Gia đình xã hội

Gặp người Anh hùng tham gia bắt sống tướng De Castries

09:22, 07/05/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt “súng bên súng, đầu sát bên đầu”… chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn luôn hiện hữu, vẹn nguyên trong ký ức của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), Đại tá Hoàng Đăng Vinh.
 
Đã nhiều năm nay, cứ mỗi dịp đến ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ông lại cùng những người lính thuở nào và gia đình trở về chiến trường xưa để thắp nén hương thơm tới những người đồng đội đã ngã xuống, không tiếc máu xương để bảo vệ vẹn toàn từng tấc đất thiêng liêng của dân tộc…
 
Đại tá Hoàng Đăng Vinh sinh ra tại thôn Hoàng Các, xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên vào một ngày cuối năm 1935, khi đất nước đang còn chìm trong vòng nô lệ của thực dân Pháp. 
 
Năm 1945, khi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8 nổ ra, miền quê ông như bước sang trang mới sau khi cả làng theo Việt Minh giành chính quyền, phá kho thóc cấp cho dân nghèo. Nhưng những ngày vui ngắn chẳng tày gang, đến năm 1949-1950, giặc Pháp kéo về ngày càng nhiều, chiếm đóng đồn bốt ở khắp nơi, gây nên những tội ác tày trời với nhân dân ta.
 
Chứng kiến cảnh những người thân yêu nhất của mình bị tra tấn, đày ải dưới gót giày của bè lũ thực dân tàn ác, chưa tròn 17 tuổi, ông lên đường nhập ngũ quyết giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. 
 
Tháng 9 năm 1952, ông gia nhập Đại đoàn 312. Từ anh trai làng quanh năm chỉ quẩn quanh với đồng ruộng và cất vó bè, gia nhập bộ đội, ông được sống cùng tập thể, được học tập từ cách bẻ măng, lấy củi đến huấn luyện kỹ, chiến thuật bộ binh, được học chữ để đọc sách báo…
 
Cuối năm 1953, đơn vị ông hành quân về Điện Biên Phủ, đào công sự và làm đường chuẩn bị kéo pháo vào trận địa khi cách tập đoàn cứ điểm khoảng 10 cây số. 
 
Và cũng từ đó, người chiến sỹ Hoàng Đăng Vinh -Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Trung đội 1, Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 đã tham gia không biết bao nhiêu trận đánh ác liệt, vượt qua các trận càn quét dữ dội của địch và chứng kiến nhiều đồng đội của mình đã hi sinh, anh dũng nằm xuống vì bom đạn.
Đại tá Hoàng Đăng Vinh (ở giữa) ôn lại kỷ niệm với các đồng đội trong một lần thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ.
Đại tá Hoàng Đăng Vinh (ở giữa) ôn lại kỷ niệm với các đồng đội trong một lần thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ.
Gian khổ, khốc liệt là vậy nhưng những người lính như ông và nhiều đồng đội khác vẫn luôn giữ tinh thần và phẩm chất của anh “Bộ đội Cụ Hồ”.
 
Trước khi tiến vào lòng chảo Mường Thanh, Điện Biên, ông chứng kiến rất nhiều đồng chí, đồng đội đã hi sinh, bị thương rất nặng. Trong đó, có một trường hợp ông và đồng đội rất khâm phục, nhớ mãi, đó là một đồng chí bị cụt cả 2 ống chân nhưng vẫn cố hết sức lết từng tí một tiến lên. Khi ông và đồng chí Nhỏ (cùng đơn vị - PV) dừng lại băng bó và cầm máu giúp, người đồng chí đó ngay lập tức đẩy ra, hét lớn “Đằng nào tôi cũng chết, các anh tiến lên đi, thời cơ đến rồi…”.
 
“Đớn đau như thế vậy nhưng người lính đó vẫn luôn nung nấu một ý chí tiến lên để rồi động viên đồng đội của mình giữ vững tinh thần chiến đấu, khí thế tiến công. Chính tinh thần bất diệt này đã in sâu vào trong tâm trí mỗi người lính chúng tôi khiến chúng tôi không biết sợ, dù phía trước bom rơi, đạn lửa vô cùng khốc liệt của kẻ địch…” – ông Vinh xúc động nhớ lại.
 
Lật giở những tấm ảnh đen trắng bị phai màu của thời gian, qua câu chuyện với Đại tá Hoàng Đăng Vinh đưa chúng tôi được trở về với ký ức những năm tháng chiến đấu trường kỳ gian khổ. Trong những câu chuyện của mình, ông luôn nhắc về những người đồng đội cũ, những người lính đã “vào sinh ra tử” với mình.
 
Đặc biệt, chúng tôi còn được quay trở lại thời khắc lịch sử vẻ vang của chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", nghe ông chia sẻ về giây phút thiêng liêng nhất trong cuộc đời khi cùng đồng đội, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật xông vào hầm, bắt và chứng kiến tướng Christian De Castries cùng toàn bộ chỉ huy Pháp run rẩy xin hàng.
 
“Trước cửa hầm, tôi cùng Nhỏ theo sự phân công của Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật, cùng anh vào hầm bắt De Castries đầu hàng. Vào hầm, chúng tôi tiến đến đâu, tất cả sĩ quan Pháp lùi lại đến đó, một số tên tỏ ra rất run sợ. Lúc này, anh Luật dùng tiếng Pháp ra lệnh cho địch đầu hàng. Tất cả đều giơ tay, riêng tướng De Castries vẫn ngồi im lặng. Thấy vậy, anh Luật ra hiệu cho tôi tiến lại gần. Vừa thấy tôi vào đến gần, De Castries vội bật dậy, giơ tay ra định bắt tay. Lúc đấy tôi nghĩ, sao lại bắt tay, bắt tay là thế nào? Tôi đã dùng khẩu tiểu liên thọc mạnh một nhát vào bụng ông ta, đồng thời quát bằng tiếng Pháp “Hô-lê-manh” (giơ tay lên - PV). De Castries lùi lại mấy bước, giơ tay nói một tràng tiếng Pháp, lúc đó tôi hiểu ông ta chính thức xin được hàng. Toàn bộ Bộ chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị chúng tôi giải về, đặt dấu chấm hết cho cái gọi là "pháo đài bất khả xâm phạm" của thực dân Pháp. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng...” - Đại tá Hoàng Đăng Vinh bồi hồi nhớ lại.
 
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng trong năm 1954, Sư đoàn 312 của ông về giải phóng Bắc Ninh và đóng quân tại đây. 39 năm quân ngũ, dù ở chiến trường Thượng Lào năm 1953, tại Điện Biên Phủ năm 1954, những năm 1967-1968 ở Quảng Bình, năm 1971 ở Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, năm 1972 là trận “Điện Biên Phủ trên không” tại Hà Nội và sau này là 17 năm làm công tác địa phương tại Bắc Ninh, ở vị trí công tác nào, ông cũng luôn cố gắng phấn đấu, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ.
 
Ngày 19-5-1954, Đại tá Hoàng Đăng Vinh vinh dự được gặp Bác Hồ và được vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc gắn tặng Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ, Huy hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh lên ngực áo và trao thưởng Huân chương Chiến sĩ (sau này được đổi tên thành Huân chương Chiến công, Huân chương Sao đỏ). Ngày 19-8-2015, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
 
Đã 65 năm trôi qua kể từ buổi chiều hè lịch sử ngày 7-5-1954 ở Điện Biên Phủ, trong số những đồng đội cùng ông xông vào hầm bắt tướng De Castries dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật, nay chỉ mình ông còn sống.
 
Kể cho chúng tôi nghe về những ngày đêm chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi thấy ông bồi hồi, xúc động, mỗi khi nhắc đến các đồng đội của mình một thời cùng chia ngọt, sẻ bùi, cùng sống và chiến đấu với lý tưởng cao đẹp vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, rồi ông bảo: “Nhiều đêm trong giấc mơ tôi vẫn thấy những đồng đội tôi như đang sống, vẫn kéo pháo, vẫn tươi cười trên đường hành quân…”.

Nguồn: CAND

Các tin khác