Gia đình xã hội

'Mạnh tay' xử lý thực phẩm bẩn

15:56, 01/06/2019 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Có thể khẳng định, sử dụng thực phẩm là nhu cầu bức thiết mỗi ngày của con người. Vì thế, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) luôn là vấn đề “nóng”, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tấn công mạnh vào tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ATVSTP. Tuy nhiên, chống thực phẩm bẩn vẫn được xác định là một cuộc chiến lâu dài và gian nan…
 
Tăng cường công tác đấu tranh
 
Trong đợt ra quân triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2019 (từ ngày 15/4 -15/5), nhìn chung trên địa bàn tỉnh Nghệ An nổi lên tình trạng đưa nước vào động vật trước khi giết mổ; kinh doanh, vận chuyển hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vận chuyển trái phép sản phẩm gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo điều kiện về môi trường và ATTP. 
Đoàn liên ngành kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại nhà bếp của Nhà khách Nghệ An
Đoàn liên ngành kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại nhà bếp của Nhà khách Nghệ An
Xác định đợt triển khai thực hiện “Tháng hành động vì ATTP” hết sức quan trọng, Công an tỉnh Nghệ An đã khẩn trương xây dựng kế hoạch chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện công tác đấu tranh. Với vai trò chủ công, Phòng Cảnh sát Môi trường (CSMT) đã tham mưu Lãnh đạo Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh thành lập Đoàn thanh tra về thanh tra chấp hành các quy định đảm bảo ATTP và cử cán bộ của đơn vị tham gia. Trên cơ sở kế hoạch của Công an tỉnh, Công an các huyện, thành, thị đã xây dựng kế hoạch thực hiện quyết liệt, nghiêm túc trên từng địa bàn. Bên cạnh đó, tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện việc kiểm tra, xử lý các vi phạm về ATTP kết hợp với tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn. Thông qua đợt kiểm tra nhằm chấn chỉnh và tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước về ATTP; đồng thời, giáo dục ý thức trách nhiệm của cộng đồng, người sử dụng thực phẩm theo tinh thần tự bảo vệ mình, cung cấp thông tin, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật về ATTP.
 
Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, Phòng CSMT đã thường xuyên tham mưu cho Lãnh đạo Công an tỉnh kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật nghiệp vụ, môi trường để hỗ trợ cho công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý vi phạm. Cùng với đó, kiến nghị UBND tỉnh, các cấp, ngành về những giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng ATTP, đảm bảo an toàn, an sinh xã hội. Đơn vị cũng đã phối hợp với các lực lượng chức năng như: Chi cục ATVSTP, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và thú y, Cục Quản lý thị trường… để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không đảm bảo an toàn, kém chất lượng; các nguyên liệu, chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ đưa vào chế biến thực phẩm. Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng giáo dục kiến thức, tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân các quy định của pháp luật về ATTP, cảnh báo nguy cơ và tác hại thực phẩm không đảm bảo. Nâng cao cảnh giác và ý thức chấp hành pháp luật, góp phần ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.
 
Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh bị phát hiện, xử lý
 
Kết thúc “Tháng hành động vì ATTP” năm 2019, Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện, xử lý 129 vụ việc, 129 tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về ATTP; thu giữ, tiêu hủy hàng tấn thực phẩm bẩn, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ cùng tổng mức tiền phạt lên tới hàng trăm triệu đồng. Trong đợt ra quân này, riêng Phòng CSMT đã phát hiện, xử lý 17 vụ việc, 17 đối tượng và khám phá thành công 1 chuyên án; thu giữ 4.670 kg thực phẩm bẩn, tổng mức tiền phạt hơn 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã cử cán bộ tham gia Đoàn thanh tra liên ngành của UBND tỉnh, tiến hành thanh, kiểm tra 26 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Qua đó, lập biên bản 16 cá nhân, tổ chức vi phạm, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 122.539.000 triệu đồng. Điển hình như: Ngày 5/5, tại khu vực Quốc lộ 1A đi qua địa bàn xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, Phòng CSMT phát hiện Ngô Duy Đông (SN 1982) trú tại khối 2, phường Trung Đô, TP Vinh điều khiển xe ôtô BKS 29B-159.24 vận chuyển 266 kg sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã bốc mùi hôi thối. Đơn vị đã tiến hành lập biên bản, thu giữ toàn bộ tang vật và xử lý theo quy định của pháp luật.
Cán bộ Phòng Cảnh sát Môi trường kiểm tra số nội tạng động vật bị thu giữ trong 1 vụ việc
Cán bộ Phòng Cảnh sát Môi trường kiểm tra số nội tạng động vật bị thu giữ trong 1 vụ việc
Tiếp đó, vào lúc 2 giờ 30 phút ngày 8/5, tại xóm 10, xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương, Phòng CSMT phát hiện bà Lê Thị Liên (SN 1972) trú trên địa bàn đang có hành vi đưa nước vào bò trước khi giết mổ với mục đích làm tăng trọng lượng của thịt bò để bán kiếm lời. Với hành vi này, lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà Liên số tiền 15.000.000 đồng và buộc tiêu hủy các tang vật liên quan.
 
Gần đây nhất, vào hồi 10 giờ ngày 14/5, Phòng CSMT phá thành công Chuyên án 718F về hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng. Chủ cơ sở này là Hồ Thị Thu Hương (SN 1982) trú tại khối 1, phường Hà Huy Tập, TP Vinh. Tại thời điểm kiểm tra, bà Hương đang có hành vi sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, chế biến cà phê; thu giữ 2.400 kg nguyên liệu cà phê không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hiện, chuyên án vẫn đang được tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm về ATVSTP vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Do thời gian qua, các lực lượng chức năng đã vào cuộc đấu tranh một cách quyết liệt nên các đối tượng ngày càng hoạt động với thủ đoạn tinh vi, ma mãnh hơn. Theo đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh luôn “kín cổng cao tường” và được canh gác cẩn thận. Quá trình hoạt động, chỉ có những người thân quen trong gia đình, anh em trao đổi với nhau. Cùng với đó, những gói phụ gia nhỏ sử dụng thường được các đối tượng giấu kín hoặc trộn lẫn nên công tác kiểm tra, phát hiện gặp không ít khó khăn. Để trốn tránh cơ quan chức năng, nhiều tiểu thương đã có sự liên kết chặt chẽ với nhau, giấu hàng hóa ở nơi vắng vẻ, sau đó đưa ra ngâm tẩm hóa chất để tiếp tục kinh doanh. Đặc biệt, thời gian gần đây thực phẩm bẩn còn được sản xuất ở các địa bàn khác rồi đưa về Nghệ An tiêu thụ. Điều này đã đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan chức năng trong việc bắt quả tang các hành vi vi phạm.
 
Trước tình hình đó, thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra; trong đó ưu tiên các cuộc thanh tra đột xuất để phát hiện kịp thời những sai phạm trong quản lý ATTP. Bên cạnh đó, tổ chức giám sát hoạt động của các đoàn đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc, tránh chồng chéo; đặc biệt là lợi dụng hoạt động thanh, kiểm tra để gây khó khăn cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, gây bức xúc trong dư luận. Ngoài ra, tiếp tục xây dựng các chuỗi mô hình thực phẩm sạch từ khâu chăn nuôi, trồng trọt đến khâu lưu thông và tiêu dùng để đảm bảo ATTP trên địa bàn; đầu tư kinh phí, nguồn nhân lực phục vụ cho công tác ATTP ngày càng đạt hiệu quả cao. 

Ngọc Anh

Các tin khác