CCHC
Tập trung triển khai đề án sáp nhập xóm, xã
(Congannghean.vn)-Sáp nhập xóm, xã là bước đi quan trọng hướng đến tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã. Bên cạnh thuận lợi là sự ủng hộ, đồng thuận cao của nhân dân, chủ trương sáp nhập vẫn còn một số vấn đề đáng lưu tâm.
Giải quyết thủ tục hành chính tại “Bộ phận một cửa” xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên |
Thực tế hiện nay, có nhiều khối, xóm, bản trên địa bàn tỉnh có quy mô quá nhỏ, số hộ ít và không tập trung, trong những năm qua đã bộc lộ nhiều hạn chế như khó khăn trong việc huy động nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, đội ngũ cán bộ không chuyên trách hoạt động không đồng đều ảnh hưởng đến chất lượng chỉ đạo điều hành chung…
Thực hiện chủ trương sáp nhập xóm, xã, hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục rà soát lại quy mô số hộ ở các xóm sau khi Thông tư số 14/2018 của Bộ Nội vụ ngày 3/12/2018 ban hành với quy định quy mô xóm, khối là 250 hộ để xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập khối, xóm, thôn, bản. Đơn cử như tại huyện Yên Thành, trên cơ sở Thông tư số 14/2018, toàn huyện dự kiến giảm từ 100 - 150 xóm, khối so với 496 khối, xóm hiện tại. Hiện, các địa phương trên địa bàn đang tập trung hoàn thiện các bước để tiến hành sáp nhập các khối, xóm chưa đảm bảo quy mô số hộ gia đình theo quy định.
Tại các địa phương trên toàn tỉnh, nhìn chung việc triển khai sáp nhập khối, xóm diễn ra thuận lợi, với sự ủng hộ, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và người dân. Lấy dẫn chứng điển hình như, trong số 18/22 xã, thị trấn của huyện Tân Kỳ tiến hành lấy ý kiến nhân dân và đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2016 - 2021, kết quả tại 18 đơn vị được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Cụ thể, tại 188/189 xóm thuộc diện sáp nhập khi lấy ý kiến nhân dân, tỉ lệ nhân dân đồng tình lên tới 95%; xóm còn lại có tỉ lệ đồng tình thấp nhưng cũng lên tới 61%.
Sở dĩ việc tiến hành sáp nhập các xóm chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định nhận được sự đồng thuận cao là do các địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, tư tưởng rộng rãi. Qua đó, giúp nhân dân hiểu rõ chủ trương sáp nhập là lời giải cho “bài toán” giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách; giảm chi ngân sách, phát huy vai trò tự quản, tự chủ và hiệu quả huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, xây dựng nông thôn mới…
Song song với thực hiện chủ trương sáp nhập, nhiều địa phương còn tiến hành rà soát để giảm số lượng cán bộ, công chức. Đơn cử như tại huyện Quỳnh Lưu, liên quan đến việc sáp nhập thôn, xóm, tinh thần chung là cơ bản thực hiện ngay trong năm 2019. Theo đó, huyện cũng tiến hành rà soát để giảm cán bộ, công chức các xã, thị trấn ít nhất 2 người/đơn vị để đến năm 2021 giảm được tối thiểu 12 cán bộ và 54 công chức; đồng thời, bố trí kiêm nhiệm để giảm số người hoạt động không chuyên trách thấp hơn mức quy định của Trung ương, dự kiến ở xã giảm tổng cộng 159 người, ở thôn, xóm giảm 1.200 người.
Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, việc thực hiện chủ trương sáp nhập trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn một số vấn đề đáng lưu tâm. Một trong số đó là việc lựa chọn nhân lực đảm nhận công việc ở cơ sở, nhất là khu vực đô thị, phần lớn là cán bộ hưu trí, tuổi cao. Ngoài ra, liên quan đến đề án sáp nhập khối, xóm nếu không đẩy nhanh quy trình để sớm hiện thực hóa trong thực tiễn thì sẽ không tránh khỏi những xáo trộn trong tâm lý của cán bộ và nhân dân, đặc biệt là tình trạng người nghỉ "tâm tư", người tiếp tục "dễ nản" trong đội ngũ không chuyên trách cơ sở.
Là bước đi quan trọng để các địa phương phát huy sức mạnh cộng đồng xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển bền vững, do vậy, những khó khăn, vướng mắc, bất cập từ thực tiễn triển khai việc sáp nhập xóm, xã đòi hỏi sự quan tâm giải quyết hơn nữa của các cấp, ngành để chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả toàn diện.
Thùy Dương