Gia đình xã hội
Thương binh thật 'vạ lây' vì thương binh giả
14:13, 12/06/2019 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Quá trình làm hồ sơ, do không có tên trong danh sách quân nhân bị thương lưu tại bản gốc ở đơn vị, hoặc không có tên trong danh sách nhập ngũ… nên không ít thương binh thật bị quy kết là thương binh giả, bị cắt hết mọi chế độ, bắt buộc truy thu khiến cuộc sống của những người này rơi vào cảnh khốn đốn.
Nỗi lòng của cựu binh bị quy kết thương binh giả
Ông Nguyễn Thế Thơ (SN 1958) trú tại xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương có đơn trình bày về việc bản thân bị “cắt” chế độ thương binh vì đã làm giả hồ sơ theo kết luận của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH). Theo ông Thơ, mình đã bị oan, dẫn đến nhiều hệ lụy không chỉ về kinh tế mà còn cả tinh thần. Mặc dù sự việc đã diễn ra từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Cụ thể, suốt hơn 4 năm qua, không chỉ số tiền hỗ trợ hằng tháng bị cắt, bản thân ông còn bị xóa tên khỏi Hội Cựu chiến binh, con cái làm hồ sơ kết nạp Đảng cũng bị đưa vào diện xem xét.
Theo trình bày của ông Thơ, tháng 4/1978, ông lên đường nhập ngũ, sau thời gian huấn luyện ông được phiên chế vào Trung đội vận tải, Tiểu đoàn 20, Trung đoàn 198 - Bộ Tư lệnh Đặc công. Sau đó ông được điều động tham gia làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Tháng 2/1979, trong một trận đánh, ông Thơ bị thương nặng, được đưa về Quân đoàn 3 chữa trị. Sau 1 tháng điều trị các vết thương đã hồi phục, ông cùng đồng đội lại nhận lệnh chi viện cho mặt trận biên giới phía Bắc. Tháng 3/1982, ông xuất ngũ trở về địa phương.
Ông Nguyễn Thế Thơ bên tập hồ sơ gốc của mình |
Kể từ ngày 1/6/2006, sau khi hoàn thiện các hồ sơ liên quan, ông Thơ được hưởng chế độ thương binh theo Quyết định số 7952/QĐ-NCC, với tỉ lệ thương tật là 37%, thương binh hạng 4/4. Đùng một cái, đến tháng 3/2015, ông Thơ được chính quyền địa phương thông báo “cắt” chế độ thương binh, theo Quyết định số 1263/QĐ-NCC Sở LĐ-TB&XH Nghệ An về việc đình chỉ trợ cấp thương tật và các chế độ ưu đãi đối với thương binh. Lý do cho rằng, ông Thơ đã “giả mạo danh sách quân nhân bị thương để hưởng chế độ thương binh”. Đồng thời, giao Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đô Lương truy thu số tiền ông Nguyễn Thế Thơ đã hưởng từ tháng 6/2006 đến tháng 3/2015.
Theo ông Thơ, quá trình thanh tra không ai trực tiếp đến làm việc với ông hay thẩm tra xác minh gì từ quá trình tham gia chiến đấu, hồ sơ quân nhân, quá trình bị thương của ông. Ông cũng không trực tiếp được xem Kết luận thanh tra số 178/KL-TTr. Trong khi đó, ông Thơ có “giấy chứng nhận thương tật” của Bộ Tư lệnh Đặc công, Đoàn đặc công 198, nêu rõ ông đã bị thương khi đang tham gia chiến đấu vào ngày 15/2/1979, đơn vị là Trung đội vận tải, Tiểu đoàn 20, Trung đoàn 198, Bộ Tư lệnh Đặc công. Nơi bị thương là thị trấn Tà Ly Phí, Tà Kẹo, Campuchia. Các vết thương cụ thể 2 mảnh đạn găm vào đầu, 2 mảnh vào chân trái, 2 mảnh vào lưng, 1 mảnh vào sườn trái. Sau khi bị thương đã điều trị tại Bệnh xá Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3. Ngày nhập viện 15/2/1979, ra viện ngày 16/3/1979. Giấy chứng nhận thương tật này được cấp theo danh sách thương binh quản lý tại đơn vị Đoàn Đặc công 198. Trong bản danh sách thương binh năm 1979, có dấu của Đoàn Đặc công 198 cũng xác thực ông có tên trong danh sách thương binh. Hiện, ông Thơ vẫn còn một số mảnh đạn trên người.
Ông Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho rằng, trường hợp của ông Nguyễn Thế Thơ, là căn cứ vào kết luận thanh tra của Bộ LĐ-TB&XH nên Sở không có thẩm quyền. Đối với trường hợp trên, nếu ông Thơ có các giấy tờ liên quan thì đưa lên Huyện đội để xem xét, sau đó sẽ trình lên Tỉnh đội và Quân khu 4. Nếu xét thấy có đủ các điều kiện thì Quân khu sẽ trình ra Thanh tra Bộ xem xét, từ đó mới có căn cứ để phục hồi chế độ.
Phục hồi chế độ cho 30 quân nhân
Được biết, các kết luận thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, trên địa bàn Nghệ An, có 846 đối tượng hưởng sai chế độ bị đình chỉ trợ cấp thương binh, với tổng số tiền phải truy thu lên tới hơn 119,3 tỉ đồng. Đến nay, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An đã truy thu được hơn gần 3 tỉ đồng, có 66 đối tượng hưởng sai đã qua đời nên không thể truy thu với số tiền hơn 6 tỉ đồng. Hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An đang quản lý và chi trả trợ cấp thường xuyên cho hơn 77.000 đối tượng người có công với số tiền chi trả gần 115 tỉ đồng mỗi tháng.
Trong số những trường hợp bị kết luận là thương binh giả, theo thừa nhận của Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Tân Dũng thì, trong số hàng trăm đối tượng bị đình chỉ cũng có những trường hợp thương binh thật nhưng vì làm hồ sơ giả quá đơn giản nên họ đã làm theo để được nhận trợ cấp nhanh hơn. Với những đối tượng này, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Nghệ An để hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ và hưởng chế độ đúng quy định. Trong một diễn biến khác, thông tin từ Phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An cho biết, Sở vừa có văn bản chỉ đạo các địa phương có 30 thương binh được phục hồi chế độ để trao quyết định khôi phục cho các thương binh bị đình chỉ chế độ sau một thời gian bổ sung các giấy tờ. Các thương binh này cũng sẽ được truy lĩnh các chế độ ưu đãi kể từ thời gian bị đình chỉ cho đến nay. Nguyên nhân, sau thời gian bị tạm đình chỉ chế độ thương binh, đến nay đã có 30 trường hợp bổ sung được giấy tờ gốc đảm bảo tính pháp lý và đơn vị cũ đã xác nhận các thương binh này có tên trong sổ đăng ký danh sách quân nhân bị thương hiện đang lưu tại đơn vị.
Trước đó, những trường hợp này nằm trong số bị đình chỉ chế độ theo kiến nghị của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH vì không đảm bảo các giấy tờ hoặc thiếu các giấy tờ liên quan. Những người này bị đình chỉ do không có tên trong danh sách quân nhân bị thương lưu tại bản gốc ở đơn vị hoặc có tên nhưng bị ghi chèn lên; không có tên trong danh sách nhập ngũ thuộc đơn vị được nhập trong hồ sơ... Sau khi có thông báo tạm dừng chế độ, các trường hợp này đã viết đơn, cung cấp giấy tờ bổ sung vào hồ sơ thương binh của mình. Được biết, hiện nay, Sở này đang yêu cầu các địa phương hướng dẫn cho thương binh bị đình chỉ bổ sung các giấy tờ cần thiết để kịp thời được khôi phục theo quy định. Còn đối với những trường hợp không thể bổ sung, cần truy thu chế độ theo quy định.
THIỆN THÀNH