Gia đình xã hội
Nỗ lực ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi
07:55, 08/06/2019 (GMT+7)
(Congangnhean.vn)-Hiện nay, tại Nghệ An, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang lây lan trên diện rộng và diễn biến hết sức phức tạp. Trước tình hình đó, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống; trong đó, tập trung tuyên truyền, kiểm soát chặt đàn lợn, đặc biệt là tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra vào tại các địa phương.
Dịch lây lan trên diện rộng
Trạm kiểm dịch động vật có nhiệm vụ kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào trên địa bàn |
Theo thông báo của Cục Thú y, tính đến ngày 2/6/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 3.464 xã, 335 huyện của 52 tỉnh, thành phố; buộc phải tiêu hủy trên 2,1 triệu con lợn. Đã có 111 xã thuộc 60 huyện của 24 tỉnh, thành phố công bố hết dịch; tuy nhiên, trong số đó có 43 xã thuộc 14 tỉnh phát dịch bệnh trở lại. Tại địa bàn Nghệ An, dịch bắt đầu xuất hiện từ ngày 13/3 và từ đầu tháng 5/2019 đến nay, dịch diễn biến rất phức tạp, lan ra nhiều xã, huyện trong tỉnh.
Tính đến 16 giờ ngày 6/6, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 515 hộ ở 168 xóm của 78 xã thuộc 16 huyện, thị. Tổng số lợn mắc bệnh tiêu hủy 2.146 con, với trọng lượng 89.630 kg. Đã có 9 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 7 huyện, thị gồm Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Đô Lương, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Nghi Lộc đã công bố hết dịch; thời gian qua đã có xã Quỳnh Xuân tái phát dịch trở lại. Có 70 ổ dịch chưa qua 30 ngày (tại 505 hộ gia đình ở 157 xóm tại 70 xã) thuộc 13 huyện: Nam Đàn, Thanh Chương, Nghi Lộc, Diễn Châu, TX Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Anh Sơn, Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Yên Thành, TP Vinh, Con Cuông. Dịch đang có diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là tại các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Kỳ Sơn, Quỳnh Lưu, Yên Thành. Riêng trong ngày 6/6, dịch phát sinh thêm tại 3 xã Minh Thành (Yên Thành), Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu) và Chiêu Lưu (Kỳ Sơn).
Nguyên nhân dẫn đến phát sinh dịch bệnh và lây lan trên diện rộng được xác định là do việc vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn bị nhiễm mầm bệnh từ ngoài tỉnh về các điểm thu gom, buôn bán, sau đó bán lại cho các hộ dân để giết mổ nhỏ lẻ không có kiểm soát của chính quyền và thú y cơ sở. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, rất khó áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng dịch, an toàn sinh học trong chăn nuôi. Đa số hộ chăn nuôi chưa tuân thủ đầy đủ quy trình phòng bệnh theo quy định; khử trùng môi trường chăn nuôi, dụng cụ, phương tiện chưa triệt để; gom thức ăn thừa cho lợn ăn chưa qua xử lý nhiệt. Ngoài ra, công tác quản lý giết mổ, buôn bán, thu gom lợn, sản phẩm lợn còn nhiều bất cập; nhiều huyện, xã chưa quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung; tình trạng giết mổ nhỏ lẻ tại các địa điểm không đảm bảo vệ sinh thú y, bán thịt lợn rong, thịt lợn không có dấu kiểm soát giết mổ còn phổ biến.
Theo các cơ quan chức năng, bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc-xin phòng bệnh; vi rút có khả năng tồn tại lâu trong môi trường và có sức đề kháng cao, đường lây truyền đa dạng, khó kiểm soát; hiện dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp tại nhiều tỉnh trong cả nước.
Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng, giáp với nhiều tỉnh bạn, có nhiều tuyến quốc lộ đi qua…; hoạt động giao thương buôn bán động vật, sản phẩm động vật thường xuyên nên việc ngăn chặn dịch bệnh từ các tỉnh, thành khác vào địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Trong giai đoạn đầu, dịch xảy ra nhỏ lẻ tại các hộ gia đình, gia trại quy mô nhỏ, dịch có xu hướng “nhảy cóc”, không theo quy luật nhất định. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5/2019 đến nay, dịch diễn biến phức tạp, lan ra nhiều xã, nhiều huyện trong tỉnh, dịch bùng phát lây lan nhanh tại các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Kỳ Sơn. Mầm bệnh đã âm ỉ trong môi trường, kết hợp chăn nuôi nhỏ lẻ; tại các hộ chăn nuôi ở miền núi, lợn thả rông, lợn khỏe dễ dàng tiếp xúc với lợn bệnh; việc giết mổ nhỏ lẻ chưa được kiểm soát; trên trục Quốc lộ 1A có nhiều điểm tắm lợn tự phát chưa được quản lý… Hiện nay, thời tiết diễn biến bất lợi, nắng nóng trên diện rộng kéo dài ảnh hưởng tới sức đề kháng của đàn lợn. Do đó, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra diện rộng thời gian tới rất cao, đặc biệt ở các huyện có mật độ chăn nuôi lợn lớn, huyện miền núi chăn nuôi lợn thả rông.
Nhiều giải pháp phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh
Ngay sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Trung Quốc (tháng 8/2018), nhất là khi dịch xuất hiện tại Việt Nam vào đầu tháng 2/2019, UBND tỉnh đã ban hành nhiều công điện, chỉ thị, quyết định, kế hoạch chỉ đạo nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào tỉnh Nghệ An. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở liên quan, các ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông đã tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi để các cấp, ngành và người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh. Riêng UBND tỉnh tổ chức 4 cuộc họp trực tuyến và nhiều cuộc họp tại các địa phương có dịch..., triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; đồng thời, thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh và tuyên truyền đến người dân, chính quyền các cấp biết để chủ động đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả.
Bên cạnh đó, ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn châu Phi cấp tỉnh. Thành lập 1 tổ công tác lưu động liên ngành, 2 chốt kiểm dịch tạm thời tại đường Hồ Chí Minh và Trạm Kiểm dịch động vật Bắc Nghệ An, TX Hoàng Mai nhằm kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh. Từ ngày 1/3/2019 đến nay, các tổ, chốt đã hoạt động hiệu quả, góp phần hạn chế dịch tả lợn châu Phi xâm nhập và lây lan từ các địa phương có dịch vào địa bàn tỉnh. Các đơn vị như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đã thành lập các đoàn công tác, đội ứng phó nhanh để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện 2 đợt khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi theo Kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đợt 1 từ ngày 15/3 - 15/4 và đợt 2 từ ngày 10 - 30/5), cấp hóa chất cho các xã triển khai, ưu tiên khử trùng tại ổ dịch cũ các bệnh truyền nhiễm, vùng dịch, vùng nguy cơ cao… Ngoài ra, một số huyện, xã đã cấp kinh phí mua vôi bột và các vật tư thiết yếu để thực hiện đợt tiêu độc khử trùng tiêu diệt mầm bệnh: Yên Thành 78 tấn, Quỳnh Lưu 66 tấn, Kỳ Sơn 30 tấn, Thái Hòa 10 tấn, Hoàng Mai 33 tấn, Diễn Châu 25 tấn… Các địa phương cơ bản đã thực hiện tốt khử trùng môi trường chăn nuôi, tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế dịch phát sinh và lây lan.
Tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh |
Tại Hội nghị trực tuyến với 21 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh, triển khai cấp bách các giải pháp ngăn chặn, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 3/6 vừa qua, đại diện lãnh đạo của các sở, ban, ngành như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giao thông và Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Cục Hải quan, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã đánh giá thực trạng, công tác phòng, chống của bệnh dịch tả lợn châu Phi thời gian qua và bàn các giải pháp nhằm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong thời gian tới. Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, Nghệ An đã trích nguồn kinh phí 5,5 tỉ đồng; trong đó, UBND tỉnh đã trích ngân sách dự phòng 3 tỉ đồng mua 25 tấn hóa chất và các trang thiết bị; riêng 21 huyện, thành, thị đã trích hơn 2,5 tỉ đồng mua vôi bột, hóa chất, bình phun, đồ bảo hộ... để phục vụ công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp như hiện nay, cần xem công tác phòng, chống là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Vì thế, các sở, ban, ngành cần tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hạn chế dịch bệnh tiếp tục lây lan. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân và cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc thực hiện. Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, người đứng đầu chính quyền phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy và cấp trên về tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Có thể khẳng định, công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trong thời gian qua đã được các sở, ban, ngành tỉnh Nghệ An thực hiện một cách quyết liệt và hiệu quả. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng lây lan và tiến tới chấm dứt dịch bệnh trên địa bàn, bên cạnh sự nỗ lực của các lực lượng chức năng, rất cần sự vào cuộc tích cực và ý thức của quần chúng nhân dân trong quá trình kinh doanh, buôn bán và sử dụng các sản phẩm động vật.
Ngọc Anh
Ngọc Anh