Bình yên xứ Nghệ
'Hiệp sỹ' 2 lần cứu 11 người dân thoát khỏi nguy hiểm trong mưa lũ
(Congannghean.vn)-Hai lần bất chấp nguy hiểm tính mạng bản thân, dầm mình trong mưa gió cứu thoát 11 người. Trong đó có 7 em học sinh THCS trong một vụ chìm đò trên sông tại huyện Quỳ Châu và 4 người dân bị mắc kẹt trên mỏm đá trong cơn lũ lớn tại huyện Quế Phong khi đi bắt cá. Thượng sỹ Lương Văn Thắng, cán bộ Công an huyện Quế Phong đã trở thành “hiệp sỹ” trong lòng bà con nhân dân trên địa bàn.
Lãnh đạo UBND huyện Quế Phong tặng Giấy khen cho Thượng sỹ Lương Văn Thắng (thứ 2 từ phải sang) và đồng đội |
Từ người con bản làng…
Sau rất nhiều lần hẹn gặp, chàng “hiệp sỹ” được bà con dân bản yêu mến tôn vinh mới chịu đồng ý chia sẻ về bản thân. Bởi, với Thượng sỹ Lương Văn Thắng thì “không muốn nhắc vì đó là những việc làm bình thường của mỗi CBCS Công an Nghệ An trong hoàn cảnh như vậy”.
Và trong cuộc gặp vội vã một chiều cuối đông, khi Thắng đang tất bật cho ngày hạnh phúc trăm năm của mình, phóng viên đã kịp ghi lại vài nét đời thường của chàng Thượng sỹ sinh năm 1995 này. Với nụ cười ấm áp, Thượng sỹ Thắng cho biết: Là người con của bản Kẻ Nính, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, Thắng rất thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của bố mẹ khi hàng ngày phải vật lộn với việc phát rẫy, làm nương nuôi 2 chị em ăn học nên người. Chính vì thế, ngay từ khi còn nhỏ, Thắng đã luôn chăm chỉ và nỗ lực học tập tốt.
Khi được hỏi tại sao lại chọn ngành Công an đầy gian lao, nguy hiểm này? Thắng chia sẻ: “Có lẽ với vụ chìm đò tại bản Kẻ Nính năm 2009 khi tôi đang là học sinh lớp 9 và là một trong những người có mặt trên chuyến đò định mệnh hôm đó đã hun đúc ý chí muốn rèn luyện bản thân để góp một phần công sức bảo vệ ANTT trên quê hương mình, đem lại cuộc sống bình yên cho bản làng”.
Thượng sỹ Thắng nhớ lại: Sáng 21/10/2009, Thắng cùng các bạn học sinh Trường THCS Hạnh Thiết, huyện Quỳ Châu lên chiếc đò tại bến đò ngang Kẻ Nính trên sông Hiếu để vượt sông đến trường. Tuy nhiên, do đò quá đông, trời lại đang mưa lũ, dòng nước chảy xiết, sợ nguy hiểm đến tính mạng nên Thắng cùng 2 bạn nữa xuống đò chờ chuyến sau để nhường chỗ cho các bạn cùng trường qua sông trước. Đang đứng đợi trên bờ, bất ngờ Thắng nhìn thấy con đò chao đảo, tròng trành trước lúc lật nghiêng, hất tung 16 người bạn của mình chìm xuống lòng sông. Không kịp suy nghĩ, Thắng cùng 2 người bạn bất chấp hiểm nguy lao xuống dòng nước, cùng người dân bơi sang phía gần bờ bên kia cứu các bạn gặp nạn. Tuổi nhỏ, sức yếu, song các em đã quả cảm cứu được 14 bạn thoát chết, trong đó Thắng cứu được 7 bạn.
…Trở thành “hiệp sỹ” cứu người
Với ước mơ trở thành người chiến sỹ Công an để bảo vệ bình yên cho quê hương, Thắng quyết tâm thi và trở thành sinh viên của Trường Cao đẳng An ninh nhân dân 1. Cuối năm 2018, sau khi tốt nghiệp, anh được phân công công tác tại Đội An ninh Công an huyện Quế Phong, một trong những địa bàn vùng biên giới của tỉnh Nghệ An. Dù còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng chàng trai sinh ra từ bản làng đã nhanh chóng bắt nhịp và luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, trong quá trình công tác, chiều tối 30/8/2019, khi anh cùng đồng đội đang trực chiến đảm bảo an toàn cho nhân dân trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 4 thì nhận được nguồn tin: Tại khu vực hạ lưu đập thủy điện Bản Cốc, sông Nậm Giải thuộc bản Hữu Văn, xã Châu Kim, có 4 người dân đi câu cá gồm: Lữ Văn Phương (24 tuổi), Kim Sơn Ngọc (17 tuổi), Lô Văn Hai (16 tuổi) và Lô Trung Hiếu (16 tuổi) cùng trú tại xã này bị mắc kẹt trên mỏm đá thuộc khu vực hạ lưu của đập thủy điện từ ngày 29/8/2019 không vào được bờ.
Thượng sỹ Lương Văn Thắng cùng em Lữ Văn Phương, một trong 4 người bị nạn được cứu thoát trong mưa lũ |
Ngay sau khi nhận được tin báo, Thượng sỹ Lương Văn Thắng đã cùng đồng đội nhanh chóng có mặt tại hiện trường, phối hợp với các lực lượng tiến hành công tác giải cứu. Khu vực hạ lưu đập thủy điện Bản Cốc, sông Nậm Giải, bản Hữu Văn cách thị trấn Kim Sơn 25 km, do trời mưa lớn nên đường đi rất khó khăn. Tổ công tác đã phải di chuyển bằng xe máy và đi bộ khoảng 5 km. Khu vực suối các nạn nhân mắc kẹt cách đường khoảng 500 m, nhưng lại là nơi có độ dốc lớn. Mặt khác, do thời tiết mưa to liên tục trong mấy ngày nên đường đi xuống rất trơn và hiểm trở. Để xuống được bờ suối, Thượng sỹ Thắng cùng đồng đội đã phải men theo các lối đi vòng để tránh sạt lở.
Xuống được đến bờ sông, vì chỉ mới xác định được khu vực người dân bị nạn nhưng chưa xác định được vị trí cụ thể nên Tổ công tác phải chia làm 2 hướng để tìm kiếm. Quá trình đó, phát hiện có khói ở phía bên kia bờ sông, nhận định đó là vị trí các nạn nhân mắc kẹt, Thượng sỹ Thắng đã báo cáo và nhanh chóng di chuyển đến khu vực này. Tại hiện trường, 4 nạn nhân bị mắc kẹt trên một tảng đá nhỏ giữa dòng sông cách bờ khoảng 60 m. Lúc này trời tiếp tục mưa lớn, nước lũ từ đập thủy điện và các nơi khác đổ về nhanh khiến công tác tiếp cận, giải cứu các nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, do bị chia cắt trong gần 2 ngày, lại tiếp xúc với mưa lạnh, không được ăn nên 4 nạn nhân đều bị suy kiệt và lâm vào tình thế hết sức nguy hiểm, nếu không vào bờ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.
Thực hiện theo phương án Tổ công tác đã đưa ra, Thượng sỹ Thắng dùng dây thừng buộc vào người, cùng đồng đội chặt cây bắc thành cầu để anh di chuyển từ bờ vượt qua các mỏm đá giữa dòng nước lũ đang chảy xiết. Khó khăn lớn nhất là từ mỏm đá thứ 3 đến mỏm đá thứ 4 gần nơi các nạn nhân mắc kẹt, cách khoảng 20 m, đây lại là chỗ nước sâu và đục ngầu vì lũ, trời lại tối nên không thể thấy đá ở dưới để di chuyển, nếu sơ suất có thể trượt chân ngã vào xoáy nước sâu hoặc bị lũ cuốn trôi.
Trước tình thế đó, Thượng sỹ Thắng đã nảy ra ý tưởng buộc dây thừng tạo thành thòng lọng, ném vào đầu mỏm đá để siết chặt, tạo thành thang dây cho việc di chuyển. Thượng sỹ Thắng kể: Sau khi dây đã được buộc chặt vào mỏm đá, anh vừa giữ dây vừa di chuyển bằng cách dò theo tảng đá phía dưới. Lúc này, nước đến lưng bụng, di chuyển cực kỳ khó khăn, nhiều lần anh bị trượt chân nhưng may mắn đã bám được dây thừng và trụ vững. Với tinh thần dũng cảm, không sợ hiểm nguy, sau thời gian nỗ lực cố gắng, anh đã đến được mỏm đá thứ 4 cách vị trí các nạn nhân khoảng 20 m. Từ đây không thể di chuyển qua vị trí các nạn nhân, anh vừa động viên, trấn an tinh thần, vừa hướng dẫn các kỹ năng, phương án đảm bảo an toàn cho 4 nạn nhân thoát hiểm.
Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, cả 4 nạn nhân đã vào đến bờ an toàn trong niềm vui của người thân, quần chúng nhân dân và các lực lượng chức năng ứng cứu. Bản thân Thượng sỹ Thắng khi đã giải cứu thành công các nạn nhân mới phát hiện mình bị thương ở đầu gối bên phải và hai khuỷu tay vì chấn phải đá trong lúc băng qua lũ xiết cứu các nạn nhân.
Là cán bộ an ninh phụ trách tại địa bàn rộng lớn, chủ yếu là bà con người dân tộc thiểu số nhưng Thượng sỹ Thắng đã luôn bám dân, bám địa bàn, nắm chắc tình hình liên quan đến ANTT. Sau hành động dũng cảm, góp sức cùng đồng đội giải cứu 4 người dân bị kẹt giữa dòng nước lũ, anh càng được bà con thôn bản yêu quý, tin tưởng.
Ghi nhận hành động dũng cảm đó, UBND huyện Quế Phong đã trao tặng Giấy khen cho Thượng sỹ Lương Văn Thắng và một số cán bộ liên quan. Công an tỉnh Nghệ An cũng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và Huân chương dũng cảm cho Thượng sỹ Thắng. Tấm gương của Thượng sỹ Lương Văn Thắng một lần nữa khẳng định tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của lực lượng Công an nhân dân nói chung, Công an Nghệ An nói riêng.
Hải Việt