Khoa học - Công Nghệ
Công nghệ mới giúp bệnh nhân nhiễm trùng máu không cần kháng sinh
Mặc dù hơn một nửa số trường hợp nhiễm trùng máu đều dẫn đến tử vong, tình trạng này tuy nhiên có thể được chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Đó là lý do tại sao các bác sĩ thường bắt đầu cho các bệnh nhân sử dụng kháng sinh, thậm chí ngay sau khi họ nghi ngờ có sự xuất hiện của vi khuẩn có hại trong máu. Mặc dù vậy, sử dụng các loại thuốc này quá thường xuyên có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh.
Chính vì lẽ đó, đội ngũ các nhà khoa học quốc tế trong những năm gần đây đã phát triển một phương pháp có thể thay thế không cần sử dụng đến thuốc men, bằng cách ứng dụng từ tính của nam châm.
Dự án này đang được phát triển bởi các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Harvard (Mỹ), Trung tâm EMPA và Viện Merkle Adolphe (Thụy Sĩ). Trước đây, trong một nghiên cứu, một số nhà khoa học từng phủ lên các hạt sắt nhỏ kháng thể có khả năng phát hiện và liên kết với những vi khuẩn có hại.
Công nghệ nam châm hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích |
Sau đó, họ đưa các hạt này vào máu có chứa vi khuẩn, kết quả là vi khuẩn nhanh chóng bị hút vào các hạt này. Bước cuối cùng, máu sẽ được bơm qua một máy lọc, nơi nam châm kéo các hạt đính vi khuẩn ra ngoài, giúp cho máu trở nên “sạch sẽ” như ban đầu. Tuy nhiên, liệu pháp này không phải là không có hạn chế: các kháng thể được phủ lên hạt sắt nói trên chỉ có thể “bắt” được một loại vi khuẩn tại một thời điểm, tùy thuộc vào loại kháng thể được sử dụng.
Điều này nghĩa là trong một thử nghiệm lâm sàng, các bác sĩ phải dành thời gian để xác định các loại vi khuẩn hiện diện trong máu của bệnh nhân, sau đó chọn ra những kháng thể phù hợp trước khi bắt đầu quá trình điều trị. Ngoài ra, nếu trong máu có nhiều loại vi khuẩn, các kháng thể thuộc nhóm khác sau đó cũng cần phải được sử dụng đến. Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ chúng ta cần một loại kháng thể có thể làm được nhiều nhiệm vụ, hoặc nói cách khác, chúng phải có ích với nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Đó là điều mà một nhóm các chuyên gia đến từ Harvard do tiến sĩ Gerald Pier dẫn đầu đã làm được.
Họ đã có thể tạo ra một kháng thể có thể liên kết với hầu hết những vi khuẩn thường được tìm thấy trong máu nhiễm trùng. Trong các thử nghiệm được tiến hành trong phòng thí nghiệm ở Empa, kết quả thu được được cho là “đầy hứa hẹn”, mặc dù nó vẫn chưa sẵn sàng để sử dụng trên cơ thể con người. Mối quan tâm vẫn còn hiện hữu là việc một số hạt sắt có thể vẫn còn sót trong máu của bệnh nhân sau khi điều trị.
Một giải pháp đang được nghiên cứu bởi nhóm chuyên gia thuộc EMPA dẫn đầu bởi tiến sĩ Inge Herrmann có thể sẽ giải quyết được vấn đề này, bằng cách kết các hạt riêng rẻ thành những khối lớn, giúp chúng dễ dàng bị hút bởi nam châm khi đi qua máy lọc. Hiện tại, vẫn đề mà các nhà nghiên cứu cần tiếp tục giải quyết chính là việc các hạt sắt chỉ có thể tồn tại 5 năm trong máu, trước khi chúng bị phá hủy.
Nguồn: Engadget