Kinh tế xã hội
Tài nguyên đất bị 'xẻ thịt': Trách nhiệm thuộc về ai?
(Congannghean.vn)-Nghị định 158/2016 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Khoáng sản quy định trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác chỉ rõ: UBND cấp huyện tiến hành giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc được báo tin xảy ra trên địa bàn; UBND cấp xã phát hiện và thực hiện các giải pháp ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh nhìn chung chưa tuân thủ thiết kế mỏ, nhất là tình trạng lợi dụng các chủ trương của địa phương, các tổ chức, cá nhân đã tiến hành khai thác, vận chuyển trái phép đất ra khỏi địa bàn để bán vẫn diễn ra ở một số địa phương, làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu ngân sách. Đáng chú ý, các vi phạm xảy ra nhiều nhưng chưa được kịp thời chấn chỉnh, xử lý gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Bài 1: Khai thác “chui” núp bóng cải tạo vườn, xây dựng nông thôn mới
Cuối tháng 1/2018, Báo Công an Nghệ An nhận được thông tin từ đường dây nóng với nội dung: Lợi dụng cải tạo vườn, một hộ dân ở xóm 10, xã Nghi Mỹ, huyện Nghi Lộc đã dùng máy múc khoét đất đồi đem bán ra thị trường. Sự việc này không những gây thất thoát tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường mà còn làm mất an ninh trật tự ở địa phương. Đề nghị quý báo vào cuộc xác minh, làm rõ.
Lợi dụng chủ trương cải tạo vườn đồi, hộ gia đình ở xóm 10, xã Nghi Mỹ, huyện Nghi Lộc đã khai thác bán đất ra ngoài |
Tiếp nhận thông tin, phóng viên đã có mặt tại địa bàn, ghi nhận thực tế sự việc đang diễn ra. Tại điểm khai thác cạnh Tỉnh lộ 534 đoạn qua cầu Khe Lở cách phía đồi chừng 200 m, chứng kiến cảnh máy múc đang hoạt động đào bới, khoét đất một khoảng rộng và nhiều chiếc xe ôtô tải các loại chở vượt thành thùng vào ra lấy đất, rồi nhanh chóng tỏa ra các hướng để “tiêu thụ”, khiến tình trạng bụi bặm, hư hỏng đường, gây ô nhiễm môi trường.
Tiếp xúc với một số hộ dân, hầu hết rất bức xúc và cho rằng, không hiểu sao xã “làm ngơ” cho họ ngang nhiên đem máy múc vào khai thác, đổ đất lên xe chở đi bán ra ngoài địa phương như vậy. Việc xe ôtô tải ra vào lấy đất gây ồn ào, làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân nơi đây. Ảnh hưởng nhất là tình trạng khai thác đất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đường sá bị hư hỏng, gây khó khăn trong việc đi lại. Xe chở đi qua nhiều địa bàn trong huyện và các xã của huyện Hưng Nguyên nên tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã hàng ngày phải “oằn mình” chịu tải bởi những chiếc xe chở đất cày xới.
Qua xác minh của phóng viên cho thấy, khu đất hiện đang khai thác là của hộ gia đình ông Ngô Trí Giang (SN 1986) ở xóm 10, xã Nghi Mỹ. Trước đó, ông Giang đã có “Đơn xin cải tạo đất trồng rừng” gửi UBND xã Nghi Mỹ, với lý do: “Hiện gia đình được UBND xã giao quyền sử dụng 2,8 ha đất trồng rừng tại vùng khe Lở, xã Nghi Mỹ. Nay gia đình có nhu cầu cải tạo để trồng một số cây trồng lâu năm phù hợp với kinh tế thị trường hiện nay”.
Sau khi được ông Hoàng Đức Trì, Chủ tịch UBND xã Nghi Mỹ xác nhận “Nhất trí cho phép ông Giang cải tạo một số diện tích để trồng lại cây lâm nghiệp sau khi đã thu hoạch cây trồng trước đây và trồng mới một số diện tích đất còn chưa sử dụng trong phạm vi được giao”. Rõ ràng, việc lãnh đạo chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người dân thực hiện cải tạo đất của hộ gia đình để phát triển kinh tế là hoàn toàn chính đáng. Thế nhưng, sau khi có “bùa hộ mệnh” trên tay, bản thân ông Giang đã không thực hiện như nguyện vọng mà trong quá trình cải tạo một vùng rộng lớn, vì lợi nhuận đã cho 1 cá nhân trên địa bàn “hợp tác” vận chuyển đất với khối lượng lớn ra ngoài, đi qua nhiều xã để bán cho một nhà máy gạch trên địa bàn huyện Hưng Nguyên.
Trước sự việc trên, sau khi phóng viên cung cấp những hình ảnh, tư liệu liên quan đến quá trình khai thác, vận chuyển đất trái phép ra ngoài của hộ ông Giang, bản thân ông Phạm Văn Công, công chức địa chính xã và ông Hoàng Đức Trì, Chủ tịch UBND xã Nghi Mỹ tỏ ra bất ngờ: “Làm gì có chuyện đó. Cách đây 2 hôm, sau khi nghe phản ánh của người dân, xã đã lập đoàn vào kiểm tra và lập biên bản. Họ đã cam kết không tái diễn. Bây giờ nếu đúng như thế, chúng tôi sẽ kiểm tra lại và yêu cầu đình chỉ ngay”.
Qua tìm hiểu được biết, diện tích đất ông Giang đang sử dụng là hợp pháp. Toàn bộ diện tích đó được hợp đồng chuyển nhượng quyền quản lý, chăm sóc, bảo vệ cùng tài sản gắn liền trên đất được giao giữa ông Giang và ông Hoàng Ngọc Ba (SN 1958) trú tại TP Vinh. UBND xã Nghi Mỹ đã chứng thực hợp đồng này. “Sau khi ông Giang có đơn gửi xã, cán bộ địa chính đã kiểm tra và tham mưu tôi xác nhận đơn cải tạo. Trong đơn tôi cũng chỉ đồng ý cho chủ trương cải tạo để mở rộng và quy hoạch lại vùng sản xuất trồng rừng và trồng cây. Còn xã không hề cho ông Giang khai thác đất để bán ra ngoài. Hành vi này là trái phép, xã sẽ đình chỉ và xử lý nghiêm”, ông Hoàng Đức Trì khẳng định.
Không như xã Nghi Mỹ, huyện Nghi Lộc, tại xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tình trạng khai thác đất trái phép diễn ra công khai, “núp bóng” dưới chủ trương mở rộng đường phòng hộ cháy rừng.
Mặc dù thỏa thuận mở rộng đường phòng hộ cháy rừng nhưng Công ty TNHH Hòa Anh lại lấy đất bán ra khỏi địa bàn xã Trung Sơn |
Qua tìm hiểu của phóng viên, được sự xác nhận của UBND xã Trung Sơn, ngày 16/1/2018, giữa Công ty TNHH Hòa Anh và ông Nguyễn Hữu Nam, Xóm trưởng xóm 2 đã thống nhất biên bản: Cho xe của Công ty TNHH Hòa Anh múc đất ở khu vực Rú Cuồi, xóm 2, xã Trung Sơn để hạ thấp đất mở đường rừng phòng hộ. Sau khi thỏa thuận được chấp thuận, nhiều phương tiện của công ty Hòa Anh tập kết khu vực trên để di chuyển qua tuyến đường liên thôn để chở đất ra khỏi địa bàn xã đi san lấp mặt bằng sân vận động xã Đà Sơn. Tại khu vực này, hàng chục xe mang nhãn hiệu HOAMAI nối đuôi nhau tập kết chờ “ăn” đất. Khi phóng viên có mặt, nhiều chủ xe cho dừng phương tiện và ra tín hiệu cho chủ.
Tại UBND xã Trung Sơn, làm việc với các bên với sự có mặt của lãnh đạo UBND xã, công chức địa chính xã Trung Sơn và đại diện công ty, chính quyền nơi đây cũng tỏ ra bất ngờ khi phóng viên cung cấp thông tin. Ông Đoàn Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, thời gian qua, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, xã đã tập trung vào việc kiên cố hóa giao thông nông thôn, giao thông nội đồng nên đã huy động các phương tiện chở đất đá đi trên các tuyến đường có khu dân cư, làm hư hỏng, xuống cấp. Cử tri cũng đã có nhiều ý kiến phản ánh lên xã nhưng nguồn kinh phí địa phương hạn hẹp nên chưa cân đối được để khắc phục tuyến đường.
Còn việc có doanh nghiệp múc đất ở xóm 2 chở ra ngoài bán xã chưa nắm được. Xã Trung Sơn có chủ trương cải tạo lại mặt bằng khu vực rừng phòng hộ nên đã thống nhất cho công ty lấy đất để san lấp mặt bằng. Đất lấy được đổ ở nghĩa trang và hành lang đường. Việc họ lấy đất bán ra ngoài là trái phép, xã không khuyến khích, họ chỉ tận dụng số đất thừa. Trong khi đó, phía Công ty TNHH Hòa Anh lại phủ nhận việc lấy đất ở khu vực rừng phòng hộ để bán mà cho rằng, sau khi thực hiện xong thỏa thuận thì một số hộ dân sinh sống gần đó có nguyện vọng nhờ múc đất để san lấp vườn đồi nên công ty lấy đất đó di chuyển đến san lấp mặt bằng ở sân vận động xã Đà Sơn.
Theo dấu xe, phóng viên đã tiếp cận được điểm tập kết đất được lấy từ xóm 2, xã Trung Sơn. Tại Trường Mầm non xã Đà Sơn, phía trước là khu vực sân vận động xã đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng. Ông Nguyễn Trọng Quế, Phó Chủ tịch UBND xã Đà Sơn thừa nhận, địa phương đang tiến hành san lấp sân vận động để hoàn thiện thiết chế văn hóa cơ sở theo chủ trương xây dựng nông thôn mới. Công ty Hòa Anh là đơn vị trúng thầu thi công của công trình với số vốn gần 4 tỉ đồng. Sau khi thống nhất thi công, xã đã tìm kiếm nguồn đất để san lấp, tuy nhiên gặp khó khăn nên đã đồng ý cho công ty lấy đất ở nơi khác về san lấp. Theo ông Quế, việc công ty lấy đất ở đâu thì chủ đầu tư không nắm mà chỉ biết họ lấy đất ở xã Trung Sơn di chuyển về xã Đà Sơn.
Xuân Thống