Kinh tế xã hội

Những hạn chế trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020

09:17, 16/10/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 28, chiều ngày 15/10, thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 còn tồn tại những hạn chế nhất định.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư báo cáo
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư báo cáo

Báo cáo đánh giá giữa kỳ về thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, căn cứ các nguyên tắc, tiêu chí chung, trên cơ sở tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn được giao, các bộ, ngành, địa phương dự kiến danh mục và mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn  chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực, chương trình đã được quy định tại Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể: Danh mục dự án và mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn (vốn ngân sách trung ương) giai đoạn 2016-2020 của từng dự án phải bao gồm các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch các năm 2016 và 2017 nguồn vốn ngân sách trung ương, trong đó mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn của các dự án không được thấp hơn mức vốn đã được giao kế hoạch năm 2016 và 2017 của từng dự án;  Phương án phân bổ vốn chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn (nguồn vốn ngân sách trung ương, bao gồm cả vốn nước ngoài và vốn trái phiếu Chính phủ) của các bộ, ngành, địa phương phải tuân thủ thứ tự ưu tiên đã được quy định tại Điều 5 của Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Riêng đối với Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học mầm non, tiểu học cho vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, đối tượng đầu tư là các phòng học cấp mầm non và tiểu học thuộc các xã theo Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2016 và Quyết định số 204/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 - 2015.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, sau 03 năm thực hiện, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã đạt được những kết quả nhất định: Quy mô đầu tư công trên GDP dịch chuyển tích cực; Cơ cấu vốn đầu tư công dịch chuyển theo hướng phù hợp hơn với các định hướng đầu tư trong giai đoạn 2016-2020; Việc giải ngân vốn đầu tư công đã từng bước được cải thiện; Khắc phục tình trạng quyết định chủ trương và quyết định đầu tư tùy tiện, không căn cứ khả năng cân đối vốn; Khắc phục tình trạng các dự án đầu tư vượt quá kế hoạch vốn được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản quá mức, gây áp lực lớn đến cân đối NSNN các cấp, đẩy ngân sách Trung ương vào thế bị động; Khắc phục tình trạng thiếu thông tin theo dõi giám sát các dự án đầu tư công.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách thẩm tra báo cáo
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách thẩm tra báo cáo

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, qua 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết 26 đặt ra, đạt được nhiều kết quả tích cực. Ủy ban Tài chính, ngân sách cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ về những thành tựu đã đạt được. Tuy nhiên, qua giám sát thực tế và báo cáo của các bộ, ngành, Ủy ban Tài chính, ngân sách nhận thấy bên cạnh những kết quả đạt được, nổi lên một số hạn chế như sau: Việc xác định danh mục các dự án đầu tư công theo thứ thự ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công trung hạn còn nhiều vướng mắc; Việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, giao kế hoạch vốn trung hạn quá chậm, chưa bảo đảm tính ổn định, giao vốn nhiều lần, kéo dài thời gian giao vốn , ảnh hưởng tiến độ thực hiện để giải ngân và hiệu quả nguồn vốn đầu tư; tỷ lệ giải ngân trong năm 2016, 2017 thấp, nhất là nguồn trái phiếu Chính phủ đạt tỷ lệ giải ngân rất thấp; việc xây dựng kế hoạch, danh mục đối với nguồn vốn ODA chưa bảo đảm tính chính xác, nhiều dự án chưa được bố trí đủ nguồn vốn đối ứng; Việc đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm chưa đạt yêu cầu đặt ra; việc thực hiện định hướng “khai thác tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác. Không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư” chưa thực sự thành công.

Chỉ ra được những tồn tại, hạn chế trên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến kế hạch đầu tư công trung hạn, sửa đổi, bổ sung các quy định để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Đầu tư công và các luật liên quan.

Về việc thực hiện kế hoạch đầu tư công đã phân bổ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát kỹ tình hình phân bổ vốn, giải ngân vốn đã phân bổ, trên cơ sở đó điều chỉnh vốn cho các dự án có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công./.

Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội Việt Nam

Các tin khác