Kinh tế xã hội
Vì sao các công trình nước sạch tự chảy ở miền núi nhanh hỏng?
(Congannghean.vn)-Để đảm bảo sức khỏe cho bà con dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi, Đảng và Chính phủ đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng để xây dựng các công trình nước tự chảy phục vụ bà con. Tuy nhiên, điều đáng nói là các công trình này hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng do không được quản lý nên chỉ vài năm sau đã bị xuống cấp, hư hỏng...
Công trình nước tự chảy xã Yên Khê đã hư hỏng. |
Các công trình nước sạch tự chảy được xây dựng khá hiện đại, hệ thống đường ống bắt đầu từ thượng nguồn các khe suối lớn mang dòng nước sạch về tận các bản làng. Nhờ có dòng nước sạch tự chảy, cuộc sống của bà con các dân tộc thiểu số ở miền núi đỡ vất vả hơn.
Nếu như trước đây, các dịch bệnh như tả, lỵ, sốt rét thường xuyên hoành hành, đe dọa tính mạng của bà con thì nay cơ bản được đẩy lùi. Nguồn nước sạch tự chảy đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của bà con các dân tộc thiểu số ở miền núi.
Tưởng rằng nguồn nước sạch sẽ phục vụ bà con lâu dài. Tuy nhiên, do ý thức bảo vệ của người dân quá kém nên các công trình nhanh chóng xuống cấp và hư hỏng.
Chỉ tính riêng huyện Con Cuông có trên chục công trình nước sạch tự chảy, nhưng đến nay chỉ còn vài công trình nước còn chảy về phục vụ bà con, gần chục công trình nước tự chảy khác đã ngưng chảy sau vài năm đưa vào sử dụng như công trình nước sạch tự chảy ở các xã: Yên Khê, Môn Sơn, Bình Chuẩn, Đôn Phục Thạch Ngàn, Lạng Khê... Không riêng huyện Con Cuông, các công trình nước sạch tự chảy ở các huyện miền núi khác cũng bị hư hỏng do không được bảo vệ.
Để tìm hiểu nguyên nhân vì sao các công trình nước sạch tự chảy nhanh chóng bị hư hỏng, chúng tôi đã vào tận xã Yên Khê - nơi đang có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong mùa nắng nóng.
Người dân nơi đây cho biết: Công trình nước sạch tự chảy của xã được đầu tư xây dựng năm 2001, với số vốn gần 2 tỉ đồng để phục vụ bà con các thôn, bản: Trung Chính, Khe Tín, Trung Thành, Trung Yên. Theo thiết kế, công trình cấp nước cho 5 - 7 hộ chung một bể nằm giữa các hộ để tiện sử dụng.
Tuy nhiên, khi công trình hoàn thành, mặc dù bàn giao cho chính quyền quản lý nhưng không ai chịu trách nhiệm. Bà con phải tự mua ống, xây bể đưa nước về nhà mình. Hậu quả là chỉ vài năm sau, công trình đã bị xuống cấp, hư hỏng.
Một người dân ở bản Khe Tín cho biết: Mùa hè năm 2001, khi công trình nước sạch tự chảy hoàn thành đưa vào sử dụng, bà con phấn khởi lắm bởi cả ngàn đời nay mới có dòng nước mát lành về tận bản. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, các bản đầu nguồn tự ý xây bể, lắp ống về tận nhà. Vì thế, nguồn nước sạch ở các bản cuối nguồn chảy rất yếu.
Sau đó, nhiều gia đình đầu nguồn tiếp tục xây bể riêng nên cuối nguồn nước không chảy về nữa. Bà con các bản cuối nguồn thấy bất công nên một số người lên tận đầu nguồn ngăn dòng chảy, phá ống, hậu quả là công trình hư hỏng hoàn toàn.
Một số công trình khác do không ai quản lý, sau khi sử dụng xong không khóa vòi nên nước chảy cả ngày đêm làm hư hỏng đường sá, hoa màu của bà con. Tình trạng công trình nước sạch tự chảy không ai quản lý, khi hư hỏng nhỏ không ai sửa chữa, khắc phục, dẫn đến công trình nhanh chóng bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Thời điểm này, nắng nóng đang diễn ra gay gắt, đặc biệt là ở các huyện miền núi rẻo cao, trong khi các công trình nước sạch tự chảy bị hư hỏng nên bà con phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch.
Thời gian qua, đã có nhiều văn bản kiến nghị sửa chữa, khắc phục công trình nước sạch tự chảy phục vụ bà con các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, nếu không có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ thì tình trạng các công trình nước sạch tự chảy nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng sẽ còn tiếp tục tái diễn…
Phùng Văn Mùi