CCHC
Xung quanh thông tin bỏ hộ khẩu và chứng minh nhân dân
(Congannghean.vn)-Những ngày vừa qua, thông tin về việc bỏ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu và đơn giản hóa các thủ tục hành chính không cần hộ khẩu, chứng minh nhân dân (CMND) đang được người dân đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, khi nào chính thức bỏ hộ khẩu và nhiều vấn đề, thậm chí cả quyền lợi liên quan đến 2 loại giấy tờ này từ trước đến nay sẽ được xử lý như thế nào đang là nỗi băn khoăn của nhiều người.
Từ trước đến nay, sổ hộ khẩu và CMND là 2 loại giấy tờ không thể thiếu khi làm các thủ tục hành chính (Trong ảnh: Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Công an huyện Yên Thành) |
Thay thế quản lý bằng mã số định danh cá nhân
Ngày 30/10, Chính phủ có Nghị quyết 112/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công an. Trong đó, có quy định “bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân”... Cùng với việc bỏ sổ hộ khẩu, các loại giấy tờ, thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu như: Tách sổ hộ khẩu, đổi sổ hộ khẩu, xóa đăng ký thường trú, đổi sổ tạm trú... cũng được bãi bỏ.
Sau khi phương án này được thông qua, các thủ tục về sổ hộ khẩu, CMND như từ trước đến nay sẽ được thay thế bằng mã số định danh cá nhân. Tuy nhiên, việc này không thể thực hiện ngay, mà theo lộ trình, dự kiến đến năm 2019 - 2020 mới thực hiện được. Như vậy, ít nhất trong thời gian từ nay đến năm 2019, sổ hộ khẩu và CMND vẫn phải được lưu hành, sử dụng.
Việc quản lý công dân sẽ được thông qua mã số định danh cá nhân và số thẻ căn cước công dân (CCCD) cũng đồng thời là mã số định danh cá nhân. Mỗi công dân được cấp một mã số định danh và không lặp lại ở người khác. Theo Luật CCCD, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ cập nhật các thông tin của công dân bao gồm: Họ tên khai sinh, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh, quê quán, dân tộc, quốc tịch, tình trạng hôn nhân, nơi đăng ký thường trú, chỗ ở hiện tại, mã số thuế cá nhân, số định danh cá nhân...
Hiện nay, để Nghị quyết 112/NQ-CP sớm đi vào cuộc sống, Bộ Công an đang khẩn trương xây dựng hệ thống dữ liệu chuẩn hóa, số hóa và lưu trữ quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin dùng chung cho các bộ, ngành, địa phương để phục vụ quản lý Nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Khi có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, công dân khi đến các cơ quan Nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính chỉ cần đưa ra 3 thông tin cơ bản, gồm: Họ tên, mã số định danh và chỗ ở. Theo lộ trình, đến đầu năm 2020, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ hoàn thiện, đưa vào vận hành khai thác.
Khi nào thì bỏ sổ hộ khẩu và CMND?
Tính đến thời điểm này, trên cả nước chỉ mới có 16 địa phương thực hiện cấp thẻ CCCD kể từ ngày 1/1/2016, Nghệ An là tỉnh chưa thực hiện việc này. Do vậy, nhiều người hiểu rằng, tính từ thời điểm Nghị quyết 112/NQ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (ngày 30/10/2017), đồng nghĩa với việc sẽ bãi bỏ hộ khẩu và CMND là không đúng. Ít nhất phải 2 năm nữa, khi thời điểm hoàn thành, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thì 2 loại giấy tờ này mới chính thức “khai tử”.
Để tránh việc bỏ sổ hộ khẩu, CMND sẽ gây xáo trộn một số hồ sơ, giao dịch dân sự trước đó, cơ quan chức năng cũng đang xây dựng cơ sở dữ liệu chuyển tiếp giữa cái mới và cái cũ, để làm sao khi đưa vào vận hành, người dân sẽ được cập nhật các thông tin mới, đồng thời những thông tin cũ vẫn còn nguyên giá trị theo quy định của pháp luật.
Từ trước đến nay, có rất nhiều thủ tục hành chính liên quan đến hộ khẩu và CMND, do đó khi bỏ 2 loại giấy tờ này, đồng nghĩa với việc sẽ “cởi trói” cho rất nhiều quy định bất thành văn đi kèm. Chẳng hạn như trong công tác tuyển dụng, hoặc tuyển sinh đầu năm học, nhất là vào các bậc học mầm non và tiểu học, từ trước đến nay gần như lấy hộ khẩu làm tiêu chí cứng. Theo lãnh đạo nhiều trường học trên địa bàn TP Vinh, đây là một áp lực tuyển sinh vô cùng lớn, kéo theo đó là sự thiếu công bằng. Với việc bỏ sổ hộ khẩu và CMND, nhà trường sẽ ưu tiên cho những trường hợp cư trú gần trường, vừa đảm bảo việc di chuyển của học sinh, vừa tránh ách tắc giao thông - “bài toán” tưởng chừng như không bao giờ có thể giải quyết được nay hóa ra lại dễ dàng từ sau khi thực hiện Nghị quyết 112/NQ-CP.
Liên quan đến vấn đề này, trước thắc mắc cũng như băn khoăn, lo lắng của người dân, ngày 7/11 vừa qua, Bộ Công an cũng đã tổ chức họp báo về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước, đồng thời trả lời những thắc mắc liên quan đến việc đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Trao đổi với báo chí về nội dung này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cũng cho rằng, việc bỏ sổ hộ khẩu là hoàn toàn hợp lý. Quá trình này đã được chuẩn bị chu đáo nhằm giảm bớt thủ tục, giấy tờ cho người dân. Theo Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, việc bỏ hộ khẩu và CMND không gây áp lực quản lý xã hội đối với cơ quan chức năng vì các thông tin trên đã được cập nhật bằng dữ liệu điện tử, quản lý bằng công nghệ thông tin. Điều này giúp người dân thay vì phải mang nhiều loại giấy tờ thì chỉ cần xuất trình mã số định danh cá nhân để cơ quan chức năng kiểm tra qua máy tính. Đơn cử, Nghệ An có hơn 3,2 triệu mã định danh, khi cần tra cứu tất cả vấn đề về CMND của dân, lực lượng Công an chỉ cần vào máy tính tra cứu là nắm được toàn bộ thông tin liên quan.
Thiên Thảo