Kinh tế xã hội
Khó vận động học sinh, sinh viên tham gia BHYT
09:08, 25/12/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Theo quy định của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) từ ngày 1/1/2010, học sinh, sinh viên (HS, SV) là đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa bao giờ tỉ lệ HS, SV tham gia bảo hiểm đạt 100%. Điều này khiến quyền lợi của người tham gia BHYT không được đảm bảo. Không những thế, công tác khám, chữa bệnh qua kênh BHYT cũng chưa được hiệu quả.
Mức đóng BHYT của HS, SV bằng 3% mức lương tối thiểu hàng năm và không phân biệt khu vực thành thị, nông thôn. HS, SV tham gia BHYT được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần, tối thiểu bằng 30% mức đóng (hiện nay, mức đóng là 289.800 đồng/thẻ). Riêng HS, SV thuộc hộ nghèo, cận nghèo và thân nhân sĩ quan được hỗ trợ theo mức quy định của Chính phủ. Ngoài phần được ngân sách hỗ trợ theo quy định, nhiều tỉnh, thành phố còn hỗ trợ thêm từ 20 - 50% mức đóng BHYT cho HS, SV. Dù đã có bước thay đổi cơ bản về chính sách, nhưng số phần trăm HS, SV còn lại chưa mặn mà với BHYT khiến cho những người làm công tác bảo hiểm, giáo dục không khỏi băn khoăn.
Việc học sinh tham gia BHYT sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho các em trong việc khám, chữa bệnh - Ảnh minh họa |
Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An, đến tháng 5/2014, toàn tỉnh có 549.315 HS, SV đang theo học tại các cơ sở giáo dục nhưng mới chỉ có 486.420 HS, SV tham gia BHYT, đạt 88,55%. Tại TP Vinh, một trong những địa phương có tỉ lệ HS, SV tham gia bảo hiểm y tế ở mức cao nhưng vẫn còn một số trường học có tỉ lệ tham gia thấp, nhất là ở khối tiểu học. Tính đến ngày 1/12/2014, tỉ lệ HS, SV toàn thành phố tham gia BHYT trên cả 4 nhóm tiểu học, THCS, THPT và khối chuyên nghiệp đạt 95,71%. Ở khối tiểu học có tổng số 20.697/23.311 học sinh tham gia BHYT, chưa kể 7.112 thuộc diện đối tượng khác, đạt 91,84%. Khối THCS có 12.770/14.220 học sinh tham gia BHYT, đạt 96,23%. Khối THPT có 8.689/9.998 học sinh tham gia BHYT, đạt 97%. Khối chuyên nghiệp là 20.154/21/294 học sinh tham gia BHYT.
Ông Trần Văn Huyên, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố cho biết, tại TP Vinh, tỉ lệ HS, SV tham gia BHYT không đồng đều, một số trường ở vùng giáo có tỉ lệ HS, SV tham gia thấp hơn so với các trường khác. Đơn cử như xã Nghi Phú. Vào đầu năm học, nhà trường có nhiều khoản thu đã tạo áp lực đối với các bậc phụ huynh, nhất là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có nhiều con em đi học nên khó khăn trong việc đóng BHYT. Một trong những cái khó nữa ảnh hưởng đến việc tham gia BHYT, đó là cách thu ở địa phương và nhà trường có sự chồng chéo. Theo quy định, đối với HS, SV hộ cận nghèo do địa phương xét duyệt, còn các HS, SV khác tham gia BHYT tại trường, việc xác nhận của bản thân học sinh đã có thể khác nhau.
Tại các trường chuyên nghiệp, tỉ lệ học sinh tham gia cũng rất thấp, như Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An, năm học 2013 - 2014 chỉ đạt tỉ lệ 31%, Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật Việt - Đức đạt tỉ lệ 37%... Theo ông Huyên, sở dĩ tỉ lệ HS, SV ở khối chuyên nghiệp tham gia BHYT ngày càng thấp. Theo quy định mới, thu tiền BHYT theo từng năm học chứ không thu theo khóa như trước đây, vì thế phần lớn HS, SV năm đầu còn tham gia BHYT, những năm học sau đó thì rất khó vận động tham gia.
HS, SV là đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT, tuy nhiên, đối tượng này vẫn chưa nhận thức được trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia BHYT. Sở dĩ tình trạng này tồn tại trong nhiều năm là vì, các nhà trường chưa quyết liệt trong việc tuyên truyền, vận động HS, SV. Hiện nay, theo quy định về đối tượng HS, SV tham gia BHYT đã rất rõ ràng, nhưng chế tài xử lý thì lại không có. Ông Trần Văn Huyên, Giám đốc BHXH TP Vinh cho biết, ngoài việc tích cực tuyên truyền rộng rãi trong trường học, phải gắn trách nhiệm đối với hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm.
Để nâng cao hiệu quả việc tuyên truyền, vận động HS, SV tham gia BHYT, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn và BHXH đã có nhiều văn bản hướng dẫn việc HS, SV tham gia BHYT. Tuy nhiên, HS, SV vẫn chưa nhận thức được trách nhiệm và quyền lợi của mình khi tham gia BHYT. Bên cạnh đó, thủ tục thanh toán BHYT tại các phòng y tế học đường còn khá phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của phụ huynh lẫn học sinh. Vào đầu năm học, các nhà trường sẽ được cấp kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS, SV là 12% trên tổng số thu BHYT. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu HS, SV không tham gia BHYT không may bị tai nạn thì vẫn được phòng y tế học đường sơ cứu ban đầu. Điều này nếu kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt kinh phí.
Để HS, SV tự nguyện tham gia BHYT đạt mục tiêu 100% cần có sự vào cuộc quyết liệt của các trường học để đảm bảo quyền lợi của HS, SV, tiến tới thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.
Huyền Thương