Ô tô - Xe máy
Những nguyên nhân khó ngờ khiến ô tô 'bỗng dưng bốc cháy'
Trong thực tế, ngay ở Việt Nam cũng đã xảy ra không ít vụ ô tô “bỗng dưng bốc cháy” khiến nhiều người lo lắng. Để tránh những sự việc đáng tiếc, chủ xe cũng như các tài xế cần trang bị kỹ năng và kinh nghiệm để nhận biết nguyên nhân và cách phòng tránh cháy xe.
Các chuyên gia về xe cho biết, "độ" nội thất xe, chất lượng xăng hay để bật lửa trong xe,... cũng có thể là nguyên nhân khiến ô tô bốc cháy. Và dưới đây là những nguyên nhân gây cháy xe có thể bạn chẳng bao giờ ngờ tới:
Chuột cắn
Chuột là kẻ thù số một của xe hơi, loài động vật này có thể phá hoại bất cứ thứ gì nó thích gồm cả thứ không thể ăn được. Trong đó, ống dẫn xăng và dây điện là hai thứ mà chuột thường nhắm tới khi lọt vào nắp ca pô. Thủng ống dẫn xăng khiến xăng rò rỉ cũng có thể gây cháy xe. Dây điện bị rạn nứt gây chập điện cũng có thể là nguyên nhân gây nên cháy xe.
Để phòng chống, ngay khi phát hiện dấu vết chuột cư ngụ trong xe, bạn nên cho xe đi kiểm tra hai chi tiết này. Đồng thời làm sạch mùi khoang động cơ phòng chống chuột quen mùi có thể quay trở lại.
Chất lượng xăng
Trường hợp xăng không đảm bảo thường có chất lạ gây khả năng ăn mòn. Sử dụng lâu ngày loại xăng kém chất lượng có thể dẫn đến thủng bình xăng, ống dẫn, hoặc tăng cao khả năng bốc hơi, làm hơi xăng thoát ra không kiểm soát. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây cháy nổ xe.
Tìm một cây xăng uy tín, đảm bảo chất lượng là việc cần thiết. Ngoài ra, lái xe cũng nên yêu cầu kiểm tra kỹ các chi tiết trên trong mỗi kỳ bảo dưỡng. Thấy có hiện tượng bất thường, nên nghĩ đến việc thay đổi địa điểm đổ xăng và lập tức thay thế sửa chữa các chi tiết này.
Ảnh minh họa: Đôi khi, nguyên nhân gây cháy xe ô tô lại rất... lãng xẹt. |
"Độ" nội thất xe
Nhiều xe cháy nổ được tìm ra nguyên nhân là do lắp thêm các thiết bị không theo thiết kế của nhà sản xuất. Việc tự ý lắp, thay đổi kết cấu không phù hợp ảnh hưởng đến kết cấu hệ thống điện trên xe. Thông thường nhà sản xuất chỉ cung cấp nguồn điện đủ dùng cho các thiết bị có sẵn trên xe. Cùng nguồn điện này nhiều người "cơi nới" thêm khá nhiều thiết bị trên xe khiến chập điện gây cháy nổ vì quá tải.
Trường hợp muốn lắp thêm các thiết bị trên xe, bạn nên tư vấn ở các cơ sở có uy tín. Nếu cần thiết bằng cách nào đó tăng nguồn điện cho xe để đảm bảo an toàn trước khi "độ".
Để bật lửa trong xe
Bật lửa, nhất là bật lửa ga luôn gây nguy cơ cháy nổ cao. Trong những ngày hè nắng nóng, nhiệt độ lên cao cộng thêm áp suất trong xe lớn khiến bật lửa dễ phát nổ. Nhiều trường hợp chỉ vì lỗi nhỏ này, nhẹ thì cháy một phần hoặc toàn bộ nội thất, nặng thì cả xe bốc cháy.
Ngoài ra, các vật dụng dễ bốc cháy như nước hoa, lon nước có ga, sạc pin dự phòng cũng không nên để trong xe vì những nơi quá kín không có thông gió có nguy cơ gây cháy nổ cao.
Bình chữa cháy mi ni
Nhiều tài xế thường không để ý nhiều đến bình chữa cháy trừ khi cần dùng tới chúng. Theo một số chuyên gia kỹ thuật, bình chữa cháy là dạng khí nén ở áp suất cao, cần được bảo quản trong điều kiện mát mẻ. Nhiệt độ thích hợp để bảo quản bình từ -10 độ C đến +50 độ C.
Tuy nhiên, vào mùa hè đậu xe dưới trời nắng hơn 40 độ C, thì nhiệt độ trong xe có thể lên tới 60 độ C. Đặc biệt, bảng táp lô trên xe làm bằng vật liệu nhựa hoặc da, nằm dưới kính trước sẽ hấp thụ trực tiếp nhiệt lượng từ mặt trời, nên nhiệt độ vùng này thường xuyên vào khoảng từ 70 - 80 độ C, cao hơn nhiều so với ngưỡng các bình chữa cháy chịu được.
Nhiệt độ tăng, làm thể tích các chất lỏng bên trong cũng tăng theo và đến một mức áp suất đủ lớn thì nó sẽ gây ra hiện tượng nổ, vô cùng nguy hiểm.
Không bảo dưỡng định kỳ
Đây là cách kiểm soát tốt nhất đối với sự an toàn của xe. Bảo dưỡng sửa chữa không đúng kỹ thuật hoặc sử dụng phụ tùng không đảm bảo cũng dẫn đến chập điện. Người sử dụng phương tiện nên có thói quen chăm sóc, bảo dưỡng xe định kỳ. Việc này cũng giúp chủ xe phát hiện sớm những nguy cơ có thể gây cháy nổ từ hệ thống điện cũng như dễ dàng kiểm soát được tình trạng rò rỉ xăng.
Ngoài ra, việc rửa xe thường xuyên sẽ loại bỏ các chất bụi bẩn bám vào xe. Các yếu tố ngoại xâm này cũng có thể dẫn đến hư hỏng cục bộ.
Nguồn: V.Cường/Báo CAND