Kinh tế xã hội

Giải 'bài toán' giao thông thông minh

08:10, 25/04/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, việc xây dựng thành phố, đô thị thông minh là hướng đi của nhiều thành phố lớn tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, việc tạo dựng hạ tầng kỹ thuật đủ mạnh để triển khai vẫn là “bài toán” không đơn giản.

Giao thông thông minh là yếu tố quan trọng hàng đầu để xây dựng đô thị thông minh
Giao thông thông minh là yếu tố quan trọng hàng đầu để xây dựng đô thị thông minh

Hệ thống giao thông thông minh là việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ với cơ sở hạ tầng giao thông để điều hành và quản lý hệ thống giao thông vận tải một cách hiệu quả, đảm bảo ATGT, giảm thời gian và chi phí đi lại, bảo vệ môi trường... Mục tiêu của hệ thống giao thông thông minh nhằm gia tăng tiện ích cho người dân khi tham gia giao thông, kéo giảm tỉ lệ tai nạn giao thông bền vững, hạn chế tối đa tình trạng ùn ứ giao thông tại khu vực đô thị... Hệ thống giao thông thông minh giúp quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu dùng chung và các ứng dụng khác nhau nhằm cung cấp những thông tin đồng nhất về hạ tầng giao thông và diễn biến tình hình giao thông theo thời gian thực. Từ đó, có thể hỗ trợ quản lý giám sát các lĩnh vực của ngành giao thông ở cả 5 loại hình vận tải: Đường sắt, hàng không, đường thủy, đường bộ và hàng hải.

Trong thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải đã thu hút được nhiều nguồn vốn, triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông lớn là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông được tăng cường chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, trước sự phát triển của giao thông Nghệ An, việc triển khai Đề án giao thông thông minh là yêu cầu cần thiết. Bởi hiện nay, theo thống kê, tổng số phương tiện giao thông cơ giới đăng ký trên địa bàn đạt trên 1,7 triệu lượt, số lượng tốc độ tăng bình quân 15%/năm, dự kiến trong những năm tới sẽ còn tăng mạnh.

Trước năm 2015, Nghệ An chưa có hiện tượng ùn tắc, sau 2015, đã xuất hiện nhiều điểm ùn tắc giao thông cục bộ vào giờ cao điểm; hạ tầng tuy đã được đầu tư nhưng các thiết bị công nghệ hỗ trợ ATGT gắn với công trình chưa được lắp đặt đồng bộ, chưa có các hệ thống thông minh kết nối các hạ tầng với nhau nhằm tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng hạ tầng… Vì vậy, việc định hướng phát triển giao thông thông minh là giải pháp khắc phục một cách tổng thể các vướng mắc tại địa phương.

Theo lộ trình đặt ra, việc xây dựng giao thông thông minh nhằm đạt được mục tiêu: Đến năm 2020, Nghệ An bước đầu xây dựng hạ tầng giao thông thông minh ở mức độ tiếp cận. Đến năm 2025, Nghệ An cung cấp các dịch vụ cần thiết nhằm gia tăng tiện ích cho người dân khi tham gia giao thông, xây dựng một số giải pháp hướng đến giảm tỉ lệ tai nạn giao thông bền vững, hạn chế tối đa tình trạng ùn ứ giao thông tại khu vực đô thị, quản lý chặt chẽ phương tiện vận tải, giao thông công cộng, giao thông cá nhân theo hướng bền vững. Tầm nhìn sau 2025, hoàn thiện toàn bộ các hệ thống thông tin theo tiêu chuẩn quốc gia về kiến trúc hệ thống giao thông thông minh.

Hiện nay, tốc độ đô thị hóa gia tăng mạnh mẽ kéo theo những áp lực lớn về ùn tắc giao thông, quá tải hạ tầng hay ô nhiễm môi trường. Hệ thống hạ tầng chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, dân số; chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân và các hoạt động kinh tế. Khả năng ứng phó biến đổi khí hậu của các đô thị chưa cao. Bên cạnh đó, công tác quản lý phát triển đô thị chưa hiệu quả; năng lực quản lý đô thị các cấp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển... Cũng bởi xuất phát điểm về hạ tầng thiếu đồng bộ nên quá trình triển khai Đề án sẽ gặp không ít khó khăn. Hiện nay, một đặc điểm chung các thành phố của Việt Nam là mỗi dự án điều khiển giao thông lại mua các thiết bị, công nghệ, tủ điều khiển đèn giao thông của một đơn vị khác nhau, mà chưa chú ý đến tầm nhìn kiến trúc hệ thống.

Mặt khác, cần phải nhìn nhận một thực tế là, việc phát triển hệ thống giao thông thông minh không chỉ đơn thuần là việc ứng dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin vào trong lĩnh vực quản lý và điều hành giao thông mà trước hết cần phải xây dựng một chương trình, chiến lược tổng thể. Trong khi đó, quy hoạch giao thông thông minh được coi là nền tảng cơ bản, khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Cần từng bước xây dựng phần mềm ứng dụng giao thông trên điện thoại giúp người dân dễ dàng chọn lựa những phương thức vận tải để di chuyển với chi phí hợp lý nhằm tạo thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho người dân. Bên cạnh đó, “bài toán” kinh phí triển khai vẫn cần phân cấp cụ thể. Bởi nguồn vốn chủ yếu để thực hiện Đề án là xã hội hóa, vì thế, việc xây dựng cơ chế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và các ngành chức năng là rất quan trọng.

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là những thành phố lớn đã áp dụng giao thông thông minh. Nghệ An đi sau, phải học tập những nội dung, điểm tốt, tuy nhiên, phải phù hợp với điều kiện, đặc điểm địa phương. Vì thế, các ngành chức năng cần tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi để Đề án giao thông thông minh đi vào hoạt động hiệu quả, thực sự phục vụ người dân.

Mai Hậu

Các tin khác