Kinh tế xã hội

Nhiều lò gạch thủ công cải tiến vẫn hoạt động

08:29, 10/04/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Theo văn bản chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, trước năm 2016 phải xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công, gây ô nhiễm môi trường tại vùng đồng bằng và trước năm 2018, xóa bỏ lò gạch công nghệ lò đứng liên tục. Tuy nhiên, thời gian qua, tại Nghệ An, bên cạnh một số địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ lò gạch thủ công hoàn toàn, hiện một số địa phương vẫn chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ.

Theo quy định, các lò gạch kiểu đứng liên tục ở vùng đồng bằng phải dừng hoạt động trước năm 2018
Theo quy định, các lò gạch kiểu đứng liên tục ở vùng đồng bằng phải dừng hoạt động trước năm 2018

Tại Quyết định 1649/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 về “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, Thủ tướng Chính phủ giao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động của các loại lò sử dụng công nghệ lạc hậu như sau: “Các tỉnh đồng bằng, thành phố trực thuộc Trung ương; khu vực thị xã, thị tứ, khu vực gần khu dân cư, gần khu vực canh tác trồng lúa và hoa màu của các tỉnh còn lại chậm nhất phải chấm dứt hoạt động vào trước năm 2016 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất vào trước năm 2018 với lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch”.

Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã nhiều lần ban hành văn bản gửi các địa phương đôn đốc thực hiện lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, gây ô nhiễm môi trường và công nghệ “lò đứng liên tục”. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện một số địa phương vẫn chưa chấp hành nghiêm chỉ đạo của tỉnh.

Cụ thể, tại xóm 1, xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên lâu nay lò gạch thủ công của ông Đinh Văn Sự vẫn tiếp tục hoạt động, lò gạch này nằm cách trụ sở UBND xã Hưng Phúc không xa. Chiều 2/4/2018, chúng tôi có mặt tại lò gạch này và thấy nhiều công nhân đang vận chuyển gạch mộc vào lò, trên sân vẫn còn rất nhiều gạch mộc chưa đốt và nguyên liệu làm gạch dạng thô. Các công nhân ở đây cho biết, lâu nay lò gạch này vẫn hoạt động bình thường!

Tại địa bàn xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, theo ghi nhận của chúng tôi, lò gạch theo công nghệ lò đứng liên tục của Công ty CP Gạch ngói và Xây lắp Hưng Nguyên vẫn đang hoạt động. Thời điểm chúng tôi có mặt (2/4/2018), lò gạch vẫn đang bốc khói nhưng không có công nhân nào làm việc, dãy nhà điều hành đóng cửa im ỉm.

Ông Hà Ngọc Lan, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nam Đàn thừa nhận, trên địa bàn huyện còn một số lò gạch công nghệ lò đứng đang hoạt động ở các xã, như: Nam Thái, Vân Diên, Nam Giang. Theo ông Lan, thời gian sắp tới, Phòng Kinh tế - Hạ tầng sẽ tiếp tục có văn bản tham mưu UBND huyện về vấn đề xóa bỏ loại hình lò gạch này.

Tại huyện Tân Kỳ, có hơn 170 lò gạch, là một trong những địa phương có lò gạch, ngói thủ công đứng đầu tỉnh, đến thời điểm này đã cơ bản xóa bỏ các lò gạch thủ công, tiếp đến sẽ xóa bỏ các lò gạch công nghệ lò đứng liên tục trước năm 2020 (vùng miền núi).

Mới đây, Bộ Xây dựng có Văn bản số 1452/BXD-GĐ, ngày 15/7/2016 về việc “Tăng cường công tác quản lý đối với các lò nung thủ công sản xuất vật liệu xây dựng trên phạm vi toàn quốc.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện một số công việc sau: “Khẩn trương xây dựng và ban hành lộ trình xóa bỏ các lò nung thủ công sản xuất vật liệu xây dựng và thực hiện nghiêm túc theo lộ trình đã ban hành (hiện tại có 53/63 địa phương đã ban hành). Thời gian thực hiện lộ trình tuân thủ theo Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 và Quyết định số 507/QĐ-BXD ngày 27/4/2015. Cụ thể, đến năm 2016 phải loại bỏ ít nhất 50% số lò vôi thủ công gián đoạn, đến năm 2020 loại bỏ toàn bộ các lò vôi thủ công gián đoạn và lò vôi thủ công liên hoàn trên toàn quốc; các tỉnh đồng bằng, thành phố trực thuộc Trung ương, khu vực thị xã, thị tứ, khu vực gần khu dân cư, gần khu vực canh tác trồng lúa và hoa màu của các tỉnh còn lại chấm dứt hoạt động các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến trước năm 2016, chấm dứt hoạt động các lò gạch kiểu lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trước năm 2018; đối với các cơ sở sản xuất nằm ở khu vực các xã thuộc huyện miền núi chấm dứt hoạt động các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến chậm nhất hết năm 2017, chấm dứt hoạt động các lò gạch kiểu lò đứng liên tục chậm nhất vào năm 2020”.

N. Ngân

Các tin khác