sử dụng 3 tháng; 480.000 đồng sử dụng 6 tháng. Gói Standard: giá 105.000 đồng sử dụng 1 tháng, 290.000 đồng sử dụng 3 tháng; 510.000 đồng dùng 6 tháng…
 
Cơ quan chức năng khẳng định, tính năng các gói sản phẩm này giống nhau, đều có thể lấy được thông tin trên điện thoại bị giám sát. Khách hàng trước khi mua sẽ được dùng thử từ 1 đến 2 ngày, nếu đồng ý mua sẽ trả tiền qua tài khoản ngân hàng hoặc qua thẻ cào điện thoại cho Tám. Sau đó, khách hàng sẽ liên lạc với Tám, tải phần mềm Mspy để cài đặt trực tiếp vào mục tiêu. Khách được Tám cấp cho một tài khoản trên mạng, nơi chứa cơ sở dữ liệu thông tin của máy bị giám sát (đặt ở nước ngoài). Phần mềm cài đặt sẽ chạy ngầm, kích hoạt trong máy bị giám sát và tự động thu thập thông tin của điện thoại này chuyển về máy chủ, lưu trữ dữ liệu trong tài khoản của Tám. Khách hàng được cung cấp tài khoản có thể truy cập lấy thông tin. Kiểm tra tài khoản cá nhân của Lê Văn Tám, cơ quan chức năng xác định có 741 tài khoản người dùng đang ở chế độ hoạt động.
 
Theo đó, Tám thu lời từ 60-70 triệu đồng qua việc bán sản phẩm phần mềm Mspy. Chị B.N.A. (31 tuổi), ở phường Nhân Chính (Thanh Xuân) - một khách hàng của Tám, do nghi ngờ chồng quan hệ “ngoài luồng” đã lên mạng tìm kiếm phầm mềm giám sát điện thoại.  Người phụ nữ này đã thanh toán cho Tám 200.000 đồng, đổi lấy 3 tháng sử dụng. Sau khi trao đổi đã được Tám hướng dẫn cách sử dụng. Tuy nhiên, do không thạo việc cài đặt nên chị A. vẫn chưa sử dụng phần mềm giám sát điện thoại.
 
Cách phát hiện điện thoại di động bị cài phần mềm
 
Đại tá Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng PC50 Công an TP Hà Nội cho biết, việc thông tin cá nhân của hàng nghìn khách hàng sử dụng điện thoại di động bị đánh cắp, có thể bị kẻ xấu sử dụng vào mục đích trộm cắp, tống tiến... dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Các đối tượng sử dụng phần mềm Ptracker thường là người thân, bạn bè, vợ chồng,… nên rất dễ cài đặt phần mềm vào máy nạn nhân mà không bị phát hiện. Vì họ có điều kiện tiếp cận các máy điện thoại bị giám sát, ví dụ như vợ có thể tiếp cận điện thoại của chồng... Sau đó, họ chỉ cần vào các trang web của Công ty Việt Hồng là có thể tự tải phần mềm vào máy điện thoại bị giám sát một cách nhanh chóng, đơn giản hoặc gửi tin nhắn đến 8189 để tải đường link về máy của người cần tải.
 
Cũng theo Đại tá Lê Hồng Sơn, đây là phần mềm chạy ẩn, có dung lượng nhỏ nên rất khó bị phát hiện. Chỉ có thể phát hiện nếu sử dụng thiết bị chuyên dụng để kiểm tra hoặc khi người dùng thấy điện thoại sụt pin nhanh, chế độ tự bật - tắt, chế độ định vị của điện thoại có biểu hiện khác thì tiến hành đưa chế độ điện thoại trở về mặc định ban đầu. Tuy nhiên một số đối tượng dùng các hệ điều hành làm thay đổi điện thoại thì người bị giám sát phải nhanh chóng đến cửa hàng uy tín, cửa hàng điện thoại chính hãng để cài đặt lại phần mềm.
 

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác