Gia đình xã hội

Chống dịch như chống giặc ở bệnh viện dã chiến

10:15, 09/03/2020 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Đó là mục tiêu phấn đấu của cả tập thể lãnh đạo và các y, bác sĩ khi được cử luân phiên đến công tác tại Bệnh viện (BV) dã chiến phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 của TP HCM tại huyện Củ Chi, tất cả vì sức khoẻ, tính mạng của bệnh nhân.
 
Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 10/2/2020, tính đến nay BV dã chiến phòng, chống bệnh COVID-19 của thành phố tại huyện Củ Chi đã hoạt động gần tròn 1 tháng. 
 
Khác với các khu cách ly tập trung khác của thành phố vừa mới đi vào hoạt động, BV dã chiến được Sở Y tế giao nhiệm vụ thực hiện cùng lúc “2 vòng cách ly”, đó là: Cách ly vòng 1, tức cách ly điều trị những trường hợp nhiễm bệnh COVID-19 có xét nghiệm dương tính và những trường hợp nghi ngờ; cách ly vòng 2, tức cách ly tập trung những trường hợp có yếu tố dịch tễ (đến từ vùng dịch, các trường hợp tiếp xúc với ca mắc dương tính nhưng chưa có triệu chứng).
 
Sở Y tế thành phố cho biết, sau 1 tháng hoạt động, công suất sử dụng của BV dã chiến đã tăng lên đến 90%, tức là trên 300 giường bệnh đã hoạt động tối đa công suất, chủ yếu sử dụng cho cách ly vòng 2. Tuy nhiên, BV vẫn cố gắng giữ 10% công suất giường bệnh để sẵn sàng tiếp đón ca mắc dương tính hoặc ca nghi ngờ.
 
Với 2 nhiệm vụ chính được giao như trên, đặc biệt là nhiệm vụ 1 và yêu cầu khẩn trương đáp ứng tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19, công tác hình thành bệnh viện dã chiến đã được triển khai trong một thời gian ngắn, nhưng luôn được chú trọng đảm bảo tính chuyên nghiệp về cơ sở phòng ốc đúng nghĩa của một bệnh viện, và tính chuyên nghiệp của y bác sĩ tham gia công tác tại BV dã chiến. 
 
Sau 1 tháng đưa vào hoạt động, có thể nói những yêu cầu bắt buộc trên đã được thực hiện nghiêm túc với sự tham gia và hỗ trợ nhiệt tình của Bộ Tư lệnh thành phố và nhất là các y bác sỹ của BV trực thuộc Sở Y tế.
Hình ảnh X-quang chụp trên xe di động nhưng được chuyển tải ngay về bệnh viện tuyến cuối để bác sĩ chuyên khoa đọc kết quả.
Hình ảnh X-quang chụp trên xe di động nhưng được chuyển tải ngay về bệnh viện tuyến cuối để bác sĩ chuyên khoa đọc kết quả.
Theo Sở y tế thành phố, tính chuyên nghiệp đầu tiên thể hiện ngay trong kết cấu, sắp xếp về cơ sở, phòng ốc của  BV dã chiến. Đó là việc chọn khối nhà nào theo hướng gió để bố trí phòng cách ly người bệnh có triệu chứng; tiếp đó là triển khai hồ xử lý nước thải y tế đảm bảo an toàn môi trường xung quanh; lắp đặt các phòng cách ly áp lực (âm) dùng để cách ly người bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính; giường bệnh được lắp đặt trong BV dã chiến là giường bệnh chuyên dụng của ngành Y tế; và Phòng xét nghiệm, X-quang, siêu âm là kết cấu di động nhưng được kết nối đến các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện thành phố để đọc kết quả.
 
Ngoài ra, các khu vực cách ly đối với một bệnh lây nhiễm đạt chuẩn quốc tế. Đây có thể được coi là mô hình mẫu về bố trí các khu vực cách ly đối với một bệnh lây nhiễm trong một bệnh viện. 
 
6 khu nhà của BV dã chiến được sắp xếp thành 4 khu vực riêng biệt: khu vực dành cho người bệnh có kết quả xét nghiệm chẩn đoán dương tính, các phòng cách ly khu vực này đều có áp lực âm đúng theo chuẩn quốc tế; khu vực dành cho người bệnh có kết quả xét nghiệm âm tính; khu vực dành cho người bệnh có triệu chứng, làm xét nghiệm và chờ kết quả, mỗi người bệnh được bố trí riêng 1 phòng cho đến khi có kết quả sẽ được chuyển sang khu vực phù hợp; và khu vực cách ly kiểm dịch, có yếu tố dịch tễ nhưng chưa có triệu chứng. Với cách sắp xếp này sẽ hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan mầm bệnh trong số những người cách ly.
 
Tuy là dã chiến nhưng nơi đây vẫn mang đầy đủ yếu tố của một bệnh viện chuyên nghiệp với sự duy trì hoạt động khoa học và đào tạo. COVID-19 là một bệnh lây nhiễm hoàn toàn mới, việc kết hợp công tác chăm sóc với công tác nghiên cứu khoa học là vô cùng cần thiết, được BV Bệnh Nhiệt đới phối hợp BV dã chiến thực hiện. 
 
Từ khi đi vào hoạt động ngày 10/2 tới nay, BV dã chiến đã tổ chức 3 khoá đào tạo liên tục cho nhân viên y tế của toàn ngành về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng, chống lây nhiễm mầm bệnh cho nhân viên y tế khi chăm sóc người bệnh. 
 
Với sự hướng dẫn của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kiểm soát nhiễm khuẩn, nhân viên công tác tại BV dã chiến được tập huấn thành thạo và trở thành một hướng dẫn viên đúng nghĩa về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn khi trở về công tác tại bệnh viện.
 
Một thực tiễn đang diễn ra trong hoạt động tại đây, đó là mọi hoạt động đều hướng đến sự hài lòng của khách hàng, một phong trào đã được khơi dậy trong ngành, đến nay đã trở thành tiềm thức của hầu hết cán bộ, viên chức ngành Y tế hiện đang công tác tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố, và dần được đưa vào hoạt động thường quy.

Nguồn: CAND

Các tin khác