Kinh tế xã hội

Sản xuất nông sản an toàn

Nhiều thách thức đặt ra đối với ngành nông nghiệp

09:06, 25/12/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Rau, củ, quả… “ngậm” hoá chất trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ; thịt gia súc, trứng gia cầm làm giả bị người dân phát hiện khi đã được chế biến trên bàn ăn của gia đình... Đó là những vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang trở thành câu chuyện được đưa ra bàn luận trên nhiều diễn đàn kinh tế - xã hội. Thế nhưng, “bài toán” đảm bảo an toàn trong sản xuất, chế biến nông sản hiện nay vẫn chưa có lời giải để “minh oan” cho thực phẩm sạch theo đúng quy trình vốn có của nó.

Thương lái thu mua rau sạch của người dân xã miền núi Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu)
Thương lái thu mua rau sạch của người dân xã miền núi Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu)

Chưa bao giờ, vấn nạn thực phẩm bẩn lại “nóng” như giai đoạn hiện nay. Thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện, bắt quả tang hàng trăm vụ việc liên quan đến sản xuất, vận chuyển thực phẩm bẩn, trong đó có nông sản trôi nổi trên thị trường.

Bên cạnh đó, nông sản không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn len lỏi ở các chợ đầu mối khiến vấn đề nhận biết của người tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn. Trước “ma trận” nông sản được gắn mác sạch, nguồn gốc xuất xứ… hiện nay vẫn được làm giả, làm nhái tràn lan trên thị trường đã làm cho người dân không thể nhận biết được chính xác đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm an toàn.

Ngày 31/12/2013, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định 6593/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2013 - 2020” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện. Theo đó, mục tiêu của đề án là đến năm 2020, Nghệ An sẽ phát huy tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có để đẩy mạnh giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, đề án cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên ngành trong việc triển khai các mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tuy nhiên, có một thực tế đang tồn tại hiện nay là tình trạng nông sản bẩn đang đe doạ đến ngành sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, nhiều cơ quan truyền thông cũng đã phát đi những cảnh báo về rau, củ, quả… nhiễm hoá chất gây ung thư, hay những lô hàng nông sản nhập lậu từ nước ngoài về rồi gắn mác hàng hoá sạch được sản xuất trong nước để đánh lừa người tiêu dùng… Điều này cũng ảnh hưởng tới nhà sản xuất nông sản sạch trong nước khi sản phẩm của mình làm ra bị đánh tráo lẫn lộn thật - giả với nhau.

Hiện nay, tại TP Vinh đã xuất hiện các cửa hàng được công nhận bán buôn nông sản, thực phẩm sạch, đảm bảo chất lượng. Đây là hướng mở cho ngành sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng. Tuy nhiên, do bị ám ảnh bởi thị trường nông sản, thực phẩm bẩn còn âm ỉ trong tâm lý người tiêu dùng nên các cửa hàng nói trên vẫn còn ế khách.

Ông Dương Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông - lâm sản - thủy sản tỉnh cho biết: Hiện nay, đơn vị đang tiến hành các biện pháp để triển khai xúc tiến thương mại trên lĩnh vực nông - lâm - thuỷ sản. Tuy nhiên, để lĩnh vực này thực sự có chỗ đứng trên thị trường thì khâu đảm bảo ATVSTP có vai trò rất quan trọng. Đặc biệt, chất lượng về nông - lâm - thuỷ sản cần phải đặt lên hàng đầu vì nó sẽ quyết định đến thương hiệu và sự sống còn của ngành nông nghiệp. Muốn vậy thì xâu chuỗi các mối liên kết trong vấn đề sản xuất an toàn ngay từ đồng ruộng, trang trại… phải có sự cam kết thực hiện một cách chặt chẽ.

Chính vì vậy, để đối phó, đẩy lùi tình trạng sản xuất, buôn bán nông sản bẩn còn nhiều vấn đề cần phải thực hiện trong thời gian tới. Trước hết, ngành nông nghiệp cần có nhiều giải pháp “tuyên chiến” với nông sản bẩn hơn nữa. Để làm được điều đó, hệ thống sản xuất nông sản an toàn, đảm bảo ATVSTP cần phải được thực hiện đồng bộ. Ngoài ra, cần phát huy, nhân rộng hơn nữa mối liên kết giữa Nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - nhà doanh nghiệp trong việc gắn kết xâu chuỗi sản xuất nông sản an toàn.

Đăng Quang

Các tin khác