Khoa học - Công Nghệ
Học sinh dân tộc Thái nghĩ cách 'cứu' môi trường sống
07:58, 02/04/2016 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-"Em Vi Đức Nhật sinh ra trong một gia đình thuần nông. Trong quá trình học tập, em luôn năng nổ và có nhiều sáng tạo, được thầy cô đánh giá cao. Nhận thức rõ tác hại của ô nhiễm môi trường, em đã mày mò tìm ra giải pháp rất hiệu quả trong việc giảm thiểu hệ lụy của tình trạng này…”, thầy giáo Ngô Văn Hoạt, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Thọ, huyện Nghĩa Đàn chia sẻ về học sinh Vi Đức Nhật.
Em Vi Đức Nhật bên sản phẩm “Máy vớt rác trên hồ bằng điều khiển từ xa” |
Niềm tự hào của dân bản
Nghĩa Thọ là xã miền núi thuộc vùng đặc biệt khó khăn, nằm trong chương trình hỗ trợ 135 của Nhà nước. Mấy năm trở lại đây, địa phương đã dần “thay da đổi thịt”, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, khi hệ thống cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm… được đầu tư; quy mô sản xuất được mở rộng theo hướng thâm canh, xen canh tăng vụ và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nơi này đã có nhiều khởi sắc đáng ghi nhận. Xã có 80% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, gồm: Thái, Thổ, Thanh. Với đặc thù trên, địa phương đang không ngừng tập trung nâng cao trình độ dân trí của người dân nhằm phục vụ có hiệu quả công tác xoá đói, giảm nghèo.
Đặc biệt, việc chăm lo, tạo điều kiện cho con em học tập đang được người dân ở đây đặc biệt quan tâm, chú trọng. Thế nhưng, do cuộc sống còn nhiều khó khăn nên việc chinh phục con chữ ở vùng quê nghèo này còn lắm gian nan, trắc trở. “Sự học của người dân nơi đây còn khó khăn lắm. Nhiều nhà quá nghèo, không đủ điều kiện nên con cái phải bỏ học giữa chừng.
Từ nhiều năm nay, chỉ có gia đình anh Vi Đức Dương, chị Nguyễn Thị Liên ở xóm Men là trường hợp duy nhất đầu tư cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Người dân ở đây luôn xem vợ chồng anh Dương, chị Liên là tấm gương nỗ lực khắc phục khó khăn để con cái không bỏ dở việc học hành”, một người dân ở xã Nghĩa Thọ cho biết.
Được biết, hiện cháu Vi Đức Nhật, con trai út của vợ chồng anh Dương, chị Liên là học sinh lớp 9A, Trường THCS Phú Thọ. Nhật là niềm tự hào không chỉ của gia đình em mà còn của cả vùng quê nghèo này bởi thành tích xuất sắc trong học tập.
Gia đình anh Dương, chị Liên làm nông nghiệp, chủ yếu trồng mía nhưng cả 4 người con (3 gái, 1 trai) đều được vợ chồng anh chị nuôi ăn học đến nơi đến chốn. Các người con đầu hiện đều đang học đại học. Còn Vi Đức Nhật, khi biết tin em giành giải Ba cấp Quốc gia về thành tích sáng tạo trong khoa học kỹ thuật vào đầu tháng 3 vừa qua, gia đình, nhà trường và cả xã vô cùng phấn khởi, tự hào.
Càng vui sướng và tự hào hơn khi Vi Đức Nhật là trường hợp duy nhất trong con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tham gia cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh THCS năm học 2015 - 2016 khu vực phía Bắc tổ chức tại Hải Phòng vừa qua. Trong cuộc thi, đoàn Nghệ An giành được 3 giải Ba và 2 giải Khuyến khích, trong đó có 1 giải Ba của Vi Đức Nhật.
Tuổi nhỏ tìm giải pháp lớn cho môi trường sống
Ngoài việc học ở trường, từ nhỏ, Vi Đức Nhật đã biết giúp bố mẹ chăn trâu bò, ngày ngày chăm chỉ lên bãi mía, nương sắn để đỡ đần gia đình. Những lúc như vậy, Nhật có cơ hội tiếp xúc với môi trường sống xung quanh và tìm ra nhiều lời giải cho các hiện tượng thiên nhiên qua sách vở mà thầy cô đã dạy ở trường. Nhờ vậy, khi đến lớp, với các môn học tự nhiên, Vi Đức Nhật rất am hiểu các hiện tượng khoa học và những khái niệm trừu tượng.
Thầy Ngô Văn Hoạt, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Thọ cho biết: “Ngay từ khi bước vào lớp 6 cho đến nay, Nhật luôn là học sinh “cứng” ở các môn học và được nhiều thầy cô ghi nhận, đánh giá cao. Ngoài ra, em luôn nảy sinh nhiều ý tưởng mới lạ, có tính ứng dụng cao nếu được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Năm học 2015 - 2016, biết tin Vi Đức Nhật đạt giải Ba với sản phẩm “Máy vớt rác trên hồ bằng điều khiển từ xa”, cả trường ai cũng vui mừng. Với thành tích trên, em đã trở thành niềm tự hào của ngành giáo dục địa phương”.
Được biết, trong năm học 2014 - 2015, khi chứng kiến người dân địa phương mình sau mỗi mùa thu hoạch lại đốt lá mía để lấy tro, Vi Đức Nhật đã cùng với nhóm bạn tham gia viết đề tài phản biện về tình trạng này. Nhật cho rằng, việc người dân đốt lá mía sau mỗi mùa thu hoạch như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đất cũng như các tầng vi sinh xung quanh. Điều này không có lợi cho môi trường tự nhiên và việc canh tác vào những mùa vụ sau. Với sự phản biện xuất sắc, đề tài của Nhật và nhóm bạn đã giành giải cao cấp tỉnh.
Trở lại với “Máy vớt rác trên hồ bằng điều khiển từ xa”, từ ý tưởng “cứu” môi trường sống, Vi Đức Nhật đã trao đổi sáng kiến của mình với thầy Trần Văn Quân, dạy môn Toán - Lý của trường. Nhận thấy đây là ý tưởng có tính khả thi cao, thầy Quân và các giáo viên trong trường đã hỗ trợ, giúp đỡ em hiện thực hóa ý tưởng.
Với kết cấu đơn giản, gồm 1 bộ phao và băng tời chạy bằng năng lượng ắc quy gắn thiết bị cảm ứng điện từ, máy vớt rác của Nhật có thể dễ dàng bơi ra giữa hồ để vớt rác. Bằng thiết bị tự động, chỉ cần một người đứng trên bờ, có thể dễ dàng điều khiển phương tiện đến bất kỳ nơi đâu trên mặt nước để thay con người thu dọn rác thải trên mặt hồ, sông. Chiếc máy có thể được sử dụng rộng rãi nếu được nâng công suất cũng như động cơ, khung phao…
Với ý tưởng mới lạ, độc đáo và thuyết trình một cách rành mạch, Vi Đức Nhật đã giành được đa số phiếu của hội đồng khoa học cấp Quốc gia. Với giải Ba toàn đoàn, Nhật đã góp vào thành tích chung của tỉnh Nghệ An tại Hội thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh cấp THCS được tổ chức tại Hải Phòng vào đầu tháng 3 vừa qua. Ngoài ra, em cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An trao tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen.
Ngọc Thái