Kinh tế xã hội

Tạo sức bật cho doanh nhân xứ Nghệ

08:38, 04/11/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh, doanh nhân Nghệ An đang phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Những thách thức trong điều kiện mới càng đòi hỏi sự đổi mới không ngừng từ các cấp chính quyền và của chính các doanh nghiệp để tiếp tục tạo sự đột phá mới mẻ hơn nữa.

Các doanh nghiệp đang tập trung nâng cao nguồn chất lượng nhân lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ
Các doanh nghiệp đang tập trung nâng cao nguồn chất lượng nhân lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ

Xác định rõ vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong nỗ lực chung tay phát triển, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều kế hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp vươn lên mạnh mẽ. Ngày 1/7/2016, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3171/QĐ-UBND về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Mục tiêu đặt ra là phát triển doanh nghiệp Nghệ An có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, trong đó có một số doanh nghiệp lớn, nguồn lực mạnh; đảm bảo phần lớn sản phẩm của các  doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và khu vực. Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Nghệ An có trên 20.000 doanh nghiệp; bình quân hàng năm doanh nghiệp giải quyết việc làm cho khoảng 35.000 - 37.000 lao động và tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định cho người lao động; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 61%; phấn đấu đến năm 2020, doanh nghiệp đóng góp trên 70% nguồn thu ngân sách của tỉnh; nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp chiếm ít nhất 48% vốn đầu tư toàn xã hội; năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 25 - 30%.

Tính đến thời điểm hiện nay, Nghệ An có khoảng 17.500 doanh nghiệp. Trong đó, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chiếm đa số. Theo ông Trần Anh Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nghệ An, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tiêu biểu, cộng đồng doanh nghiệp luôn mong muốn có cơ chế thông thoáng để phát triển. Trong quá trình triển khai các kế hoạch, chương trình thu hút đầu tư, sự minh bạch, tính năng động luôn là điểm hấp dẫn với mỗi doanh nghiệp. Dù khó khăn đã giảm so với thời điểm trước, song cộng đồng doanh nghiệp lớn, nhỏ đều mong muốn sự đồng hành của tỉnh trong chặng đường phát triển.

Theo ông Hồ Xuân Hùng, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế - Xã hội cho Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: Không cần nói nhiều để thấy được tầm quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nếu xem việc hoàn thành các mục tiêu mà Trung ương đề ra cho các địa phương là một cuộc đua (ví như cuộc đua trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020) thì hệ thống doanh nghiệp, với nòng cốt là doanh nghiệp ngoài quốc doanh chính là chiếc xe đua quyết định thành tích cuộc đua đó. Tỉnh nào có hệ thống doanh nghiệp ngoài quốc doanh (bao gồm FDI) phát triển tốt nhất, sẽ là những tay đua cán đích đầu tiên. Đó là thách thức không nhỏ với cộng đồng doanh nghiệp Nghệ An, với đặc điểm nhỏ và hạn chế về nguồn vốn ban đầu.

Có thể thấy, điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp phát triển đó là các cơ chế, chính sách khi thực thi phải phù hợp với khả năng của các doanh nghiệp và của địa phương, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Hiện nay, các cơ chế chính sách đưa vào cuộc sống đều góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển. Nhưng khi thực hiện những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập. Thực trạng “trên nóng, dưới lạnh” đang tồn tại ở một số sở ngành và địa phương, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng cũng khiến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp chân chính bị ảnh hưởng…

Trong điều kiện đó, việc kịp thời rà soát, sửa đổi bổ sung các chính sách cho phù hợp với thực tiễn là việc làm quan trọng. Nếu chính sách thay đổi quá chậm so với yêu cầu thì sẽ là lực cản cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Đồng thời, cần củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các trung tâm xúc tiến hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Mục tiêu của các trung tâm này là hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất trên cơ sở các kế hoạch phát triển và nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp. Đa dạng hoá các hình thức hỗ trợ kinh doanh đang là hình thức cần hướng tới của các trung tâm này, bao gồm hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ kiến thức về ngành, nghề, hỗ trợ kiến thức về phân tích thị trường, hỗ trợ về công nghệ và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ bồi dưỡng năng lực cho doanh nhân, doanh nghiệp…

Tuệ Trang

Các tin khác