Kinh tế xã hội
Vị thế Việt Nam trong lần thứ hai là chủ nhà APEC
08:13, 03/11/2017 (GMT+7)
Tiềm lực và vị thế của Việt Nam đã có những thay đổi về chất kể từ khi Việt Nam lần đầu tiên đảm nhiệm cương vị chủ nhà Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2006.
Đó là chia sẻ của ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao (Học viện Ngoại giao), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu APEC, khi trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Chính phủ.
Đà Nẵng đã sẵn sàng cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 |
Khác biệt đầu tiên là quy mô của nền kinh tế Việt Nam và mức độ liên kết kinh tế sâu rộng hơn nhiều thông qua việc tham gia ngày càng sâu vào các chuỗi cung ứng ở cả khu vực và toàn cầu.
Các số liệu thống kê cho thấy, quy mô kinh tế của Việt Nam đã tăng lên trên 200 tỷ USD năm 2016 so với khoảng trên 75 tỷ USD năm 2006, trong khi số lượng các hiệp định thương mại tự do tăng từ 2 lên 12, chưa kể 4 hiệp định Việt Nam đang tham gia đàm phán. Việt Nam cũng đã mở rộng quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư lần lượt với trên 200 và 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hiện nay, 18 thành viên APEC là các đối tác quan trọng trong các FTA song phương và đa phương của Việt Nam. Các thành viên APEC chiếm tới 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 75% thương mại hàng hóa, 38% viện trợ phát triển chính thức và 79% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, khoảng 80% du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đang học tập tại các nền kinh tế thành viên APEC, là cầu nối và nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.
Hợp tác APEC rộng mở hơn
Mặc dù thời gian gần đây, chủ nghĩa dân túy, xu hướng bảo hộ và phong trào chống toàn cầu hóa gia tăng, nhưng APEC đã đạt được những bước tiến dài cả về quy mô và chiều sâu hợp tác so với 11 năm trước.
Nếu 2006, APEC có trên dưới 30 nhóm công tác và các ủy ban, thì đến nay APEC có khoảng 60 nhóm công tác và các ủy ban. Trong hơn một thập kỷ qua, đã có 65 hiệp định thương mại song và đa phương được ký kết tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bên cạnh những nội dung hợp tác tuyền thống như tự do hóa thương mại, thúc đẩy liên kết, sáng tạo và bền vững, thời gian gần đây APEC cũng phải xử lý nhiều vấn đề khác như chống khủng bố, thách thức an ninh phi truyền thống.
Tư duy đối ngoại nhất quán, hướng tới hội nhập theo chuẩn mực
Năm APEC 2017 là một trong những trọng tâm của công tác ngoại giao đa phương của Việt Nam đến năm 2020, không chỉ có ý then chốt đối với cả Việt Nam và khu vực.
Với Việt Nam, đó là sự khẳng định tính nhất quán về đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, làm sâu sắc quan hệ với các nước; đưa ngoại giao đa phương trở thành một trụ cột của công tác đối ngoại. Đồng thời, Việt Nam có thể củng cố và làm sâu sắc sự tin cậy chính trị, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với các đối tác chủ chốt của Việt Nam mà hầu hết nằm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (13/25 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện).
Tham gia APEC không chỉ có lợi về mặt thông tin để phục vụ quá trình hoạch định chính sách, mà còn giúp thúc đẩy những quan tâm chung của khu vực trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy, xu hướng bảo hộ và phong trào chống toàn cầu hóa có những thời điểm mạnh chưa từng có; góp phần tạo dựng vị thế mới cho Việt Nam trong quan hệ ở trong khu vực và thế giới, nhằm hiện thực hóa hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Với quan điểm hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm của hội nhập quốc tế, Việt Nam có lợi ích trong việc duy trì và thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư cũng như kết nối giao thông liên lạc và chuẩn bị hành trang để tranh thủ cơ hội đồng thời ứng phó với những tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Năm APEC còn là đợt tổng duyệt trên quy mô lớn về năng lực lực hội nhập theo chuẩn mực của khu vực, bởi hợp tác của APEC liên quan đến nhiều bộ, ngành, lĩnh vực, từ xây dựng, kết nối các thành phố thông minh, đến nông nghiệp, lao động, kế hoạch và đầu tư, công thương, ngoại giao, kể cả an ninh quốc phòng.
Trong tiến trình đó, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, sự chủ động của địa phương có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.Với địa phương như Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, chưa bao giờ đứng trước cơ hội to lớn như vậy.
Đặc biệt, trong Tuần lễ Cấp cao, khi mọi ánh mắt dồn vào Đà Nẵng, APEC là dịp để giới thiệu Đà Nẵng là một trung tâm mới, năng động của cả khu vực, qua đó thúc đẩy giao thương, giao lưu văn hóa. Để làm được điều đó, theo ông Thái, truyền thông có vai trò rất quan trọng.
Nguồn: Hải Minh/Chinhphu.vn