Kinh tế xã hội
Mong Đảng, Chính phủ tiếp tục đồng hành cùng DN
08:02, 01/02/2021 (GMT+7)
Đại diện lãnh đạo nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành và đồng hành với DN của Chính phủ. Nhiều DN cho biết đã có kế hoạch mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh dù vừa trải qua nhiều khó khăn trong năm 2020.
Ông Trần Ngọc Chu, Phó Chủ tịch Thường trực-điều hành Hội đồng quản trị Hoa Sen Group |
Bên cạnh đó, xu thế bảo hộ và các cuộc xung đột thương mại trên thế giới ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, đặc biệt là các vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài đã gây ảnh hưởng đối với sản xuất trong nước, trong đó ngành thép năm qua gánh chịu tác động nặng nề nhất.
Lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen mong muốn Chính phủ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp trong việc ứng phó với các rào cản thương mại, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp lý và hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong tình hình khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ có thêm nhiều phương án hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn giá rẻ từ các ngân hàng thương mại, từ đó giúp doanh nghiệp giảm áp lực về chi phí lãi vay. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, giúp cơ quan nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; cải thiện môi trường kinh doanh, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội tốt hơn trong tình hình mới.
Lãnh đạo doanh nghiệp ngành thép cho biết, để đóng góp một phần vào sự phát triển chung của đất nước, Tập đoàn Hoa Sen xác định tầm nhìn trở thành một tập đoàn sản xuất tôn, ống thép, ống nhựa và phân phối vật liệu xây dựng, nội thất hàng đầu Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, với mục tiêu cụ thể: Sản lượng 3 triệu tấn – Doanh thu 3 tỷ USD – Lợi nhuận sau thuế 3.000 tỷ đồng. “Hoa Sen kỳ vọng cùng cả nước hướng tới mục tiêu: Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, ông Trần Ngọc Chu chia sẻ.
Là lãnh đạo doanh nghiệp gắn bó với người nông dân, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc Phân bón Cà Mau, kỳ vọng sau Đại hội XIII của Đảng, các cơ quan chức năng sẽ rà soát, sửa đổi một phần Luật số 71 (sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế) để nông dân hưởng lợi lâu dài khi ngành phân bón ổn định. Theo bà Hiền, áp mức thuế suất GTGT 5% đối với phân bón thì giá mặt hàng này trong nước không những không tăng mà còn có những tác động tích cực và toàn diện ở nhiều khía cạnh. Trong đó, bà con nông dân sẽ được hưởng lợi lâu dài khi ngành phân bón trong nước sản xuất, kinh doanh ổn định, có hiệu quả, từ đó có điều kiện hạ giá thành, giảm giá bán tới tay nông dân.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc Phân bón Cà Mau |
Đặc biệt, sẽ tạo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa phân bón trong nước và phân bón nhập khẩu cùng loại. Bên cạnh đó, đây cũng là động lực quan trọng để các doanh nghiệp đầu tư nhập khẩu các dây chuyền sản xuất phân bón công nghệ cao, thế hệ mới, có chất lượng tốt hơn, thân thiện môi trường hơn, góp phần giảm giá vật tư đầu vào, cải thiện hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập.
Bà Hiền cho biết, năm 2020, Phân bón Cà Mau đã nỗ lực rất cao và đạt được những kết quả đáng mừng để vượt qua một năm đầy khó khăn và biến động khôn lường. Trong năm, lần đầu tiên trong hành trình 9 năm, Phân bón Cà Mau cán mốc 928.490 tấn sản lượng ure quy đổi, đạt 104% và xuất khẩu gần 300.000 tấn, trong đó thị trường Campuchia tăng 32% so với năm 2019, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác như Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Brazil...
Đây là động lực để Phân bón Cà Mau bước vào năm 2021, với hàng loạt chiến lược: Vận hành và khai thác hiệu quả phân xưởng NPK, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường, đặc biệt thị trường Tây Nam Bộ; xây dựng mô hình kinh doanh mới để gia tăng giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; hoàn thiện hệ thống quản trị theo Thông lệ quản trị công ty tốt nhất nhằm tăng sức cạnh tranh và giá trị thị trường; hoàn thiện số hóa quy trình hoạt động và xây dựng cơ sở dữ liệu chung phục vụ công tác phân tích, dự báo...
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op |
Còn ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, đơn vị HTX sở hữu nhiều mô hình bán lẻ hiện đại, cho rằng: Nhìn lại năm 2020, Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn chưa từng có trong tiền lệ, từ đại dịch COVID-19 đến hạn hán, bão lũ, ngập mặn diễn ra liên tục. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của toàn thể hệ thống chính trị, chúng ta bước đầu đã vượt qua thách thức, hoàn thành “mục tiêu kép” vừa tập trung phòng, chống đại dịch hiệu quả, vừa nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Lãnh đạo doanh nghiệp này mong muốn gửi gắm nguyện vọng đến lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, tạo các cơ chế đặc thù, nhằm xây dựng môi trường pháp lý hoàn chỉnh, toàn diện, đồng bộ, linh hoạt hơn, nhằm thúc đẩy các mô hình kinh tế tập thể nói chung và Saigon Co.op nói riêng phát triển bền vững, nhất là trong giai đoạn hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2021, Saigon Co.op xây dựng định hướng phát triển là làm nhiều việc hơn, tập trung và chú trọng vào 2 mô hình là Co.op food và Co.op mart. Ví dụ Co.op mart sẽ không chỉ mua sắm mà có cả các loại hình giải trí. Co.op food tập trung vào các tỉnh miền Trung và có sự liên kết với Co.op mart để hai loại hìn này hỗ trợ tạo tiền đề cho nhau phát triển.
Tiếp đến Saigon Co.op sẽ tạo sự khác biệt tại các phân khúc bán lẻ; số hóa điện toán hóa; thực hiện các chính sách vĩ mô của Nhà nước như bình ổn thị trường, phát triển xanh với mục tiêu doanh số cao hơn 2019 và thị phần tăng từ 41-45%.
Đặc biệt, trong giai đoạn Tết Tân Sửu, Saigon Co.op đã gia tăng trữ lượng hàng hóa so với cùng kỳ lên đến 30%; chủ động thực hiện các chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, gia tăng quá trình luân chuyển hàng hóa; song song với việc đẩy mạnh, nâng chất hoạt động bình ổn giá cả thị trường, thiết thực chia sẻ những khó khăn của người dân do dịch COVID-19, thiên tai, bão lũ gây nên.
Ông Bùi Xuân Huy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland |
Trong khi đó, ông Bùi Xuân Huy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland, chia sẻ, chưa bao giờ thị trường lại trải qua những thời khắc khó khăn và nổi chìm trong nhiều cung bậc như năm 2020 vừa qua.
Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của Chính phủ trong việc theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó các tình huống phát sinh; triển khai nhanh chóng, kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ; đẩy nhanh thủ tục, thi công, giải ngân vốn đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư..., các khó khăn dần được tháo gỡ, kinh tế từng bước phục hồi.
Đối với ngành BĐS, các doanh nghiệp nói chung và Novaland nói riêng dần thích ứng với những thử thách của bối cảnh và nắm lấy cơ hội, tiếp tục mang đến những sản phẩm, dịch vụ tạo sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Năm 2021, Novaland tập trung vào các dòng sản phẩm chủ lực là BĐS đô thị, BĐS du lịch và BĐS công nghiệp. Tiếp tục thực hiện sứ mệnh “Kiến tạo cộng đồng – Xây dựng điểm đến – Vun đắp niềm vui”, Novaland tập trung đầu tư và phát triển thêm nhiều dự án mới, sản phẩm mới, đem đến cơ hội đầu tư có gia tăng giá trị lâu dài cho khách hàng.
Nguồn: Chinhphu.vn