Kinh tế xã hội

Cánh đồng mẫu lớn thể hiện tư tưởng làm ăn lớn

08:34, 20/01/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Cánh đồng mẫu lớn đã đem lại những kết quả tích cực, cả trong việc dồn điền đổi thửa, chuyển đổi ruộng đất và trong phối hợp doanh nghiệp triển khai, ký kết hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân; đồng thời thể hiện rất rõ tư tưởng làm ăn lớn.

Nhờ tích tụ ruộng đất, nông dân xã Bồng Khê, huyện Con Cuông trồng ớt cho thu nhập cao
Nhờ tích tụ ruộng đất, nông dân xã Bồng Khê, huyện Con Cuông trồng ớt cho thu nhập cao

Tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn

Muốn có cánh đồng mẫu lớn đòi hỏi phải làm tốt công tác dồn điền, đổi thửa nhằm tích tụ ruộng đất, xóa bỏ tư tưởng làm ăn nhỏ lẻ, manh mún đã ngự trị cả ngàn đời nay với người nông dân Việt Nam.

Tích tụ được ruộng đất, tạo ra những cánh đồng mẫu lớn mới có điều kiện sản xuất lớn. Còn nếu mỗi nhà mỗi mảnh nhỏ, rải đều khắp xã thì không thể tổ chức sản xuất lớn và tạo ra nhiều sản phẩm, chưa nói đến tư tưởng thích gì trồng nấy, thấy cây gì, con gì được giá là đua nhau cùng làm, tạo ra khủng hoảng thừa cục bộ dẫn đến “được mùa, mất giá” lại rủ nhau phá bỏ, hoặc trong cánh đồng nhỏ nhà này trồng ngô nếp, nhà bên cạnh trồng ngô tẻ dẫn đến cả hai nhà trồng gần nhau không ra tẻ, ra nếp vì phấn ngô tẻ nhà này bay sang ruộng ngô nếp nhà kia và ngược lại.

Gần đây có nhiều người muốn đầu tư trồng nghệ để chế biến tinh bột nghệ nhưng không tìm được đất để trồng, hỏi mua đất nhà này chuyển nhượng cho một vài sào, nhà kia chuyển nhượng cho vài trăm mét không thể tích tụ ruộng lại gần nhau để sản xuất được, khó đầu tư và rất khó trong chăm sóc, bảo vệ. Để có cánh đồng lớn để tạo ra hàng hóa sản phẩm lớn trước hết cần có diện tích đất lớn. Vì vậy tích tụ ruộng đất là điều kiện quan trọng đầu tiên để sản xuất lớn, “khi có bột sẽ gột được hồ”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Nền nông nghiệp quy mô nhỏ với 78 triệu mảnh ruộng rất khó hội nhập. Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia bị tác động khốc liệt nhất của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nông nghiệp chưa hình thành được trụ cột về tổ chức sản xuất, có gần 14 triệu hộ sản xuất nhưng chưa hình thành được các mô hình sản xuất hàng hóa lớn nên giá bán không cao. Để giải phóng cơ bắp, tạo hàng hóa lớn thì đòi hỏi hai yếu tố quan trọng là cơ giới hóa và khoa học công nghệ để tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và đưa nông nghiệp Việt Nam lên tầm cao mới. Nhưng muốn đưa cơ giới hóa vào sản xuất đòi hỏi phải tích tụ được ruộng đất, phải có cánh đồng có diện tích lớn. Đưa máy móc cơ giới vào sản xuất vừa giải phóng cơ bắp, vừa tạo năng suất lao động và mới giảm được giá thành sản phẩm”.

Cánh đồng mẫu lớn để tạo ra hàng hóa sản phẩm lớn

Trong những năm qua, việc đưa giống mới có năng suất cao vào sản xuất, chăn nuôi đã tạo ra năng suất cao, giá trị thu nhập lớn. Tại thôn 2/9 xã Châu Khê, huyện Con Cuông, trạm khuyến nông phối hợp với bà con đưa giống mía mới vào trồng và áp dụng khoa học công nghệ mới kết quả năng suất mía đạt 140 tấn/ha.

Khi còn đương chức Giám đốc Lâm trường Con Cuông, Anh hùng Lao động Nguyễn Ngọc Lài đã quyết tâm thay đổi lề lối làm ăn nhỏ lẻ của công nhân Lâm trường Con Cuông bằng cách tạo ra những cánh rừng nguyên liệu lớn, đưa cây mét, cây keo, cây bộp vào trồng hàng chục ha để tạo nguyên liệu cho cơ sở chế biến dăm, bột giấy. Ông cũng mạnh dạn đưa hàng chục ha đất đồi vệ đem cây chè công nghiệp vào trồng. Ông Nguyễn Ngọc Lài cho biết, làm ăn lớn là phải tạo ra sản phẩm hàng tấn, hàng chục, hàng trăm tấn, còn nhỏ lẻ lô, lạng không bao giờ giàu lên được.

Theo đánh giá chung, việc tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn đã được các địa phương, đơn vị tích cực triển khai thực hiện, hiệu quả cao, tăng thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Cơ bản các mô hình cánh đồng lớn đạt mức tăng từ 10 - 15% so với đại trà, năng suất cao hơn hẳn so với sản xuất đại trà, thu nhập đạt mức bình quân trên 100 triệu đồng/ha/năm, tạo sự hưng phấn cho bà con và góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, sau khi xây dựng thành công cánh đồng lớn thì sự liên kết, phối hợp giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông cần chặt chẽ. Tránh tình trạng người nông dân chỉ được tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật chứ chưa được trang bị các kiến thức về thị trường và hầu như chưa được bao tiêu sản phẩm. Doanh nghiệp chủ yếu mới làm tốt khâu cung ứng đầu vào như phân bón, giống, kỹ thuật, chưa làm tốt vai trò “bà đỡ”, tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Để tích tụ ruộng đất, tạo cánh đồng lớn thành công, các doanh nghiệp cũng phải thể hiện được vai trò trong phối hợp với chính quyền địa phương và nông dân trong cả chuỗi sản xuất, đặc biệt là khâu tiêu thụ sản phẩm, không để nông dân tự bơi và rất cần việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Phùng Văn Mùi

Các tin khác