Gia đình xã hội
Lại là bổ nhiệm đúng qui trình?!
09:36, 08/04/2019 (GMT+7)
Những ngày qua, dư luận bàn tán, bức xúc về việc bổ nhiệm cán bộ ở một số địa phương được báo chí nêu mà điển hình là một số nhân sự đã bị kỷ luật bằng hình thức cách chức, nay lại được bổ nhiệm vào chức vụ khác.
“Ưu ái, nâng đỡ” hay bổ nhiệm đúng qui trình. Ảnh minh họa. |
Tại Quyết định số 651-QĐ/TW ngày 26/12/2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng thi hành kỷ luật ông Tuấn bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng. Sau đó, ngày 18/1/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định số 80/QĐ-TTg thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2016-2021.
Và trước sức ép dư luận, ông Ngô Văn Tuấn đã có đơn xin thôi chức Chánh văn phòng Sở xây dựng Thanh Hóa. Đây là việc làm cần thiết được coi là “dũng cảm” để lấy lại uy tín, niềm tin đã mất trước đó.
“Tôi được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Sở Xây dựng không phải vì chức tước, không phải vì động cơ cá nhân gì hết. Nhưng sau khi về, tôi cũng không ngờ rằng, dư luận có phản ứng dữ dội như vậy nên đã có đơn gửi Giám đốc Sở Xây dựng xin quay lại Ủy ban để làm việc…chức Chánh Văn phòng có phải là gì mà to tát đâu. Nhưng vì dư luận họ nghĩ tôi có mục đích khác khi quay về Sở nên mới phản ứng kịch liệt…Tôi sẽ cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho Đảng và Nhà nước, trừ khi lãnh đạo không dùng mình nữa” ông Ngô Văn Tuấn thanh minh.
Việc bổ nhiệm ông Ngô Văn Tuấn là vận dụng luật Cán bộ, công chức và các qui định khác. Khoản 2 điều 82 luật Cán bộ, công chức quy định: Cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; hết thời hạn này, nếu cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, ngoài tài năng ra còn có một tiêu chuẩn rất quan trọng dành cho cán bộ lãnh đạo là phẩm chất đạo đức, uy tín thì e rằng việc làm này là không ổn và là “đại” vấn đề.
Bởi một người vi phạm kỷ luật “rất nghiêm trọng” chưa lâu, giờ lại nghiễm nhiên trở thành cán bộ lãnh đạo trong qui hoạch. Đạo đức cán bộ, đảng viên nhất là người lãnh đạo theo Hồ Chí Minh: “Có tài mà không có đức ví như một anh là kinh tế tài chính giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa”. Như vậy, tầm quan trọng của đạo đức bao giờ cũng được Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu, luôn quan tâm đến vấn đề đạo đức và tu dưỡng đạo đức, coi đạo đức là gốc của người cách mạng.
Việc bổ nhiệm như vậy không đảm bảo tính răn đe, tính giáo dục mất ý nghĩa tác dụng. Thực tế là sau một thời gian ngắn bị kỷ luật như vậy cán bộ ấy có thể lấy được uy tín cần có để làm lãnh đạo không?. Dư luận chắc hẳn sẽ có lý do, khi nghi ngờ băn khoăn, khó hiểu việc bổ nhiệm kiểu này.
Do vậy, cái cách bổ nhiệm những cán bộ từng vi phạm “rất nghiêm trọng”, từng bị cách tất cả chức vụ, thì dù được biện minh “đúng qui trình” kiểu gì, người dân cũng nhận ra thái độ không nghiêm túc của địa phương đó.
Qua đây cũng là bài học quan trọng cho công tác cán bộ trong việc xem xét, qui hoạch, đào tạo, luân chuyển, đề bạt bổ nhiệm cán bộ nhất là bổ nhiệm cán bộ đã bị xử lý kỷ luật đảm bảo nghiêm minh, đúng nguyên tắc vừa có lý, có tình hợp lòng dân. Đồng thời cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật hãy “tự soi, tự sửa” bằng danh dự, liêm sỉ và lòng tự trọng của mình mà cân nhắc nhận hay từ chối quyền lực, hoặc là làm một công việc phù hợp với khả năng chuyên môn của mình đó là cách tốt nhất để sửa chữa sai lầm./.
Nguồn: Nguyễn Minh/Dangcongsan.vn