Kinh tế xã hội
'Phù phép' hàng nước ngoài thành hàng Việt:
Doanh nghiệp có thể 'sập tiệm' vì gian dối
16:01, 26/06/2019 (GMT+7)
Từ mỹ phẩm, thời trang, sản phẩm gia dụng, hàng điện tử có xuất xứ Trung Quốc nhưng khi về Việt Nam được “phù phép” trở thành hàng Việt là hiện tượng đã và đang xảy ra tại thị trường Việt Nam.
Một số vụ việc được phát hiện đã như tặng trái đắng cho người tiêu dùng Việt như Khải Silk, khóa Minh Khai, nay đến thương hiệu điện tử Asanzo đang bị xem xét làm rõ trách nhiệm liên quan đến xuất xứ từ hàng nước ngoài thành hàng Việt. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong nước mà còn ảnh hưởng lớn tới thương hiệu Việt khi xuất khẩu sang các thị trường khác.
Trong những ngày vừa qua, người tiêu dùng hoang mang với thông tin một số sản phẩm điện tử của Asanzo đã được “phù phép” từ lắp ráp linh kiện của Trung Quốc thành hàng Việt Nam. Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã thông báo rút danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao của sản phẩm mang thương hiệu Asanzo.
PGS.TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, từ sự việc của Khải Silk tới Asanzo và nhiều nhãn hàng khác nữa cho thấy đây là một điều đáng tiếc về việc lợi dụng Thương hiệu Việt để bán trên thị trường nội địa. Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, để tránh việc này là rất khó, bởi cám dỗ, lợi nhuận cho việc làm ăn giả dối này quá lớn, điều đó cho thấy nguồn hàng Trung Quốc luôn luôn tìm mọi cách để vào thị trường Việt Nam.
Từ hàng nhập lậu, tới sản xuất trong nước như được gia công, lắp ráp tại Việt Nam hay nhập nguyên chiếc như một số sản phẩm gia dụng, điện tử, điện lạnh và bán trên thị trường Việt Nam được quảng cáo là sản phẩm của người Việt, là hàng Việt Nam chất lượng cao đánh lừa người tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, có 2 loại hàng giả, đó là một loại hàng nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, một loại là nhập giả xuất xứ Việt Nam xuất khẩu đi nước khác. Về nguyên tắc, hàng nhập giả xuất xứ đều vi phạm Luật Cạnh tranh và Luật Bảo vệ người tiêu dùng và nó trực tiếp làm tổn hại tới lợi ích của người tiêu dùng bởi người tiêu dùng muốn mua những mặt hàng đúng với nhu cầu nhưng do giả xuất xứ nên họ mua phải hàng giả.
Thứ 2 là gây ra tình trạng trốn thuế, lách luật, để hưởng ưu đãi mà nguồn xuất xứ đúng được hưởng; thứ 3 là làm giảm thị phần của hàng Việt và đặc biệt gây mất uy tín đối với hàng Việt nếu như hàng hoá có chất lượng thấp. Đặc biệt, nếu nó gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh thì các doanh nghiệp Việt có thể bị phá sản với những hành vi kèm theo.
PGS.TS Phạm Tất Thắng cũng dự báo, xu thế này càng mạnh mẽ hơn khi chiến tranh thương mại Mỹ- Trung không dịu đi, theo đó động lực cho hàng Trung Quốc, doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư mở nhà máy để gia công, “núp bóng” hàng Việt Nam càng lớn. Nếu hàng xuất khẩu “núp bóng” hàng Việt để vào thị trường Mỹ, phía Mỹ phát hiện, điều tra ra họ sẽ đánh thuế lẩn tránh rất cao, ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, nhiều doanh nghiệp sẽ “chết oan” vì việc này.
Nhiều sản phẩm gian lận xuất xứ từ hàng Trung Quốc thành hàng Việt đánh lừa người tiêu dùng. |
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Nam, Viện nghiên cứu chiến lược cạnh tranh cho rằng, hiện tượng giả xuất xứ đánh lừa người tiêu dùng diễn ra khá phổ biến như mấy năm trước khoá Minh Khai cũng nhập khẩu hàng Trung Quốc về và bán ra thị trường với thương hiệu của mình. Khi bị phát hiện thì bị người tiêu dùng tẩy chay, dẫn tới một thương hiệu vun đắp xây dựng bao năm bị chìm nghỉm trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp Việt trong thời gian qua đã tìm được các thị trường ngách để đầu tư phát triển, xây dựng thương hiệu Việt, tuy nhiên, một số doanh nghiệp lại “ăn xổi”, làm ăn gian dối, trốn thuế, đánh lừa người tiêu dùng và cơ quan chức năng.
TS. Nguyễn Minh Phong cho biết thêm, hiện nay việc xác định các chuẩn hoá hàng Việt đã có, tuy nhiên nhiều mặt hàng Việt Nam chưa có bộ tiêu chí. Như vụ việc Asanzo, các sản phẩm mà linh kiện chủ yếu được nhập khẩu về Việt Nam lắp ráp, gia công thì chưa thể gọi là sản xuất tại Việt Nam. Cho nên một số doanh nghiệp quảng cáo là sản xuất tại Việt Nam là lừa dối người tiêu dùng.
Theo đó, hàng Việt Nam phải gắn với chủ người Việt, do người Việt, ý tưởng của người Việt, sản xuất các công đoạn, và trong 1 sản phẩm thì tỷ lệ đạt bao nhiêu phần trăm thì được gọi là hàng Việt. Do vậy, cái khó nhất là phải minh bạch bộ tiêu chí thế nào là hàng Việt Nam để người dân và cơ quan chức năng biết và định hình được, không bị kiểu lập lờ như hiện nay. Bên cạnh đó, tất cả các mặt hàng ghi sai xuất xứ đều bị phạt. Hiện nay, theo TS Nguyễn Minh Phong, khó ở chỗ chế tài xử phạt còn thấp, không đủ răn đe, do vậy phải tăng chế tài xử phạt; tăng sự chủ động của QLTT, Hải quan.
Để khắc phục tình trạng này, PGS.TS Phạm Tất Thắng cho rằng cần phải có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Công tác truyền thông đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về cái lợi trước mắt tưởng lớn nhưng cái hại về sau lại lớn hơn nhiều đối với thị trường và người tiêu dùng. Bởi làm ăn gian dối khi người tiêu dùng phát hiện tẩy chay thì doanh nghiệp chỉ có đóng cửa.
Thủ tướng yêu cầu xác minh thông tin Asanzo nhập hàng nước khác gắn nhãn Việt Nam
Thời gian qua, trên một số phương tiện truyền thông có nhiều bài báo phản ánh Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính và Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng (Hải quan, Quản lý thị trường…) rà soát lại việc thực hiện quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30-7-2019.
Nguồn: CAND