Kinh tế xã hội
'TPP đem lại lợi ích cho các quốc gia, khu vực và thế giới'
Tổng thống Barack Obama vẫn khẳng định sự tự tin về TPP với lý do: đây là một quyết định đúng đắn, tốt cho nước Mỹ, tốt cho khu vực và cho thế giới.
Với việc Tổng thống Barack Obama khẳng định tin tưởng vào khả năng Quốc hội Mỹ sẽ thông qua TPP tại cuộc họp báo chung chiều 23-5 với Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Việt Nam, tiến trình phê chuẩn Hiệp định này được kỳ vọng sẽ có những bước thuận lợi, bởi hiện nay rất nhiều quốc gia trong Hiệp định vẫn đang nghe ngóng động thái từ Mỹ.
Tổng thống Barack Obama tại cuộc họp báo chiều 23-5. (Ảnh: tuoitre.vn) |
Không phủ nhận những khó khăn trong quá trình hình thành các hiệp định thương mại, Tổng thống Barack Obama vẫn khẳng định sự tự tin về TPP với lý do: đây là một quyết định đúng đắn, tốt cho nước Mỹ, tốt cho khu vực và cho thế giới.
Thứ nhất, lợi ích về thương mại là không thể phủ nhận bởi TPP là khu vực tăng trưởng nhanh nhất của thế giới, hầu hết các nước trong TPP đều đã xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ và việc loại bỏ hơn 18.000 loại thuế với hàng hóa của Mỹ - theo Tổng thống Barack Obama, sẽ đem lại lợi ích lớn cho việc kinh doanh và người lao động Mỹ.
Thêm vào đó, việc TPP ra đời, trong đó các nước cam kết những tiêu chuẩn nhất định về lao động, môi trường cũng giúp nâng cao chuẩn mực về các vấn đề này. Mặc dù, chính quyền của Tổng thống Barack Obama luôn rất quyết tâm trong việc biến TPP thành sự thật và thúc đẩy việc Quốc hội Mỹ thông qua trước kỳ bầu cử Tổng thống mới, song theo nhận định của Bộ Công Thương, khả năng đạt được điều này là khó khăn, rất có thể phải đến khi nhiệm kỳ Tổng thống mới bắt đầu, TPP mới được xem xét đến.
Doanh nghiệpViệt Nam sẽ được hưởng lợi khi Hiệp định TPP được ký kết. Ảnh: Quốc Tuấn. |
Về phía Việt Nam, Chính phủ khẳng định quyết tâm trở thành một trong các thành viên đầu tiên của TPP bằng cách chuẩn bị đầy đủ cơ sở để phục vụ việc Quốc hội thông qua Hiệp định trong thời gian sớm nhất.
Theo Bộ Công Thương, riêng với đối tác Mỹ, tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực, khoảng 98% kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam vào nước này (bao gồm cả tôm, cá và gạo) và 75% kim ngạch hàng công nghiệp (dệt may tính riêng) sẽ được miễn thuế nhập khẩu. Riêng với dệt may, ngay khi hiệp định có hiệu lực, gần 95% dòng thuế sẽ hoặc là được xóa bỏ hoàn toàn hoặc là giảm mạnh với mức 35% – 50%.
Mức giảm này tương ứng với 63,5% tổng tiền thuế nhập khẩu mà Mỹ thu vào hàng dệt may của ta trong năm 2014 (tương đương hơn 1,1 tỷ USD); các năm tiếp theo còn giảm hơn nhiều. Các dòng thuế còn lại có lộ trình xóa bỏ dài hơn (tối đa là 12 năm) nhưng mức giảm ban đầu là đủ để tạo ra lợi thế đáng kể cho xuất khẩu của ta.
Tất nhiên, để hưởng thuế suất ưu đãi, mặt hàng dệt may sẽ phải đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Quy tắc này một mặt là thách thức, nhưng mặt khác lại là động lực thúc đẩy các DN đầu tư vào công nghiệp dệt, giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm may xuất khẩu và giúp ngành dệt may phát triển bền vững trong dài hạn.
Về giày dép, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 85% số dòng thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ hoàn toàn, 5% sẽ giảm dần đều về 0% trong vòng 5 – 7 năm và 3, 4% sẽ được cắt giảm ngay 50% – 55% thuế. Với công thức cắt giảm này, ngay khi TPP có hiệu lực, ta sẽ giảm được 73,2% tiền thuế phải nộp (tương đương 283 triệu USD tính theo kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 2012 – 2014) và sẽ tiếp tục giảm nhiều hơn trong các năm tiếp theo.
Khi Hiệp định TPP có hiệu lực, gần 95% dòng thuế với dệt may sẽ được xóa hoặc giảm mạnh. Ảnh minh họa. |
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế ngay khi TPP có hiệu lực và 86,5% số dòng thuế sau 3 năm tiếp theo. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5 – 10 năm. Đối với một số mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, ta yêu cầu lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan, như: ôtô con dưới 3.000 phân khối, thịt gà, sắt thép có lộ trình 10 năm hoặc trên 10 năm; thịt lợn có lộ trình từ 7 đến 9 năm.
Đối với rượu, bia, thuốc lá, Việt Nam đồng ý đưa thuế về 0% sau lộ trình dài (7 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa). Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tùy ý áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết tiêu dùng, vì TPP cho phép ta toàn quyền áp dụng thuế trong nước, miễn là không phân biệt đối xử giữa hàng nội và hàng ngoại. Riêng lá thuốc lá có lộ trình cắt giảm thuế là 20 năm. Với ôtô đã qua sử dụng, ta áp dụng hạn ngạch thuế quan, chỉ cho phép nhập khẩu miễn thuế một số lượng nhỏ (150 chiếc/năm).
Về vai trò của Việt Nam trong TPP, Bộ Công Thương cho rằng các nước đánh giá cao Việt Nam bởi các lý do:
Một là trong tiến trình thực hiện đường lối đổi mới vừa qua, Việt Nam đã chứng tỏ là một quốc gia năng động, nhất quán thi hành đường lối hội nhập quốc tế, nghiêm túc trong việc thực thi cam kết quốc tế, có môi trường chính trị ổn định và đang có vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực, là một đối tác quan trọng trong hiện tại và tương lai, có thể giúp tăng ảnh hưởng của TPP.
Thứ hai là Việt Nam có quy mô dân số đáng kể, nền kinh tế phát triển năng động, hứa hẹn trở thành thị trường có sức tiêu thụ lớn, là điểm đến được DN các nước, nhất là ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương hết sức quan tâm. Ba là Việt Nam là nước đang phát triển, nhưng so với nhiều nước đang phát triển khác, thì trình độ còn thấp hơn.
Việc Việt Nam có thể tham gia thành công vào TPP sẽ là bằng chứng thuyết phục về việc TPP thực sự quan tâm đến các nước đang phát triển (thông qua các biện pháp đa dạng để hỗ trợ một nước đang phát triển thực thi các tiêu chuẩn cao của TPP). Đây là yếu tố quan trọng, giúp thu hút các nước có trình độ phát triển kinh tế chưa cao cùng tham gia vào TPP để TPP có thể mở rộng trong tương lai.
Theo Báo CAND