Gia đình xã hội
HSSV nghèo, cận nghèo hệ dân sự thuộc học viện, nhà trường Quân đội được hỗ trợ mức đóng BHYT
Đây là một trong những nội dung quan trọng tại Thông tư số 143/2020/TT-BQP về việc Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
Cụ thể, từ ngày 21/1/2021- ngày Thông tư số 143/2020/TT-BQP có hiệu lực, HSSV hệ dân sự trong các học viện, nhà trường Quân đội và Cơ yếu được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với HSSV thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình Hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo và các huyện được áp dụng cơ chế chính sách theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT đối với HSSV thuộc hộ cận nghèo và hộ nghèo đa chiều (Nghị định số 146/2018/NĐ-CP); hỗ trợ ít nhất 30% mức đóng BHYT đối với HSSV khác. BHXH Bộ Quốc phòng thực hiện cấp thẻ BHYT đối với các đối tượng theo quy định. Tham gia BHYT liên tục kể từ lần thứ hai trở đi thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước.
Thời gian tham gia thẻ BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 3 tháng. Thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ, học viên cơ yếu, sau khi khám sức khỏe, ổn định tổ chức, biên chế và lập lý lịch, đơn vị tiếp nhận hướng dẫn kê khai, thẩm định và lập danh sách thân nhân đủ điều kiện hưởng chế độc BHYT, báo cáo BHXH Bộ Quốc phòng. Thời hạn sử dụng thẻ BHYT tương ứng thời hạn phục vụ tại ngũ đối với thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự hoặc 24 tháng đối với thân nhân học viên các trường quân sự, học viên cơ yếu.
Theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ, đối tượng tham gia BHYT thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, tổ chức cơ yếu và thân nhân của quân nhân tại ngũ, thân nhân của người làm công tác cơ yếu và người làm công tác khác trong Ban Cơ yếu Chính phủ, thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng bao gồm:
- Nhóm do NSDLĐ, NLĐ đóng BHYT: Công nhân và viên chức Quốc phòng; NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; Người làm công tác khác thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ; Trí thức trẻ tình nguyện (Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 29/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ).
- Nhóm do ngân sách nhà nước đóng BHYT: Học viên Quốc phòng- an ninh (Quyết định số 607/QĐ-TTg ngày 24/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ), học viên đào tạo cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự cấp xã hệ tập trung (Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 25/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ); Học viên quân sự quốc tế đang học tập trong các nhà trường Bộ Quốc phòng theo các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc do Nhà nước mời, đài thọ; thân nhân sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ đang tại ngũ và thân nhân của người làm công tác cơ yếu, học viên cơ yếu.
- Nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT: HSSV hệ dân sự trong các học viện, nhà trường Quân đội và Cơ yếu.
- Nhóm do NSDLĐ đóng BHYT: Thân nhân của công nhân, viên chức Quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội (Nghị định số 146/2018/NĐ-CP); Thân nhân người làm công tác khác thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ.
PV