Gia đình xã hội
Người lớn không thờ ơ, xã hội sẽ có mạng lưới dày bảo vệ trẻ
09:49, 17/11/2018 (GMT+7)
Chia sẻ trước thềm Đại hội lần thứ III Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Thanh Hòa cho rằng, bảo vệ trẻ em không chỉ riêng với những trường hợp trẻ bị xâm hại mà phải từ truyền thông phòng ngừa vi phạm, trong đó cần đặc biệt chú trọng tới phổ biến kiến thức cho các bà mẹ trong nuôi dạy con, nhất là với trẻ em gái.
Nếu người lớn đều hiểu biết về quyền trẻ em, không thờ ơ, vô cảm trước những sự việc diễn ra với trẻ thì xã hội sẽ có một mạng lưới rất dày bảo vệ trẻ em.
Hành động vì trẻ em
Mỗi ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội vẫn xuất hiện những tin tức khiến người đọc nhói lòng, xót xa khi nạn nhân là những đứa trẻ non nớt, ngây thơ bị lạm dụng, xâm hại, bạo hành...
Đau lòng hơn khi chính những người gần gũi với các em nhất lại là người “ra tay”. Những sự việc phản giáo dục diễn ra ngay chính học đường như giáo viên bắt trò quỳ gối, bắt trò uống nước giặt giẻ lau bảng, trói chân, nhét giẻ vào miệng trẻ, lên lớp dạy học mà không nói nửa lời hay dọa thả trẻ vào máy vặt lông gà...
Những con số “biết nói” về tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục khiến dư luận bàng hoàng: Năm 2016, có 1.724 em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 1.155 trẻ em bị xâm hại tình dục, chiếm 67%. Năm 2017, có 1.642 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 1.397 em bị xâm hại tình dục, chiếm 85,1%. Trong 6 tháng đầu năm 2018, có 790 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 605 em bị xâm hại tình dục (chiếm 76,6%).
Ảnh minh họa |
Thực tế, số lượng trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên thực tế còn nhiều hơn do trẻ em và gia đình của nạn nhân không tố giác vì e ngại lộ thông tin, ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình; bị thủ phạm đe dọa hoặc dùng tiền để hòa giải...
Từ những câu chuyện, con số trên cho thấy, quyền trẻ em đang bị vi phạm nghiêm trọng khi trẻ bị bạo hành cả về thể chất lẫn tinh thần mặc dù Việt Nam đã phê chuẩn công ước quốc tế Quyền trẻ em từ năm 1990 và Luật Trẻ em 2016 đã có hiệu lực từ ngày 1/6/2017.
Khi tình trạng trẻ bị xâm hại, bạo hành... còn tiếp diễn thì trong xã hội luôn có những tấm lòng miệt mài trong hành trình bảo vệ quyền trẻ em. Trong câu chuyện của mình Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Nguyễn Thị Thanh Hòa (nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam) không quên nhắc đến những người đã nỗ lực mang những điều tốt đẹp đến với trẻ em.
Chỗ dựa pháp lý cho những trẻ bị xâm hại
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, người đã không quản ngại thời gian, công sức hết mình bảo vệ những trẻ em bị xâm hại, bạo hành. Bao năm qua, dù đối mặt với vô vàn khó khăn, từng bị đe dọa, đuổi đánh... nhưng luật sư Ngọc Nữ vẫn kiên định con đường tìm kiếm công lý, bảo vệ trẻ em bị xâm hại, bạo hành. Từ khi Chi hội luật sư ra đời (năm 2014) bà cùng các cộng sự là những luật sư, thẩm phán đã nghỉ hưu tình nguyện tham gia công tác bảo vệ trẻ em hoàn toàn miễn phí tại các phiên tòa. Bằng kiến thức pháp luật, sự tâm huyết, các thành viên trong Chi hội đã đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc xâm hại, bạo hành trẻ em, buộc kẻ ác phải chịu sự trừng phạt.
Sau 5 năm thành lập, số lượng luật sư tình nguyện tham gia chi hội luật sư ngày càng đông. Đến nay, Chi hội có 30 luật sư trong tâm thế luôn luôn sẵn sàng tư vấn, bảo vệ pháp lý miễn phí cho trẻ em. Chi hội đã thực hiện 40 phiên tòa giả định nhằm tuyên truyền pháp luật cho 64.000 học sinh về những vấn đề thiết thực như: Bạo lực học đường, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, phòng, chống ma túy...
Luật sư Ngọc Nữ và chi hội luật sư cũng thường xuyên đến tận nhà của các trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục để tư vấn tâm lý hỗ trợ về vật chất và tham gia bảo vệ quyền cho các em trong quá trình xét xử. Chính sự tâm huyết và nỗ lực không mệt mỏi trong hoạt động bảo vệ trẻ em tại cộng đồng. Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM được ví như một “lá chắn thép” bảo vệ trẻ em bị xâm hại và bạo hành.
Đem yêu thương tới những trẻ thiệt thòi
Về hưu từ năm 2007, thay vì nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già, bà Lê Thị Tám trở thành Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP. Đà Nẵng. Trong giai đoạn 2013-2017, Hội đã vận động được trên 131 tỷ đồng (tiền và giá trị hiện vật). Có được điều đó là nhờ sự tâm huyết, năng động của bà Tám khi đã đổi mới trong hoạt động quản lý, xây dựng các chương trình, dự án có ý nghĩa thiết thực với cuộc sống của trẻ em và người yếu thế trong xã hội.
Với vai trò là Chủ tịch Hội, bà Tám thực hiện nhiều sáng kiến nhân văn như Chương trình truyền hình thực tế “Mái ấm tình người”, tặng nhà cho hộ nghèo; “Viết tiếp ước mơ” dành cho học sinh vượt khó học giỏi... Niềm hạnh phúc lớn nhất của bà là nhìn thấy trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn trưởng thành, có việc làm ổn định, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.
Trong thời gian qua, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP Đà Nẵng cũng phối hợp với Hội LHPN thành phố giám sát các nhóm trẻ gia đình nhằm ngăn ngừa tình trạng trẻ bị bạo hành ngay tại nơi tưởng như an toàn nhất với trẻ.
Bà Tám vẫn nhớ một vụ việc đau lòng xảy ra vào năm 2014 tại phường Hòa An. Cháu gái 11 tuổi bị hàng xóm 22 tuổi xâm hại tình dục nhiều lần. Đơn tố giác được người mẹ gửi tới chính quyền địa phương bị “om” mấy tháng liền. Đích thân bà Tám đã đứng ra làm đơn đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh cụ thể. Vụ việc được làm sáng tỏ, bị cáo bị xử phạt 12 năm tù.
Nạn nhân của vụ việc này hiện vẫn được Hội tư vấn về tâm lý, hỗ trợ xe đạp, tặng học bổng để em đến trường.
Còn đó những trăn trở
Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa rất trăn trở khi nhắc đến tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo hành, nhiều trẻ em chưa được sống trong môi trường tốt nhất, hưởng những gì tốt đẹp nhất. Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Thanh Hòa cho rằng: Bảo vệ trẻ em có hai cấp độ, trong đó cấp độ phòng ngừa là phải truyền thông đến cộng đồng.
Nội dung tuyên truyền phải đơn giản dễ hiểu để mọi người dân đều nắm được, vi phạm quyền trẻ em là vi phạm pháp luật. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý thế nào. Một khi nắm được cụ thể thì người lớn sẽ không nghĩ đơn giản, không coi trẻ em là chuyện con nít để sẵn sàng vi phạm. Ở cấp độ hỗ trợ, trước hết là phải giảm hoặc chấm dứt được nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ. Trong trường hợp trẻ bị xâm hại thì phải can thiệp thế nào cho hiệu quả.
Từng là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, bà Thanh Hòa mong muốn các Hội LHPN địa phương tiếp tục quan tâm hơn đến việc tuyên truyền phổ biến kiến thức nuôi dạy con cho hội viên, phụ nữ thông qua các buổi sinh hoạt Hội. Theo bà Thanh Hòa, nếu các bà mẹ có kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc, giáo dục con thì họ sẽ biết cách hành động để bảo vệ con em mình trước các nguy cơ bị xâm hại.
Đặc biệt, khi người mẹ có kiến thức thì họ sẽ biết cách trang bị cho con gái mình khi bước vào tuổi mới lớn những hiểu biết về sức khỏe sinh sản, nguy cơ mất an toàn... Đây là tiền đề để xây dựng thế hệ phụ nữ tốt đẹp trong tương lai. Nếu chúng ta nuôi dạy, chăm sóc tốt những bé gái thì tương lai chúng ta sẽ có những phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang...
Nguồn: Tiengchuong.vn