Gia đình xã hội
Chuyển tuyến bệnh viện, vì sao khó?
09:06, 03/05/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Thời gian vừa qua, nhiều bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, phản ánh tình trạng bệnh nhân thấy “bất an” khi điều trị tại cơ sở, muốn được chuyển tuyến đến bệnh viện tuyến tỉnh hoặc Trung ương, nhưng luôn bị các bệnh viện gây khó dễ; một số trường hợp khác bắt buộc phải qua “cò” mới đạt được nguyện vọng. Vì đâu lại có sự khó dễ này trong ngành Y tế hiện nay?
Ông Nguyễn Văn C. trú tại huyện Yên Thành, bị đau đầu kinh niên, điều trị nhiều lần tại Bệnh viện đa khoa huyện Yên Thành nhưng không khỏi. Ông C. có tâm nguyện muốn được chuyển vào Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An nhưng phía Bệnh viện huyện Yên Thành không giải quyết, đề nghị ông C. ở lại điều trị theo phác đồ. Cực chẳng đã, ông C. đã phải nhờ đến “cò” để được chuyển đi, chấp nhận theo con đường qua Bệnh viện 115 rồi mới lên được Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An để điều trị theo nguyện vọng. Chị Đoàn Thị N. trú tại huyện Tân Kỳ nhập viện khám để chuẩn đoán bệnh ung thư tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Do thời gian chờ đợi quá lâu nhưng chưa có kết quả, chị này có nguyện vọng muốn chuyển ra Bệnh viện K Trung ương để làm các kết quả xét nghiệm, nhưng không chuyển được vì bệnh viện “giữ” lại.
Việc chuyển viện đúng tuyến, đúng chuyên môn, đúng quy định là đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân |
Để đạt được nguyện vọng, nhiều bệnh nhân đã chấp nhận chi cho một số đối tượng chuyên “cò” chuyển tuyến, hoạt động ở các bệnh viện trên địa bàn. Trước đây, tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, tình trạng “cò” chạy chuyển tuyến này diễn ra khá công khai, khi có hai người đàn ông hoạt động như hai “đường dây” độc lập, chuyên chèo kéo, ngã giá với bệnh nhân khi có nhu cầu chuyển viện lên tuyến trên để điều trị. Thậm chí, lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu cũng đã thừa nhận, trước đây có sự kết nối giữa những tay “cò” này với một số nhân viên trong bệnh viện để làm các dịch vụ khám nhanh, chuyển tuyến cho bệnh nhân. Sau khi bệnh viện nắm được thông tin, đã kỷ luật những cán bộ nói trên nên tình trạng “cò” giảm, không còn diễn ra công khai.
Sở dĩ có tình trạng này là do nhu cầu của người bệnh luôn muốn được khám tại những cơ sở y tế có chất lượng cao hơn. Trong khi đó, việc chuyển tuyến đã được quy định rất rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật của ngành Y. Cụ thể, Điều 5, Thông tư 37/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT nêu rõ: “Các cơ sở khám, chữa bệnh chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên khi bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của đơn vị hoặc bệnh phù hợp nhưng do đơn vị không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị. Trước khi chuyển tuyến, người bệnh phải được hội chẩn và có chỉ định chuyển tuyến”.
Ngoài ra, tại Hướng dẫn liên ngành số 3415/HDLN: YT-BHXH ngày 27/12/2018 của liên ngành Y tế và BHXH tỉnh Nghệ An cũng đã quy định các cơ sở khám, chữa bệnh đa khoa, chuyên khoa tuyến huyện và tương đương, khi vượt quá chuyên môn kỹ thuật thì chuyển bệnh nhân đến các Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Quân y 4, Đa khoa khu vực Tây Bắc và Tây Nam, các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc tỉnh để tránh quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, hướng dẫn này ngay sau đó đã bị Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam - thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam “phản pháo” cho rằng một số nội dung hướng dẫn thực hiện chuyển tuyến khám, chữa bệnh như hướng dẫn có dấu hiệu “quy định, chỉ định” thực hiện chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT, đi ngược lại chủ trương bình đẳng, không phân biệt giữa cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.
Hiện nay, tình trạng người bệnh phản ánh việc chuyển tuyến gặp khó khăn, theo lý giải của các chuyên gia y tế, có thể có nhiều nguyên nhân. Trong đó, một số bệnh nhân nhẹ chưa vượt khả năng chuyên môn của bệnh viện, nhưng do tâm lý muốn điều trị tuyến trên. Bên cạnh đó, một số bệnh nhân có thể mắc bệnh nặng, ở các huyện đi điều trị vượt tuyến, quá trình điều trị phải nộp tiền viện phí quá cao nên không có khả năng, nên đã quay về bệnh viện gần tuyến dưới để xin giấy chuyển viện, khi các bệnh viện này không cấp giấy thì cho rằng bệnh viện gây khó dễ. Việc này là không được phép, vì không có bệnh nhân, ngoài ra còn vi phạm chính sách thông tuyến đã được ban hành. Bên cạnh đó, bệnh nhân gặp khó khăn khi chuyển tuyến là do yêu cầu chuyển tuyến không đúng chuyên môn. Trong thực tế, không ít bệnh nhân và người nhà đòi hỏi chuyển ngay tuyến cao hơn, trong khi năng lực của các tuyến vẫn giải quyết được. Đây là tình huống chuyển tuyến không đúng quy định và quyền lợi thanh toán BHYT của bệnh nhân sẽ không được hưởng tối đa.
Tại Bệnh viện đa khoa TP Vinh, thời gian vừa qua có hiện tượng bệnh nhân phản ánh về việc đang điều trị tại đây, khi muốn chuyển lên tuyến trên thì gặp khó khăn. Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Hồng Trường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa TP Vinh khẳng định: Tại Bệnh viện đa khoa TP Vinh, tuyệt đối không có tình trạng giữ bệnh nhân nặng khi vượt quá khả năng điều trị. Kể cả một số trường hợp, bệnh nhân chưa vượt khả năng điều trị, nhưng vì lý do nào đó gia đình có ý kiến muốn xin chuyển tuyến trên, bệnh viện vẫn sẵn sàng viết giấy chuyển tuyến. Số liệu thống kê cho thấy, tính riêng năm 2019, tại bệnh viện này tỉ lệ người bệnh chuyển tuyến là 1%, tương đương với trung bình mỗi ngày bệnh viện chuyển tuyến cho khoảng 20 bệnh nhân. Do đó, không có chuyện Bệnh viện đa khoa TP Vinh gây khó dễ cho bệnh nhân khi có yêu cầu chuyển tuyến như phản ánh, kiến nghị.
Để thực hiện tốt hơn nữa vấn đề này, Sở Y tế Nghệ An ngày 9/1/2019 đã ban hành Công văn số 95/STY-NVY, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh “Thực hiện việc chuyển tuyến người bệnh theo quy định tại các Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14/10/2014 của Bộ Y tế quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám, chữa bệnh; Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2016 của Bộ Y tế quy định đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT và Hướng dẫn liên ngành số 3415/LN: YT-BHXH ngày 27/12/2018 về việc đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện, tổ chức tư vấn hướng dẫn làm thủ tục chuyển tuyến cho người bệnh trong trường hợp có chỉ định chuyển tuyến đầy đủ, kịp thời. Nghiêm cấm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân. Theo lộ trình, đến năm 2021, khám, chữa bệnh BHYT sẽ được mở thông tuyến hoàn toàn. Lúc này, cùng với việc các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh thì người dân không còn phải chuyển tuyến.
THIỆN THÀNH