Kinh tế xã hội

Hệ lụy từ tranh chấp địa giới hành chính

08:04, 19/10/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Không chỉ “nhập nhèm” về ranh giới giữa các xã trong cùng một huyện với nhau, mà sự việc còn phức tạp hơn khi giữa các xã của 2 huyện giáp ranh cũng xảy ra tình trạng này. Hệ lụy là gây mất ANTT ở các vùng nông thôn, kéo theo tài nguyên bị tàn phá vì chính quyền các cấp lúng túng trong việc quản lý, xử lý.

Lãnh đạo Sở Nội vụ thực địa để phân định địa giới hành chính giữa 2 huyện Nghi Lộc và Đô Lương
Lãnh đạo Sở Nội vụ thực địa để phân định địa giới hành chính giữa 2 huyện Nghi Lộc và Đô Lương

Nhiều vụ tranh chấp địa giới hành chính

Liên quan đến vụ tranh chấp đất dẫn đến có khoảng hơn 20 ha rừng đầu nguồn khe Chung bị tàn phá cách đây chưa lâu, theo chính quyền địa phương các cấp thì đó là hệ lụy gần như tất yếu khi vụ việc tranh chấp địa giới hành chính giữa người dân xã Tào Sơn (Anh Sơn, Nghệ An) với một số hộ dân các xã Ngọc Sơn và Giang Sơn Tây (Đô Lương) xảy ra hàng chục năm nay nhưng không được giải quyết dứt điểm.

Cụ thể, xã Tào Sơn (Anh Sơn) có đường địa giới tiếp giáp với các xã Giang Sơn Tây, Ngọc Sơn, Lam Sơn thuộc huyện Đô Lương và tiếp giáp với huyện Tân Kỳ. Do tiếp giáp nhiều xã lân cận nên trong địa giới hành chính có nhiều vụ tranh chấp đất đai xảy ra giữa xã Ngọc Sơn và xã Tào Sơn từ năm 1990 đến nay. Lợi dụng sự phân định chưa rõ ràng này, trong thời gian dài, một số người dân xã Giang Sơn Tây đã lấn chiếm đất, đốt phá rừng tự nhiên đầu nguồn hồ Khe Chung để trồng tràm, sắn. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất của người dân xã Tào Sơn. Thậm chí, còn xảy ra tình trạng người dân đặt bẫy bắt trâu, bò của xã bên cạnh để xử phạt trái pháp luật, thu tiền phạt từ 2 - 3 triệu đồng/con khi trâu bò “tự ý” xâm lấn.

Mới đây nhất là những phát sinh trong mâu thuẫn, tranh chấp trong sử dụng đất giữa xã Lưu Kiền (Tương Dương) và Nậm Càn (Kỳ Sơn). 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương từ trước đến nay có ít nhất 5 điểm xảy ra tranh chấp, chính quyền hai bên đã tự hiệp thương, thống nhất giải quyết được 4 điểm, riêng điểm tranh chấp giữa xã Nậm Càn với xã Lưu Kiền xảy ra đã nhiều năm nhưng chưa giải quyết được.

Khó khăn trong việc giải quyết

Cụ thể, theo báo cáo, hiện tại có khoảng 55 hộ dân xã Nậm Càn đang sản xuất trên phần diện tích tranh chấp với xã Lưu Kiền. Sự việc xảy ra từ năm 2012, sau khi mở tuyến đường Phà Lõm (Tam Hợp) - Nậm Càn (Kỳ Sơn), các hộ dân bản Phà Lõm, xã Tam Hợp và bản Nậm Khiên, xã Nậm Càn đã đến xâm canh, xâm hại đến rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương quản lý (30 vạt với diện tích 24,7 ha, trong đó nằm trong phần rừng phòng hộ huyện Tương Dương quản lý là 27 vạt với diện tích 22,8 ha).

Tại buổi hiệp thương diễn ra vào ngày 25/9/2017 vừa qua, 2 huyện thống nhất phương án điều chỉnh diện tích 2 ha đất nông nghiệp thuộc xã Lưu Kiền lâu nay nhân dân Nậm Càn đang sản xuất về cho xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) quản lý. Đối với diện tích xâm canh 24,7 ha của 55 hộ dân xã Nậm Càn lâu nay canh tác trên địa giới hành chính thuộc quyền quản lý của xã Lưu Kiền và Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương, hai bên cũng thống nhất giữ nguyên hiện trạng, đo đạc, lập hồ sơ giao ổn định cho người dân sản xuất lâu dài.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có 32 điểm ranh giới hành chính còn diễn ra tranh chấp ở mức phức tạp, kéo dài. Trước đó, sau một thời gian triển khai dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” theo quy định tại Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 2/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ (dự án 513), trên địa bàn tỉnh đã có 100 trong tổng số 151 tuyến địa giới hành chính mâu thuẫn, tranh chấp giữa các xã nội huyện và 27/50 tuyến địa giới hành chính mâu thuẫn tranh chấp giữa các xã ngoại huyện đã được giải quyết.

Theo đánh giá, quá trình giải quyết tranh chấp địa giới hành chính, nhất là tranh chấp ngoại huyện gặp không ít khó khăn, bởi thời gian tranh chấp diễn ra trong thời gian dài, cấp chính quyền địa phương chưa vào cuộc quyết liệt; sự phối hợp giữa các địa phương chưa chặt chẽ trong việc giải quyết các tuyến địa giới hành chính và phương tiện để đo đạc địa giới còn thiếu.

Được biết, hiện nay việc chưa phân định được địa giới hành chính với địa phương liền kề, không chỉ dẫn đến tranh chấp nội tỉnh như ở Nghệ An mà hiện cả nước còn 12 tỉnh, thành cũng xảy ra tranh chấp với địa phương lân cận. Do đó, việc xác định địa giới hành chính giữa các địa phương cần được giải quyết dứt điểm, tránh để kéo dài nhằm sớm ổn định đời sống cho nhân dân tại các khu vực có tranh chấp, đảm bảo lợi ích quốc gia và lợi ích của địa phương cũng như thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước của chính quyền và đời sống, sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.

Thiện Thành

Các tin khác