Cảnh giác

Cảnh giác với chiêu chia phần trăm lợi nhuận

09:02, 08/09/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN
Đã hai năm thất nghiệp, nên chị Hoàng Kim Thu (SN 1975, ngụ Đồng Nai) khát khao tìm được việc làm có mức thu nhập vừa phải để ổn định cuộc sống

Vì vậy, ngoài việc thường xuyên lên internet hoặc đến trước các khu công nghiệp để đăng tuyển, chị Thu còn nhờ người quen giới thiệu giúp.Nỗ lực tìm kiếm nhưng cơ hội có được công việc ưng ý vẫn chưa mỉm cười với người phụ nữ tuổi tứ tuần.

Đầu năm 2015, trong một lần lang thang đến các trung tâm giới thiệu việc làm, chị Thu tình cờ đọc được mẩu quảng cáo dán trên cây xanh bên lề đường ở TP.Biên Hòa có nội dung: “Cần tuyển nhân viên bán nhân sâm, tổ yến, cacao... Lương tối thiểu 5 triệu đồng tháng. Thu nhập bình quân tháng gấp 2,3 lần lương chính nếu bạn là người năng động, có duyên bán hàng”.

Chớp thời cơ, chị Thu lấy điện thoại di động gọi vào số thuê bao nơi đang tuyển người. Đầu dây bên kia là một phụ nữ chào đón chị niềm nở, nhẹ nhàng cho biết: “Số nhân viên công ty cần tuyển đã gần đủ nhưng số hồ sơ dự tuyển còn rất nhiều. Nếu bạn ở gần thì nên tranh thủ đến sớm, nhiều khả năng cuối giờ chiều hôm nay chúng tôi sẽ ngưng tuyển dụng. Khi đến bạn nên mang theo hai tấm hình, bộ hồ sơ xin việc, giấy chứng minh nhân dân...”.

Gần hết giờ làm việc buổi sáng, phân vân suy tính một chút, chị Thu quyết định tranh thủ đi sớm, vì để chiều sẽ dễ bị “sôi hỏng bỏng không”, lỡ có người nhanh chân hơn mình. Tới nơi, chị Thu thấy văn phòng công ty (ở Đồng Nai) rộng chừng bốn mét vuông, được bố trí mấy cái bàn làm việc khá sơ sài với vài nhân viên đang chăm chú thao tác trên máy vi tính.

Vì ham "bánh vẽ" lợi nhuận bán hàng, nhiều người đã sập bẫy như chị Thu - Ảnh: NOP 15

Đón chị là một thanh niên còn khá trẻ, tự giới thiệu là phó phòng nhân sự. Hơn nửa giờ phỏng vấn, anh ta chỉ quan tâm hỏi kỹ trước kia chị Thu đã đi làm ở đâu, mức thu nhập là bao nhiêu, tích góp tiết kiệm được thì gửi ở đâu hay dùng vào mục đích gì? Sau khi biết chị Thu đã đi làm công nhân da giày được hơn chục năm, có sổ tiết kiệm gửi trong ngân hàng để phòng thân và lo phụng dưỡng cha mẹ khi cần thiết, người phỏng vấn hồ hởi thông báo chị đã trúng tuyển.

Tuy nhiên, để có thể được nhận vào làm việc, công ty bắt buộc chị Thu phải học cách giao tiếp, quảng bá sản phẩm và nghệ thuật lôi kéo khách hàng. Để tham dự lớp tập huấn này, học viên phải nộp 160.000 đồng để mua tài liệu và mã số cá nhân. Thấy mức học phí chấp nhận được nên chị Thu đồng ý tham gia. Lớp học có khoảng bảy người, phần lớn là các bạn trẻ đang khát việc làm.

Sau một ngày được trang bị nhiều kỹ năng nền về quảng cáo bán hàng, các học viên được tách riêng để tư vấn công việc phù hợp. Điều kiện đầu tiên công ty đưa ra cho chị Thu là: “Muốn bán được nhiều hàng thì trước tiên phải sử dụng qua sản phẩm mới hiểu rõ chất lượng để thuyết phục khách hàng. Công ty hiện có bốn gói hàng hóa khác nhau để thể hiện đẳng cấp của nhân viên.

Nếu chọn gói khởi nghiệp, người tìm việc cần bỏ ra 8 triệu đồng mua hàng dùng thử, còn muốn sớm trở thành “chỉ huy” thì có thể đầu tư mua gói hàng từ 20 triệu đến 80 triệu đồng. Điều quan trọng là đầu tư càng lớn, lợi nhuận thu được càng cao, lãi suất thụ hưởng gấp 2, 3 lần so với gửi ngân hàng.

Mặt khác, người đầu tư còn được công ty thưởng ngay tại chỗ 10% số tiền vừa ký hợp đồng mua hàng. Hàng tháng, công ty còn trích 10% đến 15% lợi nhuận bán hàng để chia cho nhân viên. Nếu cộng tất cả các khoản thu nhập, một người năng động có thể kiếm được vài chục triệu đồng mỗi tháng. Hiện nay số học viên chọn đầu tư lớn để trở thành lãnh đạo chiếm con số khá cao nên quyền ưu tiên thuộc về những người đưa ra quyết định sớm”.

Bị thuyết phục bởi nguồn lợi nhuận hấp dẫn, ngay chiều hôm đó chị Thu đến ngân hàng rút 80 triệu đồng, ký hợp đồng mua gói sản phẩm hạng trung để mong sớm thành doanh nhân. Đúng như những gì công ty cam kết, sau khi đóng tiền chị được thưởng nóng ngay 8 triệu đồng nên phấn khởi chở các thùng hàng gồm bột cà phê hòa tan và tổ yến về bán.

Bốn tháng ròng, ngày nào cũng đem hàng đi chào bán nhưng đến đâu chị Thu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối với lý do: “Giá cả cao hơn so với sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường. Nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm không rõ ràng”.

Không đạt được chỉ tiêu bán hàng do công ty đề ra nên chị Thu chẳng được hưởng một khoản tiền nào. Đề nghị trả lại hàng, thu hồi vốn không được chấp nhận, chị Thu đành ngậm đắng ôm mớ tổ yến không rõ xuất xứ, chất lượng để trong nhà... ngắm chơi.

Cay đắng nhận ra mình sập “bẫy” việc làm, chị Thu chỉ còn biết tìm đến cơ quan ngôn luận nhờ lên tiếng để nhiều người đồng cảnh, đang khát tìm việc làm không mất tiền oan như mình.

Nguồn: Báo CATPHCM

Các tin khác