Gia đình xã hội
Thuốc nào chữa bệnh bạo hành y tế?
08:57, 07/12/2018 (GMT+7)
Tình trạng bạo hành trong bệnh viện là tiếng chuông cảnh báo về sự xuống cấp đạo đức, lối sống, ứng xử trong bệnh viện, cần phải được xử lý từ gốc rễ...
Y tế được xếp vào một trong những nghề nguy hiểm nhất
Vấn nạn bạo hành nhân viên y tế diễn ra ở hầu hết các nước trên thế giới từ các nước phát triển đến những nước đang phát triển. Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới, có 8 - 38% nhân viên y tế bị bạo hành ở nơi làm việc.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, từ năm 2010 đến hết 2017, cả nước ghi nhận có ít nhất 22 vụ việc bác sĩ bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hành hung. Phần lớn đối tượng bị tấn công là các bác sĩ (chiếm khoảng 70%) và điều dưỡng (khoảng 15%). Có tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân và 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà.
Riêng 5 tháng đầu năm 2018, đã xảy ra 5 vụ hành hung nhân viên y tế. Vụ việc mới nhất đây nhất là sự kiện bác sĩ V.H.C ở Bệnh viện Xanh Pôn bị người nhà bệnh nhi đánh vào mặt khi đang hướng dẫn, giải thích quy trình.
Có thể nói, mất an ninh trật tự trong bệnh viện, bạo hành nhân viên y tế khi đang thực hiện nhiệm vụ là vấn đề vô cùng bức xúc hiện nay. Theo số liệu tổng hợp các vụ việc qua phản ánh của thông tin báo chí và được Bộ Y tế xác minh cho thấy, số vụ việc xảy ra trong năm 2017 nhiều hơn so với tất cả các năm trước đây. Năm 2017: 13 vụ, nhiều hơn so với tổng số 12 vụ xảy ra trong cả 3 năm 2014, 2015, 2016 và so với tổng số 10 vụ trong cả 3 năm 2011, 2012, 2013.
GS.TS. Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, dư luận cả nước nhất là các cán bộ nhân viên ngành y tế rất bức xúc trước vấn đề tại các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là ở một số bệnh viện lớn xuất hiện tình trạng bất ổn về an ninh, trật tự mà cụ thể là các vụ việc người nhà bệnh nhân hủy hoại tài sản công và hành hung y, bác sĩ.
Trong một cuộc Tọa đàm “Bạo hành trong bệnh viện, vấn nạn và giải pháp” vừa được tổ chức tại Hà Nội, bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội chia sẻ: Hàng ngày, bạo hành y tế đang diễn ra trên khắp đất nước với nhiều biến thể. Tất cả những vụ việc hành hung bác sĩ được báo cáo, truyền thông đều nhắc đến, nhưng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng, vì con số thật lớn hơn rất nhiều. Bác sĩ chỉ muốn yên ổn với công việc nên họ sẽ cố xóa đi vết tích của những vụ bạo hành.
Khu vực cấp cứu - nơi tiếp nhận ban đầu các bệnh nhân - luôn được cảnh báo là “điểm nóng” về mất an toàn, an ninh bệnh viện. Ảnh: Ngọc Dung |
“Những câu chuyện về việc bị bệnh nhân, người nhà bệnh nhân dọa đánh trong môi trường y tế không ai lạ, nó diễn ra thường xuyên. Và, nếu coi bạo hành y tế như một cuộc đôi co ngoài đường phố thì đó là một sai lầm, bởi thực tế nó nghiêm trọng hơn rất nhiều. Khi bạo lực y tế gia tăng cũng giống như người bệnh đang tự đẩy chất lượng y tế xuống vực. Mặc dù đã quen nhiều với lời hăm dọa, nhưng chúng tôi vẫn bị sốc. Cả đêm không ngủ, cả sáng hôm sau làm việc trong trạng thái bất an... Và, hãy thử tưởng tượng một bác sĩ với một tâm trí sợ hãi, một bàn tay run rẩy thì có thể cung cấp một dịch vụ y tế tốt cho người bệnh?”, bác sĩ Phúc nói.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng, khoa A9 (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) từng thốt lên: “Kinh khủng quá, ai cho mình môi trường làm việc tử tế đây. Những vụ việc như thế này ngày càng nhiều… Không có chế tài mạnh tay với nạn bạo hành y tế thì những việc nhỏ như thế này cứ tiếp diễn mà thôi. Đôi khi người làm nghề chỉ mong được làm việc tử tế và được bảo vệ chính đáng thôi cũng được!”.
Trong một bài viết đăng trên Thời báo kinh tế Sài Gòn, bác sĩ Võ Xuân Sơn – nguyên bác sĩ phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã phân tích, ở nhiều nước, y tế được xếp vào một trong những nghề nguy hiểm nhất, hơn cả cảnh sát. Còn ỏ Việt Nam, khá nhiều người trong xã hội cho rằng bạo hành y tế xuất phát từ những yếu kém của hệ thống y tế, từ thái độ coi thường tính mạng người bệnh của nhân viên y tế. Thật đáng tiếc, tư duy đổ lỗi cho nhân viên y tế khi bạo hành y tế xảy ra không chỉ tồn tại trong số những người dân chưa hiểu biết đầy đủ, mà còn chính là suy nghĩ của một số cán bộ lãnh đạo.
Ở những nước phát triển như Mỹ, Úc... người ta coi những kẻ bạo hành y tế là nhóm người thuộc tầng lớp thấp của xã hội, là những kẻ côn đồ, nghiện ma túy, nghiện rượu... Rõ ràng là ở những nước phát triển như vậy, nền y tế của họ không có những bất cập như ở ta, nhân viên y tế ở đó được huấn luyện, đào tạo bài bản. Không thể nói rằng bạo hành y tế ở các nước đó là do những tiêu cực của nhân viên y tế.
Người bệnh, khi vào bệnh viện, đặc biệt là khi cấp cứu, sẽ có nhiều lo lắng, bức xúc. Nhưng không thể vì thế mà họ có quyền bạo hành những người đang chữa bệnh cho chính mình hay người nhà của mình. Trên thực tế, đại đa số những người ở trong hoàn cảnh ấy vẫn có thái độ cư xử văn minh. Những kẻ bạo hành nhân viên y tế là những kẻ mà thái độ và hành vi bạo hành của họ không phù hợp với một xã hội văn minh, cần phải được ngăn chặn bằng những biện pháp hiệu quả.
Bác sĩ Võ Xuân Sơn cũng thẳng thắn cho rằng, ở Việt Nam, những yếu kém về khả năng tổ chức, về cơ sở vật chất, về tác phong giao tiếp của các thầy thuốc... hay thậm chí cả những tiêu cực, vòi vĩnh của một số nhân viên y tế là những vấn đề có thật. Tuy nhiên, đó lại là một câu chuyện khác. Những yếu kém, tiêu cực rất cần được thay đổi, khắc phục nhưng đó nhất thiết không thể là tiền đề cho công việc chống bạo hành y tế.
Cần những giải pháp đồng bộ
PGS.TS Phạm Thanh Bình – Phó Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho rằng, thực trạng và nguyên nhân của bạo hành y tế đã đề cập đến nhiều lần, nhưng quan trọng là tìm ra giải pháp giải quyết thế nào. “Ở góc độc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ y tế thì cần bổ sung vào luật xem như đây là một rủi ro nghề nghiệp và cán bộ y tế cần phải được bảo vệ như là người thi hành công vụ giống với các lực lượng công an, bộ đội….”
Cùng với đó, cần có hướng dẫn các tổ chức công đoàn về quy trình giải quyết khi xảy ra bạo hành y tế một cách nhanh chóng. Đồng thời, các hội nghề nghiệp cũng cần lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề này để bảo vệ thầy thuốc.
Cũng tại cuộc Tọa đàm “Bạo hành trong bệnh viện, vấn nạn và giải pháp”, nhiều đại biểu cho rằng, tình trạng bạo hành trong bệnh viện là tiếng chuông cảnh báo về sự xuống cấp đạo đức, lối sống, ứng xử trong bệnh viện, cần phải được xử lý từ gốc rễ. Các chuyên gia, y bác sĩ đã nhận định nguyên nhân của tình trạng này, xuất phát từ nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau. Bởi bệnh viện là môi trường đặc thù, có tính rủi ro cao, các sự cố như vậy có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi; sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền và lãnh đạo bệnh viện; tính chuyên nghiệp của cán bộ, nhân viên trong bệnh viện và nhận thức của người dân còn chưa cao...
Khi mà bệnh bạo hành y tế còn đang loay hoay tìm thuốc chữa thì các cơ sở y tế đã phải có những động thái bảo vệ nhân viên y tế của mình. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề xuất lập chốt công an ở bệnh viện để bảo vệ y bác sĩ.
Trước tình trạng y bác sĩ liên tục bị người nhà bệnh nhân hành hung, lãnh đạo Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng) có những “kế sách” riêng để ổn định bệnh viện, chống nạn bạo hành y tế. Một trong những kế sách đó là kêu gọi hỗ trợ từ phía công an để cắm chốt ngay tại bệnh viện là lập đường dây nóng với lực lượng cơ động 113, để dễ bề xử lý nếu có chuyện xảy ra.
Bệnh viện Thống Nhất (TP.Hồ Chí Minh) trang bị hệ thống camera ở khắp nơi, kể cả trong phòng họp, nơi tiếp dân. Các vị trí quan trọng có nguy cơ cao xảy ra hành hung như cấp cứu, khoa chấn thương chỉnh hình... đều được bố trí đội ngũ bảo vệ. Các khoa phòng triển khai cửa bảo vệ, khi xảy ra sự vụ, nhân viên y tế sẽ đóng chốt cửa bên trong, cách ly đối tượng bên ngoài. Bệnh viện liên kết chặt chẽ với công an tại địa phương, nếu có vấn đề xảy ra sẽ kịp thời liên lạc nhờ hỗ trợ. Bệnh viện cũng phối hợp tổ chức các buổi tập huấn nhân viên y tế về cách ứng phó khi xảy ra các tình huống không mong muốn. Khuyến khích các bác sĩ học võ để phòng thân, Bệnh viện Hùng Vương (Phú Thọ) đã tổ chức thuê võ sư về dạy cho các y bác sĩ của viện.
Theo Bác sĩ Võ Xuân Sơn, để ngăn chặn sự phát triển của bạo hành y tế, việc đầu tiên là chúng ta phải thay đổi tư duy của cả xã hội, từ người dân đến cán bộ lãnh đạo, rằng những kẻ bạo hành y tế là những kẻ mà thái độ và hành vi của họ không phù hợp với một xã hội văn minh, cần phải được ngăn chặn quyết liệt, bằng những biện pháp đủ mạnh và đủ sức răn đe.
Và để chống bạo hành y tế, cần có những biện pháp bài bản và triệt để. Trước mắt, tự thân các nhân viên y tế cần rèn luyện kỹ năng nhận diện yếu tố nguy cơ, chuẩn bị cho mình đường thoát thân. Trong trường hợp nguy cơ bị xâm hại tính mạng cao, không có giải pháp thoát thân, lực lượng bảo vệ không can thiệp hoặc không kịp can thiệp, cần có hành vi phản kháng, trấn áp kẻ bạo hành.
Biện pháp cắm chốt công an trong bệnh viện là biện pháp chẳng đặng đừng, chỉ nên áp dụng ở những điểm rất nóng. Việc quan trọng là xác định trách nhiệm của lãnh đạo cơ sở y tế trong chống bạo hành y tế, huấn luyện cho lực lượng bảo vệ có đủ khả năng, đồng thời cung cấp đủ phương tiện cho họ, để trấn áp những kẻ bạo hành y tế.
Trước sự gia tăng vấn nạn bạo hành y tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung điều 134 Bộ Luật hình sự về tình tiết tăng nặng khi hành hung người “đang chăm sóc sức khỏe cho mình”. Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác, đặc biệt là “người chữa bệnh cho mình”, sẽ bị xử lý hình sự, mức phạt tối đa lên tới 3 năm tù.
Nguồn: Bảo Hưng/Dangcongsan.vn