Bình yên xứ Nghệ
Những người thầy thuốc mang sắc phục Công an
08:34, 26/02/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Vinh dự khoác lên mình 2 màu áo, màu áo ngành và chiếc blouse trắng, những người thầy thuốc trong CAND gánh sứ mệnh thiêng liêng đó là chữa bệnh cứu người. Họ là những y, bác sĩ đang từng ngày dốc hết sức lực để chăm sóc sức khỏe cho CBCS, nhân dân; là những bác sĩ đang làm việc trong các trại giam hay những bác sĩ pháp y…
1. Chị Trần Thị Kiều Oanh (50 tuổi, cán bộ Đoàn điều tra quy hoạch lâm nghiệp Nghệ An) bị thoái hóa đốt sống cổ, việc vận động, sinh hoạt rất khó khăn. Sau 4 ngày nhập viện điều trị tại Bệnh viện Công an tỉnh, được các bác sĩ tận tình chăm sóc, chữa trị, các triệu chứng của chị đã thuyên giảm, việc vận động, sinh hoạt cũng thuận tiện hơn nhiều. “Tôi có nhiều sự lựa chọn bệnh viện để điều trị nhưng tôi chọn Bệnh viện Công an tỉnh vì trước đây người nhà tôi đã điều trị và rất hiệu quả. Ấn tượng đầu tiên khi đến khám, chữa bệnh tại đây đó là thái độ niềm nở của các y, bác sĩ, sau nữa là sự tận tâm, trách nhiệm với người bệnh khiến tôi rất an tâm và hài lòng”, chị Oanh chia sẻ. Tâm sự của chị Oanh cũng là cảm nhận chung của CBCS, bệnh nhân khi đến thăm khám, điều trị tại Bệnh viện Công an tỉnh.
Đại tá Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Bệnh viện Công an tỉnh Nghệ An trao đổi chuyên môn với các y, bác sĩ |
Xuất phát từ tầm quan trọng của công tác y tế, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho CBCS, những năm qua, Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh luôn đặc biệt quan tâm chỉ đạo, nâng cao chất lượng công tác y tế, từng bước xây dựng mạng lưới y tế ngày càng phát triển hiện đại. Để xứng đáng với sự quan tâm, kỳ vọng của Lãnh đạo Công an tỉnh, Bệnh viện Công an tỉnh đã không ngừng nỗ lực, nâng cao y đức, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y như từ mẫu”, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho CBCS và nhân dân.
Đại tá Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Bệnh viện, người đã gắn bó gần cả cuộc đời mình với công tác y tế Công an Nghệ An không giấu được niềm tự hào khi nhìn lại quá trình xây dựng, phát triển, trưởng thành của lực lượng y tế CAND. Bởi hơn ai hết, đồng chí là người đã chứng kiến, trực tiếp trải qua từng giai đoạn lịch sử, từng bước thăng trầm từ khi thành lập Bệnh viện đến nay. Ra đời từ năm 1980, Bệnh xá phải đối mặt với điều kiện khó khăn chung, tuy nhiên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lực lượng y tế của Công an Nghệ An cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đến năm 2013, Bệnh xá được nâng cấp lên Bệnh viện Công an tỉnh, đầu tư trang thiết bị hiện đại như hiện nay.
Những năm qua bệnh viện được đầu tư trang cấp trang thiết bị hiện đại |
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề y, sau khi tốt nghiệp Đại học Y, năm 1987, Đại tá Nguyễn Văn Thành về làm y sĩ điều trị tại Ban bảo vệ sức khỏe, Công an Nghệ An. Ngày đó, Đại tá Thành được giao nhiệm vụ theo chân CBCS tham gia truy bắt tội phạm, ông là người đứng sau chăm lo sức khỏe cho CBCS yên tâm chiến đấu, góp sức vào thành công của mỗi vụ án. Năm 1998, Đại tá Thành đảm nhận vai trò Bệnh xá trưởng, đến khi nâng cấp lên Bệnh viện ông được bổ nhiệm làm Giám đốc cho đến bây giờ. Đại tá Nguyễn Văn Thành cho biết: Với sự quan tâm của Bộ Công an, Công an tỉnh, những năm qua, Bệnh viện được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại với quy mô 60 giường bệnh chất lượng; đội ngũ cán bộ làm công tác y tế ngày càng lớn mạnh về số lượng lẫn chất lượng. Hiện nay, Bệnh viện có 14 bác sĩ, 11 y tá, kỹ thuật viên đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của CBCS và nhân dân trên địa bàn. Trung bình mỗi năm Bệnh viện khám cho 5.500 lượt bệnh nhân, khám sức khỏe định kỳ cho hơn 2.000 trường hợp; khám tuyển sinh, tuyển nghĩa vụ cho 1.000 trường hợp. Bên cạnh đó, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần quan trọng ngăn chặn, không để xảy ra dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe CBCS và sức chiến đấu của lực lượng; tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, khám, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con vùng sâu, vùng xa…
Đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho CBCS và nhân dân, ngoài việc thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao y đức, Bệnh viện Công an tỉnh đã chủ động tăng cường mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ giúp đỡ, học hỏi các bệnh viện trong và ngoài ngành, nhất là các bệnh viên trên địa bàn để không ngừng phát triển, đáp ứng yêu cầu công tác thường xuyên và đột xuất của Công an tỉnh trong mọi hoàn cảnh.
2.Thiếu tá Lê Giang Nam mới được điều động, bổ nhiệm làm Bệnh xá trưởng Trại tạm giam Công an tỉnh hơn 2 tháng nay. Được đánh giá là một bác sĩ có tay nghề, chuyên môn cao, thế nhưng khi đảm nhận công việc mới, bác sĩ Nam không tránh khỏi những áp lực. Không áp lực sao được bởi bệnh nhân điều trị ở đây là những can phạm nhân, cả những phạm nhân mang án tử. Hằng ngày, bác sĩ Nam tiếp xúc nhiều phạm nhân với đủ loại bệnh tật, trong đó có nhiều đối tượng nghiện ma túy, mắc các tệ nạn xã hội, các bệnh mãn tính và cả những người bị nhiễm HIV. Công việc hằng ngày của bác sĩ Nam bắt đầu bằng việc thăm khám cho các phạm nhân tại buồng giam, điều trị đối với những bệnh nhân nặng tại Bệnh xá. Trong quá trình này, việc phạm nhân không hợp tác với bác sĩ, thậm chí chống đối là chuyện thường ngày. Thậm chí, cả những phạm nhân dù không bị bệnh gì nhưng vì lười lao động, có tư tưởng chống đối nên đã “giả bệnh” để đòi hỏi yêu sách với cán bộ hay chỉ để được vào Bệnh xá nằm. Từ ngày về nhận công tác, bác sĩ Nam đã gặp phải 2 trường hợp như thế.
Cán bộ Bệnh viện Công an tỉnh khám, kiểm tra thân nhiệt cho các công dân thực hiện nghĩa vụ CAND năm 2020 |
Khó khăn, áp lực, thậm chí là nguy hiểm nhưng không vì thế mà bác sĩ Nam và các y, bác sĩ ở đây chùn bước, thậm chí họ phải cố gắng, nỗ lực gấp đôi để làm tròn chức trách, nhiệm vụ của mình. Đó là vừa chăm sóc sức khỏe vừa cảm hóa, giáo dục, hướng thiện giúp các phạm nhân vươn lên làm lại cuộc đời. Bác sĩ Lê Giang Nam chia sẻ khó khăn lớn nhất mà đội ngũ y, bác sĩ Trại tạm giam gặp phải đó là điều kiện làm việc còn nhiều thiếu thốn, các trang thiết bị, thuốc men còn thiếu nên công tác điều trị vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, số lượng phạm nhân đông, hiện nay Trại tạm giam có hơn 1.000 can phạm nhân và khoảng 150 phạm nhân đang thi hành án. Hầu hết can phạm nhân khi vào đều có tâm lý bất ổn, mặc cảm, tuyệt vọng, có khi lỳ lợm, chống đối nên ngoài việc là bác sĩ điều trị, đội ngũ y, bác sĩ ở đây còn là những “nhà tâm lý” trên con đường cảm hóa, giáo dục, thắp lên ánh sáng, những tia hy vọng cho phạm nhân về tương lai phía trước.
Làm việc trong điều kiện áp lực, nguy hiểm không kém đó là đội ngũ bác sĩ pháp y, Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh, những người luôn có mặt ở sau mỗi vụ án, đi tìm các chứng cứ góp phần đưa sự thật ra ánh sáng. Nhắc đến những bác sĩ pháp y, chúng ta cũng phần nào hình dung được công việc của họ, đó là giám định, khám nghiệm tử thi, hiện trường vụ án, giúp cơ quan điều tra làm rõ các vụ án mạng, truy tìm hung thủ. Thiếu tá Trần Văn Hải, bác sĩ pháp y, Phòng Kỹ thuật Hình sự là con nhà nòi trong ngành pháp y. Bố anh là bác sĩ pháp y của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh. Gần 20 năm công tác, Thiếu tá Hải đã tham gia khám nghiệm hàng nghìn vụ án, mỗi vụ án là những hiện trường khác nhau, có khi ở rừng sâu trong những ngày hè bỏng rát, khi thì xuống biển vào những ngày đông rét cắt da cắt thịt. Công việc khám nghiệm tử thi buộc các bác sĩ phải thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại khi phải tiếp xúc với nhiều tử thi, nhất là những tử thi phân hủy lâu ngày, bốc mùi hôi thối. Thế nhưng vượt lên trên tất cả mọi khó khăn, đội ngũ bác sĩ pháp y vẫn đang miệt mài, thầm lặng với công việc của mình, xây dựng thương hiệu đội ngũ pháp y Công an Nghệ An.
3. Trong suốt chặng đường 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng y tế, pháp y Công an Nghệ An không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Hiện nay, Công an tỉnh có 25 đầu mối y tế (21 huyện thành, thị, 4 phòng trực thuộc Công an tỉnh; trong đó có Bệnh viện Công an tỉnh và Bệnh xá Trại tạm giam). Mỗi CBCS làm công tác y tế là những tấm gương sáng về học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thầm lặng hy sinh, đứng sau mỗi chiến công của lực lượng Công an tỉnh nhà, góp phần không nhỏ vào nhiệm vụ bảo đảm ANTT trên địa bàn. Để đạt được những kết quả đó, tập thể y, bác sĩ Công an Nghệ An luôn xác định công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho CBCS là trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Hiện nay, Bộ Công an đang kiện toàn, phát triển mạng lưới y tế trong CAND từ Trung ương đến địa phương theo hướng hiện đại, tinh gọn, hiệu quả. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, lực lượng y tế trong Công an Nghệ An tiếp tục phát huy truyền thống, nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là những người thầy thuốc trong CAND.
Bác sỹ Lê Giang Nam, Bệnh xá trưởng Trại tạm giam Công an tỉnh thăm khám cho phạm nhân |
Huyền Thương