Kinh tế xã hội
Công tác bảo vệ môi trường: Nhiều chuyển biến tích cực
(Congannghean.vn)-Quá trình phát triển KT-XH của tỉnh luôn gắn liền với công tác bảo vệ môi trường. Trong năm qua, lĩnh vực này đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Để phục vụ sự phát triển bền vững, thời gian tới, công tác phòng ngừa các nhân tố gây ô nhiễm môi trường cần được chú trọng hơn nữa.
Thời gian qua, trên cơ sở đánh giá mức độ tác động đến môi trường, lĩnh vực khai thác khoáng sản được các cấp, ngành quan tâm giám sát, chỉ đạo |
Trong công tác quản lý về môi trường, quan trọng nhất vẫn là công tác phòng ngừa, kết hợp với khắc phục, xử lý ô nhiễm. Để thực hiện hiệu quả điều này, cần làm tốt việc điều tra, đánh giá và dự báo các yếu tố tác động xấu đến môi trường, đặc biệt là với các nguồn thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở TN&MT, trên địa bàn tỉnh có 16 cơ sở sản xuất có nguồn thải lớn theo Nghị định số 38 ngày 24/4/2015 của Chính phủ, quy định về quản lý chất thải và phế liệu; trong đó, 13 cơ sở có nguồn nước thải trên 1.000 m3/ngày đêm và 3 cơ sở có nguồn khí thải lưu lượng lớn. Phần lớn các đơn vị đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải và khí thải tương đối đồng bộ. Theo kết quả quan trắc chất lượng môi trường của đơn vị và kết quả giám sát độc lập của cơ quan quản lý Nhà nước, có 14/16 nguồn đạt quy chuẩn, 2/16 nguồn không đạt quy chuẩn nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường và cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Cùng với đó, quá trình phát triển kinh tế của tỉnh đi liền với sự ra đời của nhiều khu, cụm công nghiệp. Đây là những khu vực phát sinh lượng chất thải lớn. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, tất cả các khu, cụm công nghiệp phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối tháng 2 vừa qua, chỉ có 3/6 khu công nghiệp và 8/20 cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải.
Cũng trong thời gian qua, trên cơ sở đánh giá mức độ tác động đến môi trường, một số loại hình sản xuất, kinh doanh như: Trang trại chăn nuôi tập trung, bệnh viện, khai thác khoáng sản, sản xuất mía đường, tinh bột sắn, các làng nghề thuộc nhóm B và nhóm C (các làng nghề có một hoặc nhiều công đoạn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường)… cũng được các cấp, ngành, địa phương quan tâm giám sát, chỉ đạo.
Cũng liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, việc thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện, lượng chất thải rắn sinh hoạt trên toàn tỉnh được thu gom đạt khoảng 80% (vùng đô thị đạt 91%, phụ cận đô thị 73% và nông thôn 52%). Tuy nhiên, tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý, chôn lấp hợp vệ sinh còn khá thấp, đặc biệt là ở khu vực nông thôn (30%).
Trên thực tế, rác thải tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa được thu gom và đưa về các bãi rác trung chuyển. Trong đó, có nhiều bãi trung chuyển gây ô nhiễm môi trường do chưa có điều kiện vận chuyển hoặc địa phương chưa có bãi chôn lấp rác tập trung. Bởi vậy, tình trạng người dân vứt rác trên các con sông, vùng dọc sông suối, đường giao thông… gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Trước thực tế trên, có 16/21 huyện, thành, thị đã và đang thực hiện việc đầu tư xây dựng bãi xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Nhìn chung, trong năm qua, bên cạnh một số tồn tại, hạn chế như xảy ra sự cố môi trường lớn (sự cố vỡ đập bùn thải ở huyện Quỳ Hợp vào tháng 3/2017), công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường và từng bước khắc phục tồn tại trong thời gian tới, ngày 8/12/2017, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025.
Nghị quyết đề ra nhiều giải pháp trọng tâm như: Chú trọng công tác quy hoạch bảo vệ môi trường; rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh thanh, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường; tăng cường nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả hợp tác về môi trường. Qua đó, huy động sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia bảo vệ môi trường nhằm phục vụ sự phát triển bền vững của tỉnh nhà.
Thùy Dương