Kinh tế xã hội
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Hãy lên tiếng!
(Congannghean.vn)-Sữa bị đổi màu, sản phẩm đã quá hạn sử dụng, thiết bị hỏng hóc khi mới đưa vào sử dụng... là những tình huống oái oăm mà không ít lần người tiêu dùng gặp phải. Tuy nhiên, khi gặp các trường hợp trên, không phải ai cũng chủ động liên lạc với các đơn vị chức năng, doanh nghiệp để được giải quyết yêu cầu, quyền lợi chính đáng của bản thân do thiếu kiến thức về quyền lợi người tiêu dùng, cộng với tâm lý e ngại, “tặc lưỡi cho qua”... Điều đó cho thấy, câu chuyện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn khó khăn.
Người tiêu dùng cần được hướng dẫn về cách bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân |
Theo ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nghệ An, trung bình 1 năm, Hội đã tư vấn giải quyết khoảng 10 vụ khiếu nại và 10 - 15 vụ việc qua điện thoại của người dân. Trong 10 vụ việc mà người dân nhờ Hội hỗ trợ tư vấn, có 9 việc đã giải quyết thành công, 1 vụ khiếu nại đang chờ giải quyết, chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Chia sẻ về nguyên nhân khiến các vấn đề liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng chưa được chú trọng, ông Hùng cho biết: “Đa phần người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh còn có tâm lý e ngại, sợ phiền phức, do đó không chủ động phản ánh, khiếu nại khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, chỉ khi nào tài sản có giá trị lớn thì mới chủ động liên lạc và nhờ tới sự hỗ trợ của Hội”.
Theo quy định của pháp luật, người tiêu dùng có quyền được đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp”. Đây là một trong 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng đã được quy định tại Điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Người dân cần lên tiếng để được bảo vệ quyền lợi khi mua phải hàng hóa không đảm bảo chất lượng - Ảnh minh họa |
Trên thực tế, quyền lợi của người tiêu dùng đang bị ảnh hưởng tại nhiều nơi và trên nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, khi bị xâm phạm quyền lợi, chỉ một số ít người tiêu dùng liên hệ với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng để được bảo vệ, còn nhiều trường hợp do lo ngại mất thời gian, tiền bạc, công sức đi lại nên đành “tặc lưỡi cho qua” và chấp nhận thiệt thòi.
Điều đáng nói là những cơ sở sản xuất, đơn vị nhập khẩu, doanh nghiệp phân phối cũng “điềm nhiên” bỏ qua quyền lợi của khách hàng, do người tiêu dùng còn xem nhẹ quyền lợi của chính họ.
Tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, việc người dân liên hệ và được giải quyết quyền lợi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hiện đang xuất hiện nhiều tại các địa bàn miền núi, nơi điều kiện kinh tế, sinh hoạt của người dân còn hạn chế.
Lợi dụng sự kém hiểu biết về sản phẩm của bà con, các đối tượng mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng đã đem bán các sản phẩm cho bà con với giá rẻ. Khi thấy sản phẩm không đảm bảo chất lượng, bà con lại không biết cách liên hệ với cơ quan liên quan để được giải quyết.
Thời gian gần đây, các mô hình trung tâm thương mại, siêu thị xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này đã tạo thuận lợi đáng kể trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mô hình này giúp người tiêu dùng phần nào nhận biết được chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và việc đảm bảo quyền lợi bằng các hoạt động bảo trì, bảo hành sau giao dịch.
Ngoài ra, mỗi khi có vấn đề, vụ việc xảy ra cũng dễ liên hệ để giải quyết. Tuy nhiên, ở thị trường truyền thống, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn tồn tại nhiều bất cập. Đây là khu vực với các giao dịch kiểu cũ, mua bán trên cơ sở thỏa thuận miệng nên gây cản trở lớn cho các hoạt động quản lý Nhà nước, dẫn đến khó khăn trong việc bảo vệ quyền và các lợi ích của người tiêu dùng.
Thời gian tới, các đơn vị chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng hoặc không có nguồn gốc, xuất xứ nhằm tạo ra thị trường lành mạnh, hình thành nền tảng vững chắc phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, chính bản thân người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm, chủ động liên hệ với cơ quan liên quan để được giải quyết quyền lợi một cách kịp thời.
Mai Hậu