Ô tô - Xe máy
Xe nhập khẩu đang lấn át xe trong nước
Với việc khai thông được nguồn cung, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam những tháng đầu năm ngày một tăng, trong khi doanh số xe lắp ráp lại sụt giảm.
Với việc khai thông nguồn cung và ổn định do đáp ứng được Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu linh kiện và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 để nhập xe, lượng xe nhập khẩu những tháng đầu năm 2019 về Việt Nam luôn tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã công bố doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên trong tháng 3/2019 đạt 32.308 xe, tăng 160% so với tháng 2/2019 và tăng 54% so với tháng 3/2018.
Biểu đồ tỉ lệ lượng xe nhập khẩu (màu đỏ) và lắp ráp (màu xanh) được bán ra trong tháng 3/2019. |
Trong đó, doanh số của xe lắp ráp trong nước tiêu thụ trong tháng 3/2019 đạt 19.769 xe tương ứng với mức tăng 157%; Còn, doanh số của xe nhập khẩu nguyên chiếc là 12.539 xe, tăng 164% so với tháng trước.
Tuy nhiên, nếu tính chung Quý I năm 2019, tổng doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đạt 46.253 xe, giảm 8%; Trong khi đó, xe nhập khẩu nguyên chiếc tiêu thụ được 31.999 xe và tăng tới 234% so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng chú ý hơn, thị trường ô tô nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 4/2019 cũng có mức tăng kỉ lục lên tới 502,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Thống kê, trong tháng 4/2019, thị trường Việt Nam nhập khẩu khoảng 13.000 xe ô tô, trị giá khoảng 256 triệu USD, tăng 2.000 xe (khoảng 18%) so với tháng 3/2019. So với cùng kì năm ngoái, số lượng xe này tăng hơn tới 502,9%, với trị giá cao hơn 422%.
Nếu tính từ đầu năm 2019 đến hết tháng 4/2019, đã có khoảng 52.000 xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam, đạt trị giá lên tới 1,139 tỉ USD.
Dù xe nhập khẩu từ đầu năm tăng cao nhưng nguồn cung nhiều mẫu xe vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu khách hàng. |
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, chủ showroom ô tô Mạnh Cường trên đương Lê Văn Lương (Hà Nội) - người có nhiều năm kinh nghiệm trong kinh doanh xe cho biết, việc lượng xe nhập khẩu về Việt Nam từ đầu năm tăng cao nhờ nguồn cung được khai thông và ổn định. Cùng với đó là nhu cầu về một số dòng xe nhập khẩu tại Việt Nam hiện vẫn ở mức cao do cùng thời điểm này năm 2018, thị trường xe nhập khẩu bị “khủng hoảng” do vướng mắc các chính sách và quy định mới của Chính phủ mà cụ thể là Nghị định 116...
Theo ông Cường, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam của một số dòng xe hiện nay vẫn chỉ đủ để đáp ứng để trả các đơn hàng từ trước do thiếu hụt nguồn cung. Vì vậy, dù hiện tại nguồn cung xe về Việt Nam đã ổn định và có sự tăng trưởng cao nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Vẫn có những mẫu xe khách hàng muốn mua xe và lấy sớm phải kèm theo phụ kiện hay kênh giá...
Hiện tại, trong số xe được nhập về Việt Nam, chiếm phần lớn là các mẫu xe đến từ hai thị trường – Thái Lan và Indonesia bởi xe từ 2 quốc gia này đều đang được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% theo quy định tại Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA).
Lượng xe từ các thị trường này chủ yếu là các mẫu SUV 7 chỗ, xe bán tải cùng một số dòng MPV 5+2: Toyota Fortuner, Rush, Ford Ranger, Everset, Honda CR-V, Mitsubishi Expander... Và mới đây nhất, Toyota cũng đã không còn lắp ráp mẫu Camry mà chuyên qua nhập khẩu từ thị trường Thái Lan. Đây đều là những mẫu xe có sự tăng trưởng tốt và chiến lược của các hãng tại thị trường Việt Nam trong thời điểm hiện tại.
Cụ thể, Ford Ranger, tiếp tục là dòng xe bán chạy nhất trong phân khúc với sự tăng trưởng 2% tương đương 2.786 xe trong Quý I; Doanh số của Honda CR-V trong tháng 3/2019 đạt 1.389 xe, chiếm 51% tổng doanh số bán ô tô của Honda Việt Nam...
Hiện tại ở thị trường Việt Nam, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xe ô tô đang chuyển dần từ lắp ráp sang nhập khẩu nhờ được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% theo quy định tại Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) điều này mang lại nhiều lợi thế trong kinh doanh.
Nhiều khách hàng vẫn thích những mẫu xe nhập khẩu hơn là lắp ráp. |
Theo giới kinh doanh xe chia sẻ, việc chuyển từ lắp ráp giúp các doanh nghiệp kinh doanh xe giảm được chi phí xây dựng nhà máy, dây truyền... Bên cạnh đó, để được lắp ráp một mẫu xe thì doanh nghiệp kinh doanh xe phải đảm bảo đây là sản phẩm có doanh số cao. Điều đó khiến các doanh nghiệp kinh doanh xe chịu khá nhiều áp lực do thị trường luôn biến đối...
Ngoài ra, theo anh Nguyễn Văn Hùng – nhân viên kinh doanh của một đại lý xe tại Hà Nội chia sẻ, khách hàng mua xe lúc nào cũng thích xe nhập khẩu hơn khi phải lựa chọn giữa hai mẫu xe cùng phân khúc và có giá tiền tương đương. “Bởi theo tâm lý của khách hàng, xe nhập khẩu bao giờ cũng có chất lượng tốt hơn xe lắp ráp”.
Tại Việt Nam, hiện những mẫu xe lắp ráp trong nước chủ yếu đến từ các thương hiệu Hàn quốc: Kia, Hyundai... trong khi các thương hiệu Nhật Bản lắp ráp trong nước khá ít như: Honda (chỉ còn duy nhất mẫu City), Toyota chỉ còn lại mẫu Vios/Altis/Innova, Mitsubishi còn lại Outlander, Nissan có X-Trail…/.
Nguồn: Gia Linh/VOV.VN