Kinh tế xã hội
Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, Uỷ ban MTTQ tỉnh
Tăng cường phối hợp, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị
10:06, 06/03/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Năm 2019, việc thực hiện quy chế phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh có nhiều bước chuyển mới, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ cũng như nâng cao vai trò, vị thế của mỗi cơ quan trong hệ thống chính trị và trong lòng cử tri, nhân dân.
Đó là phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh năm 2019; triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Yêu cầu đặt ra trong năm 2020 là nghiên cứu đổi mới việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh khoa học hơn, hiệu quả hơn |
Thực hiện Quy chế phối hợp công tác trong năm 2019, 3 cơ quan đã thường xuyên phối hợp tốt trên các lĩnh vực: Xây dựng pháp luật và nghị quyết của HĐND tỉnh; hoạt động phản biện xã hội; hoạt động giám sát; công tác dân nguyện; tham gia các kỳ họp, phiên họp; công tác thông tin, tuyên truyền và phối hợp thực hiện các hoạt động khác. Liên quan đến công tác phối hợp xây dựng pháp luật, có 35 dự án luật được Thường trực và các Ban HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tham gia ý kiến. Qua đó, Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giúp các ĐBQH tỉnh có thêm thông tin tham gia hoạt động lập pháp tại các kỳ họp. Năm 2019, HĐND tỉnh ban hành 64 nghị quyết; trong đó có 39 nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh. Trước mỗi kỳ họp HĐND tỉnh, danh mục xây dựng Nghị quyết được Thường trực HĐND tỉnh gửi đến Đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh nghiên cứu, tham gia ý kiến.
Về công tác phối hợp trong hoạt động phản biện cũng được quan tâm tăng cường, nhất là với dự thảo, dự án luật và dự thảo nghị quyết tác động đến quyền lợi của đại đa số người dân, được dư luận quan tâm; đơn cử như dự thảo nghị quyết về bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024. Một nội dung khác thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa 3 cơ quan là trong công tác tiếp xúc cử tri. Trên cơ sở tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri, Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo phân loại cụ thể, lựa chọn những vấn đề nổi cộm để đề nghị UBND tỉnh và các ngành, địa phương ưu tiên tập trung giải quyết, đồng thời đôn đốc, giám sát chặt chẽ việc giải quyết kiến nghị cử tri.
Trong năm, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp tổ chức 42 đợt tiếp xúc cử tri định kỳ tại 21 điểm của các đơn vị bầu cử và tiếp xúc cử tri theo chuyên đề với cử tri là người Nghệ An cư trú ngoại tỉnh. Cùng với đó, tổng hợp 132 vấn đề cử tri kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương và 154 vấn đề cử tri kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan cấp tỉnh để chuyển tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh. Về phía Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp tổ chức 236 cuộc tiếp xúc giữa đại biểu HĐND tỉnh với cử tri, trong đó có 12 cuộc tiếp xúc chuyên đề, tổng hợp 268 ý kiến gửi đến UBND tỉnh để xem xét giải quyết. Tuy nhiên, trên thực tế, tại một số kỳ tiếp xúc cử tri của ĐBQH, đại biểu HĐND tỉnh, một số ý kiến của cử tri mới chỉ được tiếp thu mà chưa có giải đáp; số lượng cuộc tiếp xúc chuyên đề đối với những vấn đề nổi cộm theo phản ánh của cử tri còn hạn chế... Việc phối hợp đưa các nội dung, văn bản quy phạm pháp luật để xin ý kiến phản biện xã hội của MTTQ chưa nhiều.
Công tác phối hợp đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát để nâng cao hiệu quả các cuộc giám sát của Đoàn ĐBQH, Ủy ban MTTQ và Thường trực HĐND tỉnh chưa thường xuyên.
Bước sang năm 2020 - năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp; chuẩn bị tổng kết nhiệm kỳ hoạt động của cơ quan dân cử và tiến tới bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp gắn với kiện toàn bộ máy chính quyền nhiệm kỳ 2021 - 2026, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn yêu cầu Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cần tăng cường phối hợp hơn nữa để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan cũng như nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh nhà. Cụ thể, cần tham gia phản biện có chất lượng vào các dự thảo luật và dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh; quan tâm rà soát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát của mỗi cơ quan để tiếp tục đôn đốc; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn thư, kiến nghị của cử tri, nhân dân, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót nội dung, vấn đề…
Hồng Hạnh