Kinh tế xã hội

Đưa sản vật địa phương vươn xa

09:00, 28/11/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Xây dựng quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) với sản vật địa phương được xem là chìa khóa quan trọng để giới thiệu, quảng bá sản vật đến đông đảo người dân trong và ngoài nước. Điều này đòi hỏi các cấp quản lý và chính người dân phải nâng cao ý thức, chủ động khai thác tối đa tiềm năng trong nâng cao hiệu quả, phục vụ phát triển KT-XH.

Nhiều doanh nghiệp chú trọng phát triển thương hiệu, đưa sản vật địa phương đến tay người tiêu dùng
Nhiều doanh nghiệp chú trọng phát triển thương hiệu, đưa sản vật địa phương đến tay người tiêu dùng

Nghệ An có nhiều sản phẩm làng nghề đã được bảo hộ và cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận như: Mực Quỳnh Lưu, tôm nõn Diễn Châu, cá thu nướng Cửa Lò, gà Thanh Chương, nước mắm Vạn Phần… Đây là tiềm năng để phát huy giá trị của thương hiệu, đưa sản vật Nghệ An đến gần hơn với người dân. Vì thế, việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về thông tin, tính pháp lý của các nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ, đồng thời quảng bá, giới thiệu cho người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến các sản phẩm làng nghề của địa phương là rất quan trọng. Đây là cơ hội để các sản phẩm làng nghề của địa phương nâng cao danh tiếng, uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường, thúc đẩy năng suất chất lượng, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chế biến, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất, kinh doanh tại địa phương.

Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động tạo lập, quản lý, khai thác và phát triển tài sản SHTT trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn. Một phần là do các địa phương chưa thật sự chủ động trong phối hợp với các cơ quan có liên quan. Mặt khác, do công tác tuyên truyền vẫn chưa thực sự lan tỏa nên ý thức của người dân trong việc xây dựng, gìn giữ thương hiệu đang còn hạn chế. Việc tổ chức sản xuất, thúc đẩy thị trường và nâng cao giá trị của sản phẩm chưa có nhiều thay đổi rõ ràng. Trên thị trường, người tiêu dùng vẫn khó nhận biết đâu là sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý do nhiều sản phẩm không có tem nhãn, lô-gô trên sản phẩm.

Ngoài ra, vấn đề xử lý xâm phạm về SHTT còn nhiều hạn chế, sản phẩm không mang chỉ dẫn địa lý vẫn trà trộn, ảnh hưởng danh tiếng của sản phẩm được bảo hộ. Có một thực tế là, hiện nay người sản xuất trong khu vực chỉ dẫn địa lý vẫn chưa thực sự chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của bản thân và cộng đồng, chưa tự giác tham gia hội, hiệp hội để cùng bảo vệ danh tiếng sản phẩm. Phần lớn các hội mới chỉ thu hút được một số hội viên nòng cốt, chủ yếu là các hợp tác xã, doanh nghiệp.

Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An cũng đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các buổi tập huấn về quyền SHTT nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền và người dân. Nội dung tập huấn xoay quanh nhiều cách thức như nguyên tắc trong xác lập quyền SHTT, quyền đăng ký SHTT đối với các đặc sản địa phương; quản lý, khai thác phát triển và bảo vệ quyền SHTT; sử dụng khai thác và phát triển quyền SHTT; quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, bảo vệ nhãn hiệu, chống lại các hành vi giả mạo và xâm phạm, các hành vi vi phạm trong xâm phạm nhãn hiệu tập thể…

Ngoài nỗ lực của các ngành có liên quan, chính quyền cần vào cuộc để xử lý các hành vi xâm phạm chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ người dân về chi phí dán tem truy xuất nguồn gốc, tiền giống, thuốc bảo vệ thực vật, địa điểm bán hàng... để các nhà sản xuất yên tâm đầu tư. Trong nhiều giải pháp thì việc hỗ trợ điểm bán hàng ở các thành phố lớn, có thị trường tiêu thụ mạnh để quảng bá thương hiệu sản phẩm là rất cần thiết.

Thời gian qua, trên thị trường có không ít vụ kiện liên quan đến vi phạm quyền SHTT, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và trong hội nhập thì kiện tụng, tranh chấp quyền SHTT sẽ diễn ra nhiều hơn. Lẽ đó, việc xác lập quyền SHTT trở nên cấp thiết. Bởi, được bảo hộ SHTT không chỉ giúp đặc sản nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, vực dậy các làng nghề đặc sản truyền thống. Muốn góp phần giúp các đặc sản mang dấu ấn riêng và phát triển ngày càng bền vững, đòi hỏi của các tổ chức, các cơ sở đặc sản địa phương cần thay đổi nhận thức trong sản xuất và kinh doanh.

Tuệ Trang

Các tin khác