Kinh tế xã hội

Bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán

Cần chấn chỉnh tình trạng tư thương tự ý tăng giá bán

10:56, 06/01/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, giá cả thị trường lại tăng nhảy vọt khiến người tiêu dùng lao đao. Chính vì vậy, bình ổn thị trường dịp cuối năm là một trong những giải pháp được đưa ra nhằm cân bằng nguồn cung - cầu hợp lý, tránh tình trạng nơi này “cháy” hàng, nơi khác lại thiếu người mua.

Giá cả của nhiều loại thực phẩm rau, củ, quả đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có nhiều biến động
Giá cả của nhiều loại thực phẩm rau, củ, quả đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có nhiều biến động

Theo báo cáo của Sở Công thương, cứ vào dịp quý IV, giá cả các loại mặt hàng bắt đầu “nóng” dần lên. Nguyên nhân là do sức mua của người tiêu dùng tăng trong dịp trước Tết Nguyên đán. Trước tình hình đó, năm nay, Sở Công thương đã thống kê được tổng mức lưu chuyển hàng hoá trên thị trường bán lẻ ước khoảng 3.700 tỉ đồng/tháng. Cá biệt, nhiều loại mặt hàng gồm nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cuộc sống hàng ngày như rau xanh, củ quả, thực phẩm tươi sống… của người dân có thể tăng từ 30 - 50% so với những tháng trước đó. Chính vì vậy, việc bình ổn giá cả thị trường các loại mặt hàng này rất cần thiết vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số  8240/UBND-KT (ngày 31/10/2016) về dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Theo Kế hoạch này, Nghệ An sẽ chủ động dự trữ 3 loại mặt hàng chính gồm gạo tẻ, gạo nếp và dầu ăn với tổng trị giá lên đến 57,7 tỉ đồng.

Chỉ còn gần 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 nhưng qua khảo sát tại các chợ trên địa bàn TP Vinh cho thấy, các quầy hàng đã bày bán sản phẩm liên quan đến Tết. Dọc các tuyến đường vào chợ, nhiều loại hàng hoá như bia, nước ngọt, bánh kẹo… mang hương vị ngày Tết để hút mắt người tiêu dùng. Còn tại các gian hàng bày bán gạo, rau, củ, quả… cũng bắt đầu “tập kết” hàng để đón Tết. Thậm chí, nhiều đại lý, chủ cửa hàng đã gom mua các loại lương thực thực phẩm từ trước đó 2 tháng để bán cho người tiêu dùng.

Nhìn chung, giá cả trên thị trường bán buôn cũng như bán lẻ hiện nay ở các chợ, đại lý chưa có sự biến động đáng kể. Tuy nhiên, công tác quản lý chất lượng các loại sản phẩm từ nông, lâm, thuỷ sản là vấn đề luôn được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Bởi dịp trước Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, sức mua sẽ lớn nên công tác an toàn vệ sinh thực phẩm rất quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết: “Thành thông lệ, cứ đến dịp cuối năm là thời điểm hàng hoá trở nên sôi động hơn hẳn. Chính vì vậy, đây là dịp để hàng hoá kém chất lượng len lỏi vào thị trường. Trước tình hình đó, ngay từ thời điểm tháng 10 năm nay, đơn vị đã tham mưu, triển khai nhiều kế hoạch ra quân kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng hàng hoá kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường. Chúng tôi cũng thường xuyên tham mưu, xử lý triệt để các trường hợp buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm góp phần bình ổn giá trên thị trường”.

Cũng theo ông Thắng, trước dịp Tết Nguyên đán hàng năm, đánh vào tâm lý người tiêu dùng, nhiều mặt hàng thiết yếu như nước mắm, gạo, mì chính, dầu ăn… rất dễ bị làm giả, làm nhái để tuồn vào thị trường. Thời gian qua, Chi cục QLTT cũng đã phát hiện, xử lý hàng nghìn trường hợp gian lận thương mại, buôn bán hàng hoá kém chất lượng trên địa bàn. Chính vì vậy, khi mua người dân nên xem nhãn mác cẩn thận và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nếu phát hiện tình trạng hàng giả, hàng nhái, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất để có biện pháp phối hợp xử lý.

Được biết, trước dịp Tết Nguyên đán năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan cần xây dựng kế hoạch phối hợp để người dân đón Tết vui tươi, an toàn và tiết kiệm. Chỉ thị của Thủ tướng cũng giao cho Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi tình hình giá cả thị trường để có phương án điều tiết hợp lý, tránh trường hợp “găm” hàng để làm đảo lộn thị trường…

Tại Nghệ An, trước yêu cầu của Thủ tướng, UBND tỉnh cũng đã tiến hành họp bàn, lên các kế hoạch, phương án trước đó nhằm bình ổn giá cả thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2017. UBND tỉnh cũng đã giao Sở Công thương phối hợp với các ban, ngành liên quan đưa ra các phương án tạo bình ổn giá trong dịp này, tránh trường hợp tư thương tự ý tăng giá bán... Ngoài ra, công tác tuyên truyền, bám cơ sở, địa bàn của các lực lượng chức năng có vai trò quan trọng trong việc chấn chỉnh thị trường, tạo bình ổn giá các loại mặt hàng là điều cần thiết.

Ngọc Thái

Các tin khác