Gia đình xã hội
Phẫu thuật ngón tay 'cò súng' cho bệnh nhi 8 tháng tuổi
(Congannghean.vn)-Ngón tay cò súng (trigger finger) hay còn gọi là ngón tay lò xo, ngón tay bật, là hiện tượng ngón tay cử động không linh hoạt, bị khựng lại hoặc nặng hơn khi ngón tay không thể tự duỗi ra được mà luôn ở tư thế như “cò súng”.
Người thân của bé T.N.A (8 tháng tuổi, ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, thời gian gần đây, gia đình thường xuyên quan sát thấy ngón cái hai tay của cháucử động khó khăn khi cố gắng nắm một đồ vật nào đó. Ngón tay cái hai bên không thể trở về duỗi thẳng được bình thường mà cần phải sự hỗ trợ của bố mẹ để mở ra. Thỉnh thoảng bố mẹ phải dùng lực để duỗi ngón tay ra mới được, đôi khi còn gây đau cho bé.
Nhận thấy những dấu hiệu không bình thường từ ngón tay của con mình, gia đình bé A liền đưa con tới Bệnh viện Quốc tế Vinh để kiểm tra. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán ngón cái bàn tay hai bên của bé A mắc bệnh ngón tay cò súng (trigger finger). Đánh giá về tình trạng, phương pháp tập vật lý trị liệu không còn hiệu quả, bé A cần được phẫu thuật giải phóng ròng rọc A1 vị trí gân bị kẹt.
Ngón tay cái của bệnh nhân mắc “cò súng” không thể tự co duỗi bình thường |
Ca phẫu thuật được thực hiện bởi BSCKI Trần Văn Thuyên – Trưởng khoa Ngoại cơ xương khớp. Bệnh nhi được gây mê, sau đó bác sĩ tiến hành rạch da một đoạn nhỏ từ 0,5 – 1cm để giải phóng hoạt động của gân gấp ngón cái (nằm tại ròng rọc A1 tại khớp bàn ngón của ngón cái) giúp cho gân gấp trượt dễ dàng hơn. Kết thúc cuộc phẫu thuật, hai ngón tay cái của bé đã cử động bình thường như các ngón tay khác.
Các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Vinh cho biết, ngón tay cò súng đa số gặp ở người lớn, tuy nhiên bệnh lý cũng thường được phát hiện ở trẻ em với tỉ lệ 3/1000 trẻ dưới 1 tuổi, xuất hiện nhiều ở ngón tay cái và có thể ở cả hai bàn tay chiếm 25%. Tỉ lệ mắc phải ở nam nữ như nhau 1:1. Có 2 phương pháp điều trị bệnh lý này: Tập duỗi ngón tay kèm theo nẹp duỗi ngón, phương pháp này thường có tác dụng đối với trẻ dưới 1 tuổi. Trường hợp nặng hơn phải phẫu thuật, đây là những trường hợp ngón tay đã tập vật lý trị liệu nhưng không có kết quả. Phương pháp này áp dụng ở mọi lứa tuổi tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh.
Bệnh lý ngón tay cò súng tuy không nguy hiểm nhưng sẽ gây hạn chế hoạt động của bàn tay, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và cuộc sống.
Phẫu thuật rạch da một đoạn nhỏ từ 0,5 – 1cm để giải phóng hoạt động của gân gấp ngón cái, giúp cho gân gấp trượt dễ dàng hơn |
Các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Vinh khuyến cáo, người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc, đắp các loại thuốc lá. Trường hợp điều trị không đúng có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Khi có các biểu hiện bệnh như ngón tay gập cứng lại, co rút, không thể duỗi ra được nên tới bệnh viện có chuyên khoa cơ xương khớp để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
K. Chung