Kinh tế xã hội

Tại Công ty TNHH MTV Nông Công nghiệp 3-2

Lùm xùm trước ngày cổ phần hóa

08:13, 10/03/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Là 1 trong 12 công ty nằm trong danh sách cổ phần hóa, Nhà nước không nắm giữ cổ phần theo tinh thần Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị, Nghị định 118 của Chính phủ. Tuy nhiên, thời gian cổ phần hóa kéo dài đã gây ra những hệ lụy, trong đó có việc giám đốc công ty này bị tố có dấu hiệu lộng quyền, nhiều việc làm không minh bạch.

Công ty TNHH MTV Nông Công nghiệp 3-2
Công ty TNHH MTV Nông Công nghiệp 3-2

Chậm cổ phần hóa từ nguyên nhân khách quan

Báo Công an Nghệ An số ra ngày 7/3/2018 có bài viết: “Cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An: Chờ đến bao giờ”, phản ánh việc tại công ty này, mặc dù đã có đề án từ năm 2015, được BTV Tỉnh ủy thông qua nhưng đến nay việc cổ phần hóa vẫn chưa được tiến hành, khiến quyền lợi của người trồng chè trên địa bàn không được đảm bảo, giá cả hằng năm phập phù, không được bảo hộ. Cùng với Công ty chè, trên địa bàn Nghệ An còn có 11 đơn vị nông, lâm nghiệp khác cũng nằm trong diện cổ phần hóa, trong đó có Công ty TNHH MTV Nông Công nghiệp 3-2, địa chỉ tại xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, đến nay cũng chưa thực hiện được.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Trọng Kỷ, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết: Lý do việc cổ phần hóa tại 12 công ty theo Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị, Nghị định 118 của Chính phủ trên địa bàn Nghệ An chậm là do nhiều nguyên nhân khách quan. Trước đó, UBND tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo đổi mới để thực hiện, Sở NN&PTNT là cơ quan thường trực, chỉ đạo thực hiện.

Trước đây, tinh thần chỉ đạo là các công ty này tự xây dựng đề án trình lên để thẩm định, xét duyệt mô hình chuyển đổi của từng đơn vị trước khi trình BTV Tỉnh ủy và Hội đồng Trung ương để trình thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngày 26/2/2016, Thủ tướng đã đồng ý phê duyệt 11/12 đơn vị (Công ty Nông nghiệp Sông Con thực hiện cổ phần hóa sau nhưng lại về đích trước so với các công ty còn lại). Theo quyết định 321 của Thủ tướng Chính phủ, các công ty chè, cà phê, cao su và Công ty TNHH MTV Nông Công nghiệp 3-2 là cổ phần hóa, còn các công ty Nông nghiệp An Ngãi, Xuân Thành, 1-5 là thành lập Công ty 2 thành viên. Theo Nghị định 118 thì các công ty chè, cà phê là cổ phần hóa, Nhà nước không giữ cổ phần chi phối. Tuy nhiên, thông báo Kết luận số 1599 của BTV Tỉnh ủy lại cho rằng, cổ phần hóa các đơn vị đã được phê duyệt, riêng các công ty chè, cà phê, cao su thì cổ phần hóa Nhà nước giữ cổ phần chi phối. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc cổ phần hóa chậm tại các công ty.

Trải qua nhiều cuộc họp nhưng không thống nhất được phương án, ban chỉ đạo đổi mới lại phải xin ý kiến của Bộ NN&PTNN. Sau cùng, phương án thống nhất là sẽ tiến hành theo 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu Nhà nước chi phối, giai đoạn sau không nắm giữ cổ phần. Đầu năm 2018, UBND tỉnh mới có các văn bản chỉ đạo chính thức phương án cổ phần hóa cho từng doanh nghiệp, hiện nay đang lựa chọn đơn vị tư vấn. Mới đây nhất, ngày 1/3/2018, UBND tỉnh có Công văn 1207, cho phép lựa chọn đơn vị tư vấn để thực hiện việc chuyển đổi, cổ phần hóa các công ty nói trên.

Hàng nghìn gốc cao su được thanh lý với giá rẻ, gây thất thoát tài chính cho công ty
Hàng nghìn gốc cao su được thanh lý với giá rẻ, gây thất thoát tài chính cho công ty

Nhiều dấu hiệu sai phạm tại 1 công ty chờ cổ phần hóa

Liên quan đến Công ty TNHH MTV Nông Công nghiệp 3-2 trong thời gian trước thời điểm cổ phần hóa, xuất hiện đơn thư tố cáo Giám đốc Công ty này là ông Lê Huy Dũng có dấu hiệu lạm quyền, Sở NN&PTNN đang kiểm tra lại thông tin liên quan. Theo đại diện Sở NN&PTNN, đó mới chỉ là thông tin một chiều, chưa có kết luận cuối cùng nên cũng chưa thể khẳng định được là sai phạm hay không.

Trước đó, một số đơn thư tố cáo, phản ánh ông Lê Huy Dũng có nhiều việc làm có dấu hiệu của việc lạm quyền, “bất minh” trước ngày cổ phần hóa. Cụ thể, theo kế hoạch cổ phần hóa thì tại Công ty này, giai đoạn đầu Nhà nước vẫn giữ 30% cổ phần tại công ty, cổ đông chiến lược là Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An giữ 25% cổ phần, Công đoàn Công ty được ưu tiên mua 1 - 3% cổ phần. Cán bộ, công nhân viên Công ty được ưu đãi mua 30% cổ phần với mức giá trị 60%, số còn lại được chào bán trên thị trường.

Cũng theo quy định, một cổ phần có giá trị là 10.000 đồng, công nhân của Công ty được ưu đãi với giá 6.000 đồng. Sau khi cổ phần hóa, công nhân mua cổ phần và gắn bó với công ty thì số cổ phần này mới được chuyển nhượng, tuy nhiên đến thời điểm này, khi cổ phiếu chưa đươc phát hành nhưng đã có tình trạng chuyển nhượng, thâu tóm cổ phần để giữ những vị trí chủ chốt sau khi cổ phần hóa.

Cũng theo đơn thư phản ánh, theo Hợp đồng kinh tế số 01/2017/HĐKT ký kết giữa Công ty TNHH MTV Nông Công nghiệp 3-2, Công ty TNHH SXCB và TM Thắng Lợi ký kết ngày 16/1/2017, 2 đơn vị này thực hiện việc thanh lý 50 ha cao su, số lượng 20.000 cây, đơn giá 130.000 đồng/1 cây với quy chuẩn là cây có đường kính từ 20 cm trở lên và không cụt ngọn quá 2 m. Theo phản ánh, giá thanh lý này là quá thấp với giá thị trường, gây thất thoát tài sản, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Việc thanh lý cũng không qua đấu giá mà được giám đốc công ty tự quyết tất cả. Hệ quả là sau khi kiểm đếm, số cây thực tế chỉ còn 13.000 cây. Ngoài ra, thêm một hợp đồng kinh tế khác được ông Dũng thực hiện đã có nhiều dấu hiệu sai phạm, hậu quả là các bên phải đưa nhau ra tòa án để phán xử.

Cụ thể, năm 1996, Công ty được cấp một mảnh đất tại TX Cửa Lò với tổng diện tích hơn 625 m2 để xây dựng nhà nghỉ dưỡng cho công nhân. Tuy nhiên, Công ty này không có điều kiện để xây dựng theo quy định được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt nên năm 1998, ông Lê Huy Dũng đã chỉ đạo làm các thủ tục để hợp thức hóa mảnh đất thuộc quyền sở hữu của Công ty. Khi không đủ hồ sơ, thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Công ty đã bán lại mảnh đất trên cho một cá nhân khác. Sau khi nhận tiền đặt cọc của đối tác nhưng không thể hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, hai bên buộc phải nhờ đến tòa án phán quyết. Tiếp đó, Công ty TNHH MTV Nông Công nghiệp 3-2 lại tìm đối tác, bán lại mảnh đất này với giá 900 triệu đồng khi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2012, phía Công ty đã nhận trước số tiền thanh toán là 450 triệu đồng.

Theo quy định, nếu Công ty không sử dụng mảnh đất trên theo đúng mục đích đã được phê duyệt thì sẽ bị thu hồi, hoặc tự nguyện hoàn trả mảnh đất trên cho UBND tỉnh. Tuy nhiên, ông Lê Huy Dũng và Ban lãnh đạo Công ty đã nhiều lần bán, sang nhượng là không đúng với quy định của pháp luật hiện hành.

Nhóm PVĐT

Các tin khác