Cảnh giác
Cảnh giác: Chiêu 'chặt chém' khách hàng của cửa hàng sửa chữa máy bơm nước
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Kon Tum có rất nhiều hộ dân lựa chọn phương án đào giếng hoặc khoan giếng để lấy nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt trong gia đình. Sau một thời gian sử dụng thì máy bơm nước không thể tránh khỏi trục trặc, hỏng hóc phải mang đi sửa. Nhiều người dân do không rành về các loại máy bơm nên các cơ sở sửa chữa sử dụng nhiều “mánh khóe” khác nhau để lấy tiền của khách hàng một cách công khai.
Hiện nay để có nước sạch sử dụng hằng ngày nhiều hộ gia đình trên địa bàn thành phố Kon Tum lựa chọn phương án ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Cấp nước Kon Tum để lắp đặt hệ thống nước, tuy nhiên do giá thành lắp đặt hệ thống nước máy vẫn khá cao, do vậy có rất nhiều hộ dân lựa chọn phương án đào hoặc khoan giếng để sử dụng. Nhiều loại máy bơm hỏa tiễn dùng cho giếng khoan có giá thành cao từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.
Lợi dụng tâm lý của khách hàng muốn sửa nhanh để có nước sử dụng trong sinh hoạt và lợi dụng người dân không rành về các loại máy bơm các chủ cơ sở sửa chữa theo kiểu “chặt chém” sử dụng những “mánh khóe” để lấy tiền của khách hàng một cách công khai như tráo linh kiện, báo sai lỗi, thêm lỗi, thay thế phụ kiện cũ, phụ kiện không chính hãng nhằm “móc túi” khách hàng.
Hầu hết các cửa hàng sửa chữa máy bơm kém uy tín khi nhận máy bơm của khách hàng để sửa chữa thường dùng chiêu “rất bận, do có nhiều máy phải làm gấp” và yêu cầu khách hàng ghi lại số điện thoại của khách hàng trên máy bơm, sau đó chủ cơ sở tự kiểm tra lỗi bị hỏng của máy bơm rồi báo lại cho khách hàng sau. Do vậy khi khách hàng đến nhận lại máy bơm thì các cửa hàng thường báo thêm lỗi hỏng của máy bơm, dù biết máy bơm của mình không hỏng những lỗi đó nhưng nghĩ lại vì không có giấy biên nhận, chỉ nói với nhau bằng miệng nên khách hàng cũng khó có chứng cứ để kiện cửa hàng.
Loại máy bơm hỏa tiễn đắt tiền, các tiệm thường sử dụng nhiều “chiêu trò” nhằm “móc túi” khách hàng |
Anh N - một người đi sửa máy bơm cho biết, anh đi sửa một máy bơm hỏa tiễn (loại thả dưới giếng khoan), đây là loại máy bơm đắt tiền anh mua với giá hơn 7 triệu đồng nên anh cẩn thận lựa chọn cửa tiệm lớn để sửa chữa. Máy bơm anh bị hỏng phớt nhớt làm cho nhớt tràn ra giếng, thế nhưng khi đưa đến tiệm sửa chữa máy bơm có biển hiệu H trên đường Lê Hồng Phong, trước khi sửa anh cũng báo với thợ là máy bơm của mình bị hỏng phớt nhớt, vẫn bơm nước bình thường và anh bảo thợ kiểm tra, thợ cũng mở ra kiểm tra và thử xem máy bơm chạy như thế nào và có hư hỏng gì thêm không? Kiểm tra kỹ lưỡng một lúc thợ báo máy anh bị hỏng phớt nhớt và hỏng cả phần động cơ bên trong do môtơ lúc chạy thuận chiều lúc chạy ngược chiều nên cần phải quấn, sửa lại và đưa ra giá sửa toàn bộ các lỗi trên với giá hơn một triệu đồng.
Không phải là một người giỏi về động cơ máy bơm, tuy nhiên trước khi đem máy bơm đi sửa anh N cũng đã tìm hiểu về loại máy bơm mà mình đang sử dụng và với triệu chứng hỏng của máy bơm mình, anh biết chủ cơ sở đang báo thêm lỗi để lấy thêm tiền của mình. Anh quyết định không sửa tại tiệm này mà anh đem sang một tiệm sửa chữa điện cơ khác nhờ thợ thay dùm phớt nhớt bị hỏng. Tại đây máy bơm của anh được thợ kiểm tra và báo phớt nhớt bị hỏng và đưa ra giá sửa lỗi trên với giá 150 nghìn đồng, sau khi thay phớt nhớt máy anh hoạt động tốt và không còn tình trạng rò nhớt ra giếng nữa.
Do đã có sự cảnh giác nên anh N đã không bị cửa tiệm H “chặt chém” thêm gần một triệu đồng về lỗi hỏng phần động cơ.
Hay như trường hợp của anh Nguyễn Văn L, anh mua một máy bơm hỏa tiễn loại nhập khẩu với giá gần 10 triệu đồng, sau hơn năm năm sử dụng chiếc máy bơm của anh cũng bị rò rỉ nhớt ra giếng, anh đem chiếc máy bơm đến tiệm đã bán trước đó để sửa chữa, sau một lúc kiểm tra, chủ tiệm báo bị hỏng phớt nhớt, hỏng bi và hỏng cả động cơ, chi phí để sửa chiếc máy bơm là gần 3 triệu đồng.
Tuy nhiên thấy số tiền sửa quá lớn và nghi ngờ về tay nghề sửa chữa của cửa tiệm nên anh L không sửa mà đem máy bơm của mình đi sửa ở một tiệm có uy tín khác, sau một lúc kiểm tra nhân viên báo máy bơm của anh hỏng bi và hỏng phớt nhớt và đưa ra giá sửa các lỗi trên với giá 700 nghìn đồng.
Ngoài cách báo thêm lỗi, sai lỗi để lấy thêm tiền của khách hàng còn xuất hiện thêm thủ đoạn gian lận tinh vi rất khó phát hiện đó là các cửa hàng sửa chữa mua xác các máy bơm cũ đã hỏng một số bộ phận sau đó rã máy lấy các linh kiện còn hoạt động được thay cho khách hàng nhưng tính tiền những linh kiện đó là những linh kiện mới.
Vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác không bị lừa, bị các cửa hàng kém uy tín “chặt chém” trước khi đem máy bơm đi sửa cần nhờ những người biết về lĩnh vực này kiểm tra trước để biết lỗi hư hỏng chính xác của máy bơm; khi sửa chữa cần chọn những tiệm sửa chữa uy tín, những tiệm có dịch vụ thay lấy ngay. Khi giao máy cho các tiệm sửa chữa cần phải có giấy biên nhận ghi đầy đủ các thông tin về hiện trạng của máy; đồng thời sau khi sửa chữa xong phải kiểm tra kỹ các bộ phận xem có hỏng hóc, phát sinh lỗi gì không, nếu có lỗi thì báo để thợ kiểm tra lại máy, đừng để mình trở thành “nạn nhân” của những cửa hàng sửa chữa kém uy tín, nhằm tránh tình trạng “tiền mất tật mang”
Nguồn: Công an Kon Tum