Kinh tế xã hội

Xăng tăng thuế, còn nhiều tranh cãi

08:32, 28/02/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Theo chuyên gia, cần có những đánh giá, xem xét liệu tăng thuế có thực sự giảm được tiêu dùng xăng dầu, cải thiện môi trường hay không? Tác động của chính sách đối với sự phát triển của DN và đời sống của nhân dân như thế nào?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Tài chính vừa gửi xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương về đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với một số loại hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng xăng, dầu từ 1/7. Ngay lập tức đã có nhiều ý kiến tranh luận liên quan đến đề xuất này.

Lý giải về đề xuất tăng thuế BVMT, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, cùng với việc hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới, thuế nhập khẩu đang giảm rất nhanh. “Việc tăng thuế BVMT là một nguồn để bù đắp nguồn thu ngân sách”.

Bên cạnh đó, theo đại diện Bộ Tài chính, các mặt hàng như túi nylon, xăng, dầu… khi sử dụng nhiều sẽ gây tác động xấu đến môi trường, chính vì vậy, không chỉ riêng Việt Nam mà các nước trên thế giới đều đánh thuế BVMT, thậm chí có nước xây dựng biểu thuế riêng đối với xăng dầu để khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Mặt khác, ông Phạm Đình Thi cho biết hiện nay giá xăng dầu của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước có chung đường biên giới, các nước ở châu Á và trên thế giới.

Ông Thi thông tin, theo tính toán của Bộ Tài chính, số thu từ tăng thuế BVMT lần này dự kiến là 15.600 tỷ đồng, trong đó, với mặt hàng xăng tăng gần 8.000 tỷ. Theo Luật NSNN, toàn bộ số thu từ thuế BVMT sẽ được tập trung vào ngân sách và được chi để phát triển kinh tế-xã hội theo dự toán của Quốc hội và không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể.

Từ phía doanh nghiệp, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM chia sẻ: “Thuế BVMT tăng lên chắc chắn sẽ gây áp lực tăng giá thành do đây là yếu tố đầu vào quan trọng đối với bất kỳ một doanh nghiệp vận tải nào. Hiện phí bảo trì đường bộ, phí BOT đã là gánh nặng cho DN, giờ xăng dầu cứ tăng thuế, tăng giá thì chúng tôi rất khó xoay sở. Tôi rất đồng tình với ý kiến thay vì tăng thuế BVMT, chỉ cần các bộ, ngành tiết kiệm 2% chi thường xuyên là có thể tiết kiệm 15.000 tỷ, tương đương với phần thu được từ việc tăng thuế”.

Bày tỏ quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: “Trước mỗi đề xuất tăng thuế, dư luận thường có nhiều luồng ý kiến. Theo tôi, cần phải thông cảm với Bộ Tài chính vì trong bối cảnh ngân sách bội chi, nợ công tăng cao, nguồn thu từ thuế nhập khẩu giảm, để bảo đảm thu chi ngân sách, sử dụng biện pháp tăng thu là điều dễ hiểu, dễ thực hiện”.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, từ 1/7, mức thuế BVMT của xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên kịch khung là 4.000 đồng/lít, dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch khung 2.000 đồng/lít, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên kịch khung là 2.000 đồng/lít, mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên kịch khung là 2.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Ngô Trí Long, thuế là một yếu tố cấu thành nên giá hàng hóa, khi mức thuế tăng cao tất yếu sẽ làm cho giá cả tăng trong khi xăng dầu lại là đầu vào quan trọng đối với sản xuất, tiêu dùng, an ninh, quốc phòng. Do đó cần có những đánh giá, cân nhắc cụ thể, xem xét liệu tăng thuế có thực sự giảm được tiêu dùng xăng dầu, cải thiện môi trường hay không? Tác động của chính sách đối với sự phát triển của DN và đời sống của nhân dân như thế nào?

“Hiện chủ yếu thuế BVMT đánh vào xăng dầu, chiếm 93% nguồn thu về thuế BVMT. Như vậy, chưa hợp lý, vừa không đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, lại tạo nên gánh nặng về thuế BVMT đối với xăng dầu. Điều này sẽ gây nhiều hệ lụy”, chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Theo ông Long, Nghị quyết Bộ Chính trị đã nêu rõ, để giải quyết vấn đề bội chi ngân sách cần khắc phục cả khâu thu và chi. Nếu chỉ tập trung tăng thu mà chi bất hợp lý thì vẫn không hiệu quả. Ngay cả trong việc thu thuế, cũng cần có những cải cách thực chất. Vì vậy, ông đề xuất nên mở rộng thêm đối tượng các loại hàng hóa chịu thuế BVMT, bởi ngoài túi nylon, xăng, dầu… còn có nhiều mặt hàng mà việc tiêu dùng nhiều cũng sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong thì cho rằng đề xuất này sẽ không gây ra nhiều phản ứng hoặc các tác động tiêu cực. Bởi song song với việc tăng thuế BVMT, Bộ Tài chính cũng đề xuất hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng khoáng dùng để sản xuất xăng sinh học E5.

Nếu kiến nghị đi vào thực thi thì doanh nghiệp và người tiêu dùng đều được hưởng lợi. Việc hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với giá xăng E5 sẽ khiến giá xăng giảm, người tiêu dùng được lợi. Từ đó kích thích lượng tiêu thụ với mặt hàng thân thiện với môi trường này, lợi nhuận kinh doanh của các DN kinh doanh cũng tăng, góp phần thúc đẩy việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ xăng sinh học. Tuy nhiên, hoàn thuế TTĐB đồng thời sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, vì vậy Bộ Tài chính tăng thuế BVMT cũng là để cân bằng lại.

“Tuy nhiên, phải có con số cụ thể về mức hoàn thuế TTĐB so sánh với tăng thuế BVMT để thấy được người dân có bị thiệt hay không, nếu mức tăng, giảm không đáng kể thì vì mục tiêu chung có thể chấp nhận được”, ông Phong cho biết.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác